Loại quả này có vị ngọt tự nhiên, dùng để làm nước giải khát, được trồng nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc có một loại quả từ xưa đã được người dân địa phương sử dụng để làm nước giải khát, thanh nhiệt nhuận tràng, đó là quả la hán.
Quả la hán còn có tên gọi khác là giả khổ qua. Cây la hán thuộc loại cây dây leo được trồng để thu hoạch quả. Lúc còn xanh, quả la hán rất giống với quả chanh dây nhưng kích thước nhỉnh hơn một chút, có hình cầu hoặc hơi trái xoan.
Quả la hán leo trên giàn, có hình dáng khá giống với quả chanh dây
Theo tìm hiểu, loại quả này có nguồn gốc từ Trung Quốc, là đặc sản vùng Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây. Trước đây chúng mọc hoang dại ở bìa rừng, leo bờ rào, sau đó được người dân mang về trồng vì loại quả này làm thành thức uống có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
Chị Thùy (ở Lào Cai) chia sẻ: "Quả la hán lúc tươi có màu xanh lục, khi được phơi khô chúng chuyển sang màu xám. Vài năm nay, thứ quả này được người dân thành phố ưa chuộng, "săn lùng" mỗi khi đến mùa. Thường từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm là mùa thu hoạch la hán".
Theo chị Thùy, phần bên ngoài của quả la hán có một lớp lông nhu mỏng, khá giòn, có thể dùng tay bóp được. Bên trong quả có nhiều hạt và thịt màu trắng, sờ vào cảm giác xốp nhẹ. Hạt của quả la hán có hình tròn, ở giữa có rãnh nhỏ. Trước người dân thường lựa những ngày trời nắng, trải quả la hán ra đường để phơi. Nhưng giờ số lượng nhiều và hiện đại hơn nên quả hái xuống đều được sấy bằng máy, sau đó đóng gói gửi đi cho khách ở khắp các tỉnh thành.
Quả la hán giờ đây được biết tới nhiều hơn, giá đắt đỏ vẫn rất được ưa chuộng trên thị trường
Tại các chợ quê, la hán được bán với giá 200.000 đồng/kg. Còn ở các tỉnh thành khác, hay trong các cửa hàng đặc sản, quả la hán khô có giá lên tới 400.000 – 500.000 đồng/kg.
"Quả này có vị ngọt tự nhiên nên người ta thường dùng nó để thay thế cho một số loại đường và nước ngọt. Hơn nữa năng lượng chất béo có trong la hán quả còn thấp hơn rất nhiều so với các loại thực phẩm khác. Vì vậy, người béo phì thừa cân, thậm chí bệnh nhân tiểu đường thường sử dụng loại quả này để ngăn ngừa những triệu chứng nguy hiểm của bệnh", chị Thùy nói thêm.
Ở các tỉnh Tây Bắc, người dân còn sử dụng quả la hán để nấu ăn, món canh la hán có hương vị rất riêng, vừa ngọt mát vừa bổ nên du khách đến đây đều tấm tắc khen. Theo đó, la hán được thái thành từng lát và cho vào nồi, đổ nước đun kỹ, cho thịt nạc vào nấu canh, có thể cho thêm bột gia vị sao cho phù hợp với khẩu vị.
Trong Đông Y, quả la hán là một vị thuốc có tính mát, tác dụng bổ phế và đại tràng. Vì vậy, quả la hán tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng và nhuận phế, thông tiện. Ngoài ra, saponin tritecpen trong quả la hán có vị ngọt tự nhiên rất phù hợp cho người bệnh đái tháo đường và bệnh nhân có thể sử dụng quả la hán làm nước uống.