Rau dầm tang mọc hoang dại trong rừng, chưa ai mang về trồng được, có vị ngọt bùi rất riêng khiến ai đến Tây Nguyên cũng ấn tượng mãi.
Vùng đất Tây Nguyên nổi tiếng với nhiều loại rau rừng lạ hoắc, nghe đến tên ai cũng ngơ ngác, trong đó có rau dầm tang.
Theo tìm hiểu, cây dầm tang có tên gọi khác là Diang Tang, một loại rau dại mọc hoang dại bạt ngàn ở sông Sêrêpốk, Krông Ana, Krông Nô... Từ lâu, người Ê đê đã biết dùng đọt, lá và hoa của loài cây này nấu với cá sông thành món canh ngon, bổ dưỡng.
Bà con địa phương cho biết nếu đặc sản cà đắng của Tây Nguyên có vị đăng đắng thì rau dầm tang có vị ngọt bùi, lúc mới ăn sẽ cảm nhận được vị bùi nơi đầu lưỡi, một lúc sau thấm ngọt nơi cổ họng.
Rau dầm tang là thứ rau rừng ở Tây Nguyên, có vị ngọt bùi rất riêng
Vào mùa khô, cây dầm tang ẩn mình dưới những dòng suối. Khi đến mùa mưa, chúng cựa mình vươn dậy, mầm rau màu xanh biếc, vươn dài. Cọng rau mảnh khảnh và cũng rất dễ gãy, lá thì như lá rau răm nhưng lại mang trong mình một hương vị rất riêng.
Anh Chính - người dân ở Tây Nguyên cho biết: "Rau dầm tang được ví như "lộc rừng", chúng mọc hoang dại trong các bìa rừng chứ đến bây giờ chưa ai mang về trồng thành công. Thời còn nghèo đó, bà con vào rừng hái rau dầm tang về chế biến các món ăn, còn bây giờ chúng được biết tới nhiều hơn. Nhiều nhà hàng, quán ăn ở Tây Nguyên thu mua rau dầm tang về chế biến món ăn phục vụ du khách, thế nhưng thứ rau này ngày càng hiếm, khó kiếm trong tự nhiên".
Theo anh Chính, thứ rau dại này không ăn sống được, cũng không nấu một mình mà sẽ kết hợp với một số loại rau khác như măng tre, củ mài và nấm. Nhiều thực khách lên tham quan quan và ăn thử thứ rau này còn nhận xét rằng loại rau này giống như cây cải ở dưới miền xuôi vậy. Một khi nếm thử món rau dầm tang sẽ nếm được đầy đủ hương vị ngọt bùi của núi rừng Tây Nguyên bạt ngàn.
Tùy theo từng món ăn, hương vị khác nhau mà lượng rau được cho vào cũng nhiều hoặc ít. Nếu nấu canh cá suối, thì chắc chắn rằng muốn món canh được thơm ngon thì chỉ cần thái nhỏ khoảng 1 nắm rau dầm tang bỏ vào là tuyệt vời vô cùng. Ngoài ra rau dầm tang có thể xào rất ngon, luộc chấm muối vừng, muối lạc, hay làm gỏi… Mỗi cách chế biến loại rau đặc biệt này sẽ có những hương vị khác nhau.
Món gỏi dầm tang được nhiều thực khách mê mẩn khi đến vùng đất Tây Nguyên
Nếu có dịp ghé thăm Tây Nguyên vào mùa mưa, bạn sẽ thấy trên các nẻo đường, sườn đồi Buôn Ma Thuột có một vài người dân địa phương bán dầm tang dạo với giá khoảng 50.000 đồng/kg.
"Mình đã từng được ăn món gỏi dầm tang trong nhà hàng ở Tây Nguyên, thật sự vô cùng cuốn hút. Thứ rau dại này có vị rất riêng, nghe tên cũng lạ nữa nên chỉ cần được một lần thưởng thức là nhớ mãi", bạn Ngọc Oanh (ở TP.HCM chia sẻ.