Không chỉ có tên gọi mĩ miều, đặc sản “vũ nữ chân dài” ở An Giang còn hút khách bởi độ giòn, thơm và ngọt thịt, có thể ăn hết cả xương.
“Vũ nữ chân dài” là tên gọi khác của món khô nhái. Món ăn này có mặt tại nhiều tỉnh thành miền Tây nhưng phổ biến hơn cả là ở An Giang.
Theo người dân địa phương, món khô nhái có xuất xứ từ Campuchia. Khi du nhập vào Việt Nam, qua đôi tay khéo léo của bà con miền Tây, món ăn này dần trở nên nổi tiếng, được xem như đặc sản ở vùng đất nơi đây.
Ở miền Tây, khô nhái có quanh năm nhưng mùa ít, mùa nhiều. Trong đó, mùa làm khô nhái nhộn nhịp nhất là từ tháng 5 đến tháng 11. Đây là thời điểm bước vào mùa mưa, nhái sinh sôi và phát triển mạnh.
Khi ấy, người dân rủ nhau ra đồng, bắt và gom nhái tươi về làm khô, chuẩn bị dần cho giai đoạn cao điểm dịp Tết.
Món khô nhái có phần chân dài thẳng tắp, hình dáng như vũ công nên được ví von là "vũ nữ chân dài"
Chia sẻ với PV VietNamNet, bà Trần Thị Xuân (64 tuổi) – chủ một cơ sở khô nhái có tiếng ở huyện Tịnh Biên (An Giang) cho biết, do số lượng nhái tươi ngoài tự nhiên ngày càng khan hiếm nên bà con địa phương phải nhập thêm nhái từ Campuchia mới có đủ nguồn cung cho các vựa làm khô.
Nhái có 2 loại là nhái cơm và nhái lai. Nhái cơm nhỏ con hơn nhưng thịt chắc và dai, có thể nhai cả xương nên được thực khách ưa chuộng nhất.
Để làm khô nhái ngon, công đoạn sơ chế được xem là tỉ mỉ và tốn thời gian nhất. Nhái tươi mua về đem lột da, bỏ nội tạng, làm sạch rồi tẩm ướp và đem phơi.
Gia vị ướp nhái khá quen thuộc và dễ kiếm như hạt tiêu, ớt, muối, bột ngọt,… song mỗi nhà lại có công thức riêng để tạo ra thành phẩm thơm ngon, có mùi vị hấp dẫn.
“Công đoạn sơ chế nhái khá vất vả, đòi hỏi sự tỉ mỉ do nhái sống tự nhiên, ăn tạp nên dễ mang mầm bệnh và ký sinh trùng. Chưa kể, việc làm sạch còn đảm bảo nhái khi phơi khô không bị hỏng hay có mùi khó chịu, gây ảnh hưởng đến chất lượng món ăn”, bà Xuân cho hay.
Quá trình phơi nắng đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm, canh thời gian sao cho đủ để khô nhái đạt chất lượng thơm ngon nhất
Theo người phụ nữ này, ngoài khâu tẩm ướp thì thời tiết cũng là yếu tố quyết định đến chất lượng món khô nhái. Nhái chỉ được phơi vào những ngày nắng to, đủ 2 nắng mới ngon và kéo dài được thời hạn bảo quản, sử dụng.
Chưa kể, quá trình phơi khô nhái cũng đòi hỏi kinh nghiệm. Bởi nhái phơi không đủ nắng thường mùi ngai ngái, khó ăn nhưng phơi quá nắng thì thịt lại khô, làm giảm độ ngon, ngọt.
Trung bình, để làm ra 1kg khô nhái cần sử dụng tới 4-6kg nhái tươi.
Con nhái kích thước càng nhỏ, việc sơ chế càng khó và lâu. Chưa kể, các công đoạn sơ chế món ăn này đều được bà con địa phương làm thủ công, không có máy móc hỗ trợ nên số lượng thành phẩm làm ra mỗi ngày cũng hạn chế.
Vì vậy, giá thành món khô nhái cũng khá cao, dao động từ 350.000 – 600.000 đồng/kg, tùy loại. Vào mùa cao điểm, khô nhái có thể được bán với giá khoảng 800.000 đồng/kg, song vẫn hút khách tìm mua.
Một số món ngon chế biến từ khô nhái
“Khô nhái cơm có giá cao gấp vài lần thịt bò, đắt ngang tôm hùm nhưng vẫn được ưa chuộng vì thành phẩm bắt mắt và phần thịt dai chắc, vị ngọt nhẹ, có thể ăn cả xương.
Khô nhái cơm trọng lượng chuẩn khoảng 900 – 1.000 con/kg, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như gỏi khô nhái, khô nhái chiên bơ tỏi, khô nhái rim mắm, khô nhái nướng”, chị Nguyễn Vân – chủ một quán ăn có phục vụ món khô nhái ở TPHCM nhận xét.
Chị Vân cho hay, khô nhái chiên giòn là món dễ chế biến nhất và gần như giữ nguyên hương vị ban đầu nên được dân nhậu yêu thích.
Khi ăn, thực khách cảm nhận được phần thịt dai, ngọt nhẹ, còn xương giòn rụm. Món nhái chiên chỉ cần chấm nước mắm hoặc tương ớt đều ngon.