Nữ tác giả - bà mẹ đơn thân Chúy ngày nào giờ đã là bà mẹ "bỉm sữa" hai con. Trong mắt chị đong đầy niềm hạnh phúc khi chia sẻ về cuộc sống hiện tại cũng như cuốn sách đang ấp ủ.
Đã từ lâu trên nhiều diễn đàn dành cho phụ nữ, mẹ Chúy là cái tên không còn xa lạ. Tên thật của chị là Trần Diệu Thúy, sinh năm 1987, đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Năm 2013, bà mẹ đơn thân xinh đẹp gây chú ý khi cho ra mắt cuốn sách Gom nắng cho em, được viết lại từ những tâm sự của chị và thu hút hơn nửa triệu lượt bình luận ủng hộ.
Chân dung nữ tác giả xinh đẹp.
Sau thành công của Gom nắng cho em, Chúy tiếp tục cho ra mắt 2 tác phẩm gồm Hãy để anh vào tầm mắt em và mới nhất là Em đồng ý ly hôn. Từ chuyện người phụ nữ đối diện với đau khổ như thế nào, ứng xử với người đàn ông nay đã trở thành tình cũ ra sao, cho đến phục hồi cảm xúc hậu hôn nhân… sách của chị được coi là tủ thuốc tâm hồn cho những ai từng đổ vỡ hôn nhân.
Bộ ba cuốn sách của mẹ Chúy.
Hẹn phỏng vấn Chúy trong những ngày cuối năm cũ thật không dễ dàng, bởi ngoài những bộn bề không tên dịp sát Tết, chị còn đang mải miết lao vào cuộc chiến "bỉm sữa" với cậu con trai Ethan 3 tháng tuổi. Tuy nhiên khi nhắc tới gia đình, trong ánh mắt chị luôn rực sáng niềm vui và hạnh phúc của người phụ nữ đang yêu và được yêu một cách vẹn tròn.
- Chào chị Diệu Thuý, chị là người từng trải qua đổ vỡ trong hôn nhân nhưng đã mạnh mẽ đứng dậy bước tiếp. Động lực nào đã cho chị sức mạnh để làm điều đó?
Ở thời điểm đó thì không mạnh mẽ không được. Tất cả là do mình lựa chọn và lựa chọn đó sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của hai mẹ con nên chẳng còn cách nào khác là tiến về phía trước. Lúc ấy, khát khao được bù đắp và mang đến cuộc sống bình yên hơn cho con và bản thân đã giúp tôi đi qua quãng thời gian khó khăn nhất.
- Có một số người sau khi vấp ngã một lần sẽ sợ hôn nhân. Liệu chị có thể chia sẻ bí quyết để có thể mở lòng và xây dựng một gia đình mới hạnh phúc như bây giờ?
Hạnh phúc khi nào đến là do duyên số. Sống cởi mở, chân thành, luôn yêu thương bản thân, làm điều mình mong muốn và yêu thích. Đôi khi hạnh phúc không nhất thiết là có một gia đình mới mà chỉ cần chúng ta tìm được niềm vui trở lại trong cuộc sống mà thôi.
- Theo chị, 3 điều mà phụ nữ nhất định phải có để không sợ hôn nhân tan vỡ là gì?
Không phải là không sợ hôn nhân tan vỡ. Ai cũng sợ những điều không tốt đẹp xảy ra với thứ mà mình cố gắng vun đắp nâng niu, cũng như nuôi đứa con thì không ai mong nó bị ốm bao giờ.
Nhưng hãy luôn sống Chân thành với người bạn đời của mình để họ biết mình trân trọng và nâng niu mối quan hệ này như thế nào. Tự lập để không thấy sợ hãi, bấp bênh khi tự mình đương đầu với cuộc sống. Và Lạc quan để tin rằng đoạn đường phía trước mới là quãng đường đẹp nhất mình sắp đi qua.
- Hiện tại, quan điểm hạnh phúc của chị so với trước đây khác nhau như thế nào?
Trước kia, tôi nghĩ rằng hạnh phúc tức là làm chồng vui, con vui, gia đình chồng vừa lòng, mình làm tròn bổn phận, được khen là vợ hiền dâu thảo thì mới thấy hạnh phúc. Chắc tôi không làm được điều đó nên mãi không thấy hạnh phúc (cười lớn).
Nhưng giờ tôi đã hiểu ra, hạnh phúc là khiến cho bản thân mình được hạnh phúc trước tiên rồi sau đó mới mang đến hạnh phúc và niềm vui cho người khác. Mình chẳng thể mang đến thứ mà mình chẳng có, đúng không?
- Nếu được quay trở về và thay đổi một điều trong quá khứ, chị sẽ thay đổi điều gì?
Không gì cả. Thay đổi gì đó trong quá khứ mà khiến hiện tại tuyệt vời cũng bị thay đổi theo thì sợ lắm.
- Chị được mệnh danh là cây bút của những bà mẹ đơn thân. Giờ đây, chị đã hạnh phúc viên mãn, chị có định phát triển thành cây bút bảo vệ nữ quyền chung?
Ôi tôi không nghĩ đến những việc to tát như vậy đâu. Viết lách trước hết là sở thích của mình thôi, sau đó thì may mắn được mọi người yêu mến. Tôi chỉ định viết về những điều đơn giản trong cuộc sống, mang lại niềm vui nhỏ bé cho mọi người, nhất là phụ nữ.
- Cuốn sách Em đồng ý ly hôn từng bị “ném đá” vì bị nghi ngờ cổ xuý ly hôn. Chị có nghĩ rằng là do độc giả chỉ đọc tên sách đã “ném đá” theo đám đông?
Nói đến chuyện ly hôn thì đến giờ vẫn còn là chuyện tế nhị, chuyện chẳng dễ chia sẻ gì. Nhiều người vẫn tránh nói, tránh hỏi đến việc này, nên khi nghe tên cuốn sách của mình chắc sẽ có cái nhìn không mấy tích cực.
Nhưng hãy hình dung nói chuyện ly hôn cũng như tìm hiểu về căn bệnh ung thư. Chẳng ai muốn bị bệnh nhưng sách về bệnh ung thư thì vẫn nên đọc, để biết cách phòng tránh và bảo vệ mình khỏi những nguy cơ mắc bệnh.
Sách ly hôn cũng thế, đôi khi hãy đọc để biết gìn giữ cuộc hôn nhân của mình hơn, để biết những điều cần tránh. Và nếu chẳng may bắt buộc phải tính đến chuyện ly hôn, thì cũng biết cách để làm sao cho văn minh và dễ dàng hơn.
- Hiện nay, nhiều tác giả trẻ chuộng viết về chủ đề tình yêu với câu chuyện có phần sến súa hoặc những nỗi buồn thất tình với giọng văn “so deep”, có phần nghiêm trọng hoá nỗi đau của mình. Chị nghĩ sao về vấn đề này?
Thật ra, mỗi độ tuổi sẽ có những trải nghiệm khác nhau và sẽ có nhu cầu được bày tỏ ở một vài lĩnh vực nhất định. Khi ta còn trẻ, thì phần lớn đều bận tâm đến chuyện chuyện khám phá nội tâm của chính mình, buồn vu vơ xao xuyến. Đó là điều rất dễ hiểu.
Bản thân tôi cũng vậy thôi. Khi ta còn trẻ, cuộc sống chưa nhiều trải nghiệm thì những chuyện đó là rất “to tát”, với các bạn ấy đó là việc nghiêm trọng thực sự chứ không phải làm quá lên đâu. Rồi ai cũng lớn lên, trưởng thành và đối mặt với nhiều vấn đề hơn, mọi thứ tự nhiên sẽ đổi thay theo, từ cách nhìn, cách viết.
- Trước khi viết một tác phẩm, chị có đặt ra tiêu chuẩn như: sẽ hướng tới đối tượng độc giả nào, đưa tới những thông điệp sống như thế nào?
Trước kia thì không, tôi viết chỉ để thỏa mãn thế giới nội tâm của mình thôi, để bản thân vui và hài lòng, ai đọc cũng được. Nhưng giờ tôi viết có ý thức hơn vì thấy cần phải có trách nhiệm hơn với những con chữ mà mình cung cấp cho độc giả, để mọi người không cảm thấy lãng phí thời gian khi họ mất công đọc những gì mình viết.
- Những tác phẩm hay tác giả nào có ảnh hưởng đến giọng văn của chị nhất?
Văn Cao và Nguyễn Tuân. Với tôi, họ là những nhà văn kể chuyện tuyệt vời.
- Dường như chị sáng tác là để ghi lại những bước ngoặt trong cuộc đời mình. Hiện tại, chị có đang ấp ủ ý tưởng hay đang viết một tác phẩm mới nào? Chị sẽ viết về cuộc hôn nhân hiện tại hạnh phúc của mình?
Tôi hay tự nghĩ chuyện để kể cho con gái trước giờ đi ngủ và con bé đã thắc mắc: “Mẹ viết truyện cho bao nhiêu người, sao không bao giờ mẹ viết truyện cho con?”
Vì vậy, có một cuốn sách tôi cứ ấp ủ mãi, là sách viết cho bọn trẻ con. Những câu chuyện để bố mẹ có thể đọc cho chúng nghe trước giờ đi ngủ. Những câu chuyện cổ tích hiện đại và được kể bằng những từ ngữ giàu hình ảnh, giản dị nhưng đẹp đẽ nhất của tiếng Việt.
- Gia đình nhỏ của chị năm nay đón Tết ra sao? Có khác nhiều so với ngày xưa?
Năm nay nhà tôi có thêm thành viên mới nên Tết cũng rộn ràng hơn. Đây là cái Tết đầu tiên của gia đình mới và chúng tôi sẽ đưa trẻ con về ăn Tết với ông bà ngoại. Tôi bắt đầu đỡ ghét Tết hơn ngày xưa, vì giờ Tết với mình là khoảng thời gian để nghỉ ngơi, cả gia đình cùng làm những việc mà ngày thường bận không làm được (cười).
- Thời gian gần đây, chủ đề Tết nhà ngoại vắng em nhận được sự sự đồng cảm của các chị em. Chị nghĩ sao về việc Tết nhà nội, Tết nhà ngoại?
Cảm giác này tôi đã trải qua rồi nên hiểu rõ lắm. Có những chiều 30 Tết nhớ nhà da diết, nhớ bố mẹ và cậu em trai, nhớ cảm giác rộn ràng ấm áp ngày xưa trong khi mình vẫn đang loay hoay với việc nhà chồng. Nhưng đó là điều khó tránh khỏi khi phụ nữ đi lấy chồng.
Tôi nghĩ, sự quan tâm, chia sẻ và đồng cảm của chồng trong khoảng thời gian này đóng vai trò rất lớn trong việc cân bằng cảm xúc cho chị em. Với những gia đình ở gần thì việc đi lại rất dễ dàng giữa hai bên, nhưng nếu xa xôi thì ai cũng muốn về ăn tết với bố mẹ.
Nếu bà mẹ nào có con gái lấy chồng xa, thương con mình thế nào thì có lẽ nên hiểu và thông cảm cho đứa con dâu cả năm mới được về thăm bố mẹ nó vài lần. Ngược lại, nếu đã ở gần bố mẹ đẻ cả năm, thì đến Tết hãy bớt chút thời gian cho gia đình phía bên kia. Nhà nội - nhà ngoại, chỉ cần đặt mình vào vị trí của người khác thì sẽ thấy cuộc sống dịu dàng đi rất nhiều.
Xin chân thành cảm ơn chị!