Món bánh đen thui nhưng là đặc sản Tết độc đáo Lạng Sơn, ăn một lần là “mê mệt”

H.M - Ngày 01/02/2022 14:24 PM (GMT+7)

Màu sắc của món bánh có thể khiến nhiều người tò mò, nhưng hương vị thì khiến ai cũng tấm tắc khen ngon.

Ngày Tết, bánh chưng, bánh tét là món ăn xuất hiện ở bất kỳ mâm cỗ nào của người Việt. Thế nhưng chỉ duy người Tày ở Lạng Sơn lại có món bánh chưng đen cực kỳ độc đáo. Đặc sản bánh chưng đen là món ngon của huyện miền núi Bắc Sơn (Lạng Sơn). Bánh này được biết đến ở xứ Lạng với tên gọi thân thương bánh "hạ hỏa" nhờ bên trong màu đen và gọi bánh "chọn vợ" vì người dân Bắc Sơn thường chọn những cô gái biết làm chiếc bánh công phu, tròn trịa này về làm vợ.

Bánh chưng đen là đặc sản không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Tày, được làm thành hình trụ, dài hoặc thành hình lưng gù nhưng phần gạo bên ngoài lại có màu đen. Thông thường, phụ nữ Tày ai cũng đều biết làm bánh chưng đen nên người Tày có quan niệm là nếu không làm được bánh chưng đen thì người con gái ấy chưa đủ “tiêu chuẩn” để lấy chồng. Làm được bánh chưng đen thể hiện sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ dân tộc Tày.

Món bánh đen thui nhưng là đặc sản Tết độc đáo Lạng Sơn, ăn một lần là “mê mệt” - 1

Trong bữa cơm ngày Tết của người Tày, ngoài việc thắp hương cho tổ tiên thì bánh chưng đen là đặc sản không thể thiếu. Người Tày có quan niệm: Sự hoà hợp của lòng người, núi rừng và đất trời đều được hòa quyện trong màu đen của bánh.

Nhiều người lầm tưởng món bánh chưng đen được làm từ gạo nếp cẩm nhưng sự thực không phải vậy. Màu đen của bánh chưng đen thường được tạo nên từ một nguyên liệu rất đặc biệt. Gạo để làm bánh chưng đen là gạo cum, gạo này phải được cắt từ bông lúa về, phơi khô và chỉ được tuốt và xay thành gạo khi cần làm bánh chứ không được sử dụng gạo xay sẵn.

Món bánh đen thui nhưng là đặc sản Tết độc đáo Lạng Sơn, ăn một lần là “mê mệt” - 2

Để gạo có màu đen nhánh, người Tày phải lấy cây muối về cắt bỏ lớp vỏ bên ngoài rồi phơi khô, sau khi khô thì đốt lấy than. Sau khi than đã nguội thì phải giã nhuyễn rồi sàng loại bỏ tạp chất đi. Sau đó thì trộn bột than với gạo đã vo sạch cho đến khi gạo đã quyện chặt với bột than thành màu đen nhánh. Sau đó sàng cho đỡ bị cặn là có thể bắt đầu làm bánh rồi.

Món bánh đen thui nhưng là đặc sản Tết độc đáo Lạng Sơn, ăn một lần là “mê mệt” - 3

Cây muối có mùi thơm nên khi làm bánh cũng sẽ có mùi thơm hơn, một số vùng khác sử dụng thân cây núc nác thay cho cây muối.

Tương tự như bánh chưng, bánh chưng đen cũng được gói trong lá dong. Khi chọn lá dong thì phải chọn lá dong rừng có tàu lá đẹp và đều nhau. Không được chọn lá dong dầu vì nếu như dầu ở lá thấm vào bánh thì sẽ không ngon. Ngoài ra các nguyên liệu còn lại là đậu xanh, thịt lợn, muối, hạt tiêu,… Sau khi nguyên liệu đã chuẩn bị xong, người Tày bắt đầu nêm nếm sao cho đậm đà vừa ăn.

Món bánh đen thui nhưng là đặc sản Tết độc đáo Lạng Sơn, ăn một lần là “mê mệt” - 4

Để gói bánh chưng đen, người ta đặt 2 đến 3 chiếc lá dong ở phía dưới, rải một chén gạo lên rồi cho thêm đỗ xanh, thịt lợn lên rồi gói lại bằng lạt thật chặt. Bánh thành phẩm dài khoảng 30cm, có đường kính 5 - 6cm. Nhìn từ bên ngoài, bánh dẻo quánh, nhân vàng ươm màu đỗ, thơm lừng mùi hành mỡ, hạt tiêu, mùi lá dong, thảo quả… Chỉ cần nhìn thôi, thực khách cũng đủ ngây ngất và có cảm giác như bị mê hoặc bởi thứ đặc sản vùng cao. 

Thưởng thức miếng bánh toát lên hương vị đặc biệt của nếp nương, thịt lợn, vị ngọt của nhân đỗ xanh, vị lạ của cây rừng... Đó thực sự là dư vị không thể nào quên. Nét độc đáo của bánh chưng đen còn ở vị bùi bùi, thơm mát, không gây nóng cổ, nóng bụng như bánh chưng thường. 

Bánh chưng đen thể hiện sự thành kính của người dân tộc Tày đối với người đã khuất, vừa truyền thống lại vừa sáng tạo, mang đậm hương sắc núi rừng.

4 ngôi chùa linh thiêng nổi tiếng Sài Gòn, đông nghịt người mỗi dịp Tết đến
Muốn cầu bình an, sức khỏe trong năm mới, người Sài Gòn thường tìm đến những ngôi chùa này.

Du lịch Sài Gòn

H.M Tổng hợp
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Đặc sản 4 phương