Tuổi trẻ không trải nghiệm, không đáng một xu - đó là thông điệp rất rõ ràng mà tác giả Phi Tuyết muốn truyền đạt thông qua cuốn sách "Sống như ngày mai sẽ chết” của mình.
Tuổi trẻ là kho báu quý giá mà mỗi người chỉ có cơ hội sở hữu một lần trong đời. Giống như một cuốn sách không có nội dung, một bài hát không có giai điệu, một khu rừng không có chim thú cỏ cây... một đời người mà không có tuổi trẻ cũng vô nghĩa tương tự.
Phải làm gì để tuổi trẻ không bị lãng phí vô nghĩa? Cách tốt nhất chính là hãy trải nghiệm thật nhiều để khẳng định giá trị bản thân.
Chưa ai trên đời phải hối hận vì trải nghiệm quá nhiều. Bởi lẽ với trải nghiệm thì bao nhiêu cũng không đủ. Ấy thế mà bạn vẫn muốn để tuổi trẻ trôi qua mà không có trải nghiệm gì sao?
Nếu bạn không phải là một cái cây, lý gì bạn phải ở yên một chỗ?
Nếu muốn trải nghiệm, việc bạn cần làm là phải không ngừng hành động, không ngừng đặt bản thân vào thế chủ động và thế sẵn sàng, đi những vùng đất mới, thử những cái mới, làm những điều mới, học những thứ mới, quen những người bạn mới.
Phải thoát ra khỏi vùng an toàn của mình càng sớm càng tốt. Đừng nói bạn không thể vì chắc chắn bạn có thể, lý do là vì tôi biết bạn không phải một cái cây.
Cái cây đứng một chỗ nhận tất cả những gì nó cần: ánh sáng, nước, chất dinh dưỡng nhưng bản thân nó vẫn luôn khao khát được vươn ra xa hơn.
Thế nên rễ nó mới dài tủa đi khắp nơi, thế nên tán nó mới vươn rộng và cành không ngừng vươn cao để nhìn được những vùng đất xa lạ.
Bạn may mắn hơn cái cây, bạn có thể tự dịch chuyển mình đi khắp chốn, thế thì tại sao lại không?
Mọi hành trình đều bắt đầu từ một bước chân.
"Sống như ngày mai sẽ chết" - Eva.vn
”Ngay ngày mai, hãy thử làm những việc bạn chưa từng làm, dù nhỏ bé và đơn giản nhất thôi: hãy cười với một người lạ cùng tòa nhà, hãy đi một con đường khác tới công ty, hãy gọi một món ăn nghe tên thật lạ, hãy nghĩ một cách giải quyết khác cho công việc quen thuộc hàng ngày…
Những thứ nhỏ bé này có thể đem đến cho bạn nhiều nguồn cảm hứng để bắt đầu những trải nghiệm khác to lớn hơn, bắt đầu hành trình lắp ghép cuộc đời mình bằng những điều mới mẻ và thú vị.
Cái giá của trải nghiệm là gì?
Cái gì trên đời cũng có giá cả, chỉ cần bạn trả đúng giá, bạn có thể mua được mọi thứ. Và tiền là cái giá rẻ nhất nếu muốn có gì đó.
Còn trải nghiệm ư? Nếu bạn muốn có nó, tất nhiên không ngoại lệ, bạn cũng phải trả giá.
Cái giá của trải nghiệm là ban đầu bạn sẽ cảm thấy sợ hãi, lo lắng, bất an, hoài nghi và rất nhiều cảm xúc tiêu cực khác nữa.
Nhưng tin vui đó chỉ là những cảm xúc ban đầu thoáng qua mà thôi. Khi đã quen với nó thì mọi cảm xúc đó đều tan biến hẳn, thay vào đó sẽ là sự hào hứng, thích thú, tò mò, vui sướng lẫn hài lòng.
Cái gì trên đời cũng có giá cả, chỉ cần bạn trả đúng giá, bạn có thể mua được mọi thứ.
"Sống như ngày mai sẽ chết" - Eva.vn
”Một cái giá khác nữa của trải nghiệm, đó là bạn có thể mất đi một số thứ cũ kĩ quen thuộc, nhưng đừng lo, chắc chắn bạn sẽ lại nhận thêm rất nhiều thứ khác tuyệt vời hơn.
Như câu “Đừng e ngại sự thay đổi, bạn có thể mất đi một số thứ, nhưng bạn sẽ lại nhận lại những thứ khác tuyệt vời hơn!"
Cái giá của trải nghiệm, là bạn sẽ phải đưa bản thân vào tâm thế sống cho chính mình, chứ không vì dư luận, vì xã hội, hay vì gia đình… không vì một cái gì hết.
Chính vì thế bạn sẽ có thể bị người ta dèm pha, chê cười hay thậm chí là bị chửi mắng là ngu ngốc nữa. Và đôi khi, bạn cũng nghĩ là mình… ngu thật.
Nhưng này, đây chính là phần thưởng lớn dành cho bạn.
Yêu đời, yêu cuộc sống
Người trải nghiệm nhiều sẽ có cái nhìn về đời, về cuộc sống toàn diện và thông thoáng hơn.
Họ thường nhìn ra được những thứ thật sự quan trọng với bản thân để rồi tập trung vào đó, hơn là việc phí công sức vào những thứ vô bổ phù phiếm hàng ngày.
Đi đi, trải nghiệm đi, để thấy những mảnh đời bất hạnh, để nhận ra bản thân mình dù gặp nhiều rắc rối nhưng vẫn còn hạnh phúc và may mắn bao nhiêu.
Những người đi nhiều trải nhiều gặp nhiều việc sẽ có cái nhìn tổng quát và bao dung hơn. Họ có xu hướng trân quý cuộc sống hơn và dễ dàng hòa nhập hơn vào mọi hoàn cảnh trên đời.
Đó chính là phần thưởng. Cứ mỗi khi trải qua một chuyện ta lại thấy mình lớn hơn, già hơn, thấy cuộc đời đáng sống hơn rất nhiều.
Trải nghiệm giúp ta tìm ra kẻ mang tên "chính mình"
Hàng ngày chúng ta cứ nghe ra rả bên tai và đọc được hàng ngàn thông điệp kiểu “hãy là chính mình, hãy tìm chính mình”. Nhưng khoan, hãy là chính mình bằng cách nào khi ta còn đang phải mải mê tìm kiếm chính mình là gì?
Thật ra chỉ có một cách thôi, một câu trả lời cho tất cả, đó là hãy trải nghiệm đi, trải nghiệm mọi điều trong cuộc sống. Chỉ có trong trải nghiệm, trong những hoàn cảnh cụ thể bạn mới biết mình là người như thế nào.
Chỉ có trong trải nghiệm bạn mới tìm ra được chính mình.
"Sống như ngày mai sẽ chết" - Eva.vn
”Trải nghiệm sẽ cho bạn biết bạn là người can đảm hay sợ sệt.
Trải nghiệm sẽ cho bạn biết bạn là người giữ lời hay là kẻ thất hứa, là người trọng tình cảm hay luôn bị lý trí lấn át.
Chỉ trong trải nghiệm bạn mới biết được khả năng sinh tồn, khả năng xoay chuyển tình huống và khả năng đối phó với những khó khăn.
Chính những nét tính cách đó là con người bạn. Làm sao bạn có thể tìm ra nó, tìm ra chính mình khi không trải qua những hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống?
Người thầy vĩ đại
Trải nghiệm sẽ là thầy dạy tốt nhất cho bạn trong cuộc đời mà không bất cứ người thầy nào khác có thể dạy tốt hơn. Kinh nghiệm từ đâu ra nếu không từ trải nghiệm?
Chúng ta đương nhiên có thể học hỏi từ những kinh nghiệm của người khác, nhưng thôi nào, chẳng mấy ai chịu học từ bài học của người khác cả.
Tôi có rất nhiều ví dụ thực tế chứng minh nhận định này, một trong số chúng là khi các bạn tôi đến hỏi kinh nghiệm mở shop thời trang hoặc quán cafe.
Đương nhiên tôi luôn chỉ họ mọi điều, kể cả những kinh nghiệm đau thương của mình, nhưng rồi sao? Họ ờ à và rồi sau đó họ lờ nó đi và mắc những lỗi i chang tôi đã cảnh báo.
Nhiều đến mức tôi chẳng thấy lạ hay buồn lòng gì nữa cả. Người ta thực sự chỉ học được từ chính trải nghiệm của bản thân.
Một người mới bắt đầu kinh doanh sẽ không thể biết tại sao vốn dự phòng lại quan trọng. Một người không bao giờ đọc sách sẽ chẳng hiểu nổi tại sao người ta phải đọc sách.
Một người chưa đi du lịch bụi bao giờ sẽ không biết tại sao người ta phải mang theo mình thứ này thứ nọ như vài viên thuốc tây, chai nước lọc hay ít đồ ăn khô…
Chúng ta đương nhiên có thể học hỏi từ những kinh nghiệm của người khác, nhưng chẳng mấy ai chịu học từ bài học của người khác cả.
"Sống như ngày mai sẽ chết" - Eva.vn
”Thật sự là như thế, bạn chỉ có thể học hỏi được nhiều khi và chỉ khi chính bạn phải trải nghiệm cuộc sống trong từng hoàn cảnh xảy đến mà thôi.
Trải nghiệm đơn giản là hãy nhào ra ngoài đời, nhào vào cuộc sống, không sợ thử những điều mới lạ, những thử thách và cơ hội với tâm thế của người học hỏi mọi thứ, nhưng cũng đừng quên ước chừng trước những gì bạn có thể mất, hay cái giá bạn phải trả để có những trải nghiệm đó.
Làm thêm gia sư, phục vụ, lễ tân… đó là trải nghiệm. Tham gia một câu lạc bộ, những hoạt động xã hội, thử sức kinh doanh bất kì lĩnh vực nào, đó là trải nghiệm.
Thử học những điều mới, làm quen bạn bè mới… đó là trải nghiệm. Đi đây đi đó, đi phượt, đi du lịch bụi… đi chính là kiểu trải nghiệm mạnh mẽ nhất.
Những đoạn trích trên được trích từ cuốn sách “Sống như ngày mai sẽ chết”. Đây là tác phẩm đầu tay của Phi Tuyết - cô gái 9X được biết đến với nhiều bài viết truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, giúp người trẻ có được thái độ đúng đắn trong cuộc sống và có nhiều thay đổi tích cực trong hành động. Chính vì vậy, ngay khi vừa xuất hiện, 3.000 bản in đầu tiên của cuốn sách “Sống như ngày mai sẽ chết” đã bán hết trong một tuần. |