Những quả ớt bé nhỏ này được bán với giá nửa tỷ đồng một cân - cái giá đủ sức làm bất kỳ ai choáng váng!
Ớt sừng Aji Charapita có nguồn gốc từ phía bắc của Peru, được mệnh danh là "mẹ của những loại ớt" và nó là một trong những loại gia vị đắt nhất thế giới. Những người sành ăn đều biết tới loại ớt này bởi chúng thường được các đầu bếp nhà hàng Michelin hoặc khách sạn 5 sao ưa chuộng và săn lùng.
Kích thước những quả ớt Aji Charapita chỉ bằng hạt đậu, màu vàng tươi, thường mọc hoang dại tại các vùng rừng rậm ở Peru. Theo xếp hạng Scoville (thang đo biểu thị độ cay của các loại ớt) từ 30.000 đến 100.000 đơn vị, thứ ớt này được ví như "một cú đấm" siêu hạng có thể gây "thủng lưỡi".
Trong bảng xếp hạng độ cay, loại ớt Peru này nóng hơn ớt cayenne, cay hơn ớt jalapeño từ 4 tới 20 lần. Bởi vậy, các chuyên gia luôn khuyến cáo người dùng không nên ăn tươi sống. Mặc dù có hương vị “bạo liệt” như vậy nhưng ớt Aji Charapita được mô tả là khi ăn sẽ phảng phất hương cam quýt, mùi trái cây tự nhiên, bởi vậy, mang tới hương vị độc đáo cho các món ăn.
Là loại cây trung hạn, Aji Charapita có độ cao từ 40 đến 55 cm với tán rộng chừng 35 - 45 cm. Chúng sinh trưởng tốt ở nhiệt độ ngoài trời từ 35 độ C. Việc gieo hạt thường diễn ra vào mùa xuân (hoặc trong nhà kính) ở nền nhiệt 20 - 25 độ C từ giữa tháng 2 tới tháng 5.
Có thể thu hoạch trái sau khoảng 120 đến 140 ngày gieo trồng. Mỗi cây có chừng hàng chục đến cả trăm quả tròn nhỏ, màu đỏ hoặc vàng, nhưng màu vàng là phổ biến hơn cả.
Những trái ớt sừng Aji Charapita có màu vàng tươi đặc trưng, bé xíu, nhưng lại cung cấp nguồn vitamin A, B, C dồi dào, đồng thời chứa nhiều sắt, kali, magiê và riboflavin. Do khó tìm nên chúng được bán với giá khoảng 25.000 USD/kg (hơn 570 triệu đồng). Với giá thành này, chúng nằm trong top những gia vị siêu đắt, sánh ngang với nhụy hoa nghệ tây Saffron và vanilla (lớp tinh thể phủ trên hạt bên trong quả một loại phong lan nhiệt đới).
Tại Peru - quê hương của loại ớt này - nhất là ở những thành phố có rừng rậm như Tarapoto và Iquitos, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp hàng loạt món "sasalsas" và các món ăn phụ được đầu bếp nêm nếm thêm gia vị từ thứ ớt "siêu cay" này.
Đôi khi, chúng được pha trộn thêm tạo thành thứ nước sốt "bốc lửa", ăn kèm những món truyền thống của vùng rừng nhiệt đới như "juanes" và "tacacho".