Loại cây này mọc dại trong rừng ở Nghệ An, hái về xào nấu kiểu gì cũng ngon, lại giúp thanh nhiệt giải độc. Mấy năm nay chúng lên đời thành đặc sản lạ được ưa chuộng ở thành phố.
Cây lá lằng còn gọi là cây lá đắng, mọc hoang dại ở trong rừng các huyện miền Tây Nghệ An như Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương… Những tưởng đây là cây dại đắng ngắt không ăn được, nhưng người dân nơi đây từ xưa đã vào rừng hái lá lằng về chế biến đủ các món ngon.
Người dân địa phương cho biết cây lá lằng thân gỗ cao to tán lá xanh, toả ra một vùng rộng lớn. Đây là cây gỗ mềm không có giá trị trong việc kiến thiết xây dựng nên ít bị chặt phá. Lá lằng thường có 7-9 lá xòe tròn khép kín như cái ô. Lá của chúng dày, lúc đầu ngửi sẽ thấy hăng hắc, nhưng sau đó lại có mùi thơm đặc trưng. Một số vùng còn gọi đây là cây chân chim vì lá xẻ thùy giống chân chim.
Lá lằng mọc hoang dại trong rừng, từ xưa người dân địa phương đã hái về để xào nấu thành những món ăn dân dã
Vào những tháng hè nắng nóng, gió Lào, ai ghé qua các huyện vùng núi Nghệ An, được thưởng thức món canh lá lằng dù chỉ một lần đều không thể quên được hương vị đăng đắng, mùi thơm nhẹ và lạ miệng của một món canh độc đáo của vùng này.
"Món lá lằng xứ Nghệ đắng lắm, nhưng hậu có vị ngọt, tính mát. Mùa hè oi ả, nóng nực là thế, gió Lào đến khô người, nhưng ăn lá lằng chẳng có chút rôm sảy nào. Món canh lá lằng rất dễ nấu và đơn giản. Chỉ cần đun sôi nước, nêm mắm muối rồi thả vào một nắm lá là xong. Cầu kì hơn thì cho thêm quả cà chua hoặc một ít tép đồng là có nồi canh ngon miệng", anh Thành (ở huyện Yên Thành) chia sẻ.
Canh lá lằng ngon nhất khi ăn cùng cơm trắng, cà muối và ít cá biển kho mặn. Vị đắng và ngọt thanh của lá lằng kết hợp với vị chua của cà pháo và mằn mặn của cá biển tạo nên một món ngon khó cưỡng.
Lá lằng có vị nhẩn đắng nhưng khi ăn quen sẽ thấy ngọt hậu, làm món gì cũng ngon
Cũng là người dân xứ Nghệ, chị Bình (ở huyện Đô Lương) kể: "Mẹ từng nói với tôi rằng, cây lá lằng trước đây thường mọc hoang ở ven rừng quanh các chân đồi, sườn núi. Vào mùa hè, lá lằng xanh mơn mởn. Lá lằng được dùng để nấu canh thời điểm này là ngon nhất. Hồi bé thấy canh lá lằng nhẩn đắng nên chị em tôi chê không ăn. Lúc đó, mẹ lại khẽ bảo: "Lá lằng ăn tốt lắm con ơi". Bây giờ xa quê lại nhớ bát canh lá lằng đơn giản mà tròn vị".
Ở Quỳnh Lưu, Yên Thành, lá lằng được chế biến thành nhiều món như xào cùng lòng lợn, quấn cá trích nướng chấm nước mắm tỏi ớt…. Nhưng phổ biến nhất vẫn là món canh lằng nấu tép đồng.
Lá lằng phơi khô có thể sử dụng được vài tháng
Những năm gần đây, lá lằng được biết tới nhiều hơn. Ngoài bán lá tươi, người dân địa phương còn thái nhỏ lá lằng rồi phơi khô, bảo quản cẩn thận để nấu dần trong vài tháng. Tại các chợ ở quê, lá lằng khô có giá khoảng 50.000 đồng/kg. Các bà các mẹ mua loại lá này gửi cho con cái ở thành phố, thỉnh thoảng nấu canh lá lằng để nhớ về món ăn dân dã của quê hương.