Trong tập cuối Người phán xử, Bảo “ngậu” (Bảo Anh) từ nhân vật được yêu thích nhất trở thành người bị ghét nhất phim.
Bộ phim truyền hình Người phán xử gây bão thời gian qua cuối cùng cũng đi kết thúc. Khán giả ném “đá” rào rào kết thúc phim và các nhân vật. Trong đó, cảnh sát ngầm Bảo “ngậu” của Người phán xử (do diễn viên Bảo Anh đóng) nhận lượng “gạch đá” có thể dùng xây cả biệt thự.
Trớ trêu thay, Bảo “ngậu” bị ghét không phải do anh diễn xuất không đạt mà vì, anh... là người tốt.
Bảo “ngậu” – người tốt không phải lúc nào cũng được yêu thích
Việc “chuyển đội ngoạn mục” của Bảo “ngậu” vào phút cuối khiến nhiều khán giả chuyển từ đặc biệt yêu thích sang ghét cay ghét đắng anh. Nguyên nhân chính là do Bảo “ngậu” đã diễn quá tròn vai kẻ “trung thành” với ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng) nhưng hoá ra anh lại là cảnh sát ngầm.
Anh là người chĩa súng vào đầu Người phán xử và tuyên bố lệnh bắt. Đối với người xem luôn ngưỡng mộ Phan Quân, Lương “bổng” (NSƯT Trung Anh) thì đây bị xem là sự phản bội đê hèn.
Tuy nhiên, nếu xét một cách khách quan thì anh đã hoàn thành vai diễn của mình hết sức thành công. Anh là công an, nhiệm vụ của anh là phải thâm nhập và triệt phá tổ chức tội phạm chuyên nghiệp và quy mô – Phan thị.
Để có thể thực hiện nhiệm vụ của mình đương nhiên Bảo “ngậu” phải làm tất cả mọi cách để lấy được lòng tin của Phan Quân và những người trong Phan thị. Nếu Bảo “ngậu” lộ ra một chút sơ hở thôi thì người chết chắc chắn là anh và chuyên án này sẽ thất bại. Pháp luật hoàn toàn bất lực trước những thế lực xấu.
Bảo “ngậu” đã phải hi sinh 2 năm để nằm vùng trong tổ chức tội phạm, phải lừa dối cả người yêu của mình để đảm bảo bí mật công tác. Hai năm qua, dù là công an nhưng anh vẫn phải cố gắng im lặng chứng kiến việc tổ chức Phan thị thực hiện hết hành vi phạm tội này đến hành vi phạm tội khác, giết hết người này đến người khác.
Bảo “ngậu” phải là một cán bộ công an giỏi thì mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có thể qua mặt cả những kẻ cáo già như Phan Quân, Lương “bổng”.
Đặc biệt, anh còn phải khéo léo vượt qua thử thách của Phan thị và không để mình bị cuốn vào những hành vi phạm tội khi thực hiện nhiệm vụ. Nếu không có bản lĩnh và bị kéo vào những tội ác đó thì pháp luật, cơ quan nào có thể bảo vệ cho anh?
Việc Bảo “ngậu” là K3 chỉ có rất ít người biết. Thế nên khi làm nhiệm vụ, anh không những có khả năng bị xã hội đen trừ khử mà trong lúc giao tranh còn có thể bị chính các đồng chí, đồng đội của mình làm bị thương.
Vậy tại sao một người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, hy sinh bản thân để bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân lại bị ghét đến như vậy?
Nếu khán giả ủng hộ Phan Quân tức là cổ xuý cho tội ác lên ngôi
Không thể phủ nhận rằng Phan Quân là nhân vật có tài năng hơn người, túc trí đa mưu, tình cảm của ông và Lương "bổng" khiến khán giả ngưỡng mộ. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, Phan thị vẫn là một tập đoàn tội phạm. Đôi tay của họ đã dính biết bao nhiêu máu của những người vô tội?
Dù có thể Phan thị không buôn ma tuý, không trực tiếp gieo rắc cái chết trắng nhưng họ đã có biết bao dự án chỉ để trục lợi cho cá nhân, bảo kê quán bar, vũ trường, sòng bạc… Những nơi đó đều có thể đẩy con người đến gần hơn với tội ác.
Phan Quân luôn giáo dục người khác rằng: “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất” nhưng biết bao nhiêu lần ông đã vì sự nghiệp Người phán xử mà hy sinh gia đình? Phan Hải (Việt Anh) vì thiếu vắng tình thương của bố nên trở nên ngổ ngáo, bất cần.
Ngay cả khi Hải “khùng” đòi tự tử, Phan Quân cũng không thể nhớ ra rằng nơi con trai đang nói đến là ở đâu. Một người cha như vậy đã làm tròn trách nhiệm chưa?
Bà Hồ Thu (NSƯT Thanh Quý) cũng bị chính chồng của mình phán xử. Sau này, ông trùm có lý giải rằng việc mình làm là để không muốn bà Thu bị liên lụy khi công an bắt. Tuy nhiên, với một người vợ sống cả đời trong cảm giác bị chồng xếp sau sự nghiệp thì đây là một đả kích lớn.
Dù là Đại phu nhân của Tập đoàn Phan Thị, bà Thu luôn phải sống trong nơm nớp lo sợ: sợ chồng đi rồi không trở về, sợ kẻ thù đến làm hại mấy mẹ con… Ngay cả khi Phan Quân cặp bồ, bà Hồ Thu cũng phải ngậm đắng nuốt cay chịu đựng.
Đến tận lúc bị Thế "chột" sát hại, bà vẫn cho rằng Phan Quân quá tuyệt tình với mình khi phán xử cả vợ để bảo vệ uy danh. Để vợ mình phải sống trong đau khổ như vậy, Phan Quân đã làm tốt cái nguyên tắc “gia đình là thứ tồn tại duy nhất” sao?
Kết cục đau lòng: cu Hưng bơ vơ, mất bà, chú chết, bố mẹ và ông bị công an bắt là do chính Phan Quân tự gây ra. Nếu vì gia đình, ông sẽ không chọn con đường phạm pháp và đầy nguy hiểm như vậy. Bàn tay những đứa con của ông trùm dần nhuốm máu, nguyên nhân là do chính Phan Quân đã kéo họ vào.
Tại sao đến giờ phút này khán giả lại cổ vũ và ủng hộ Phan Quân như một người hùng và là biểu tượng của công lý? Xã hội tiến bộ lại ủng hộ con người ta giải quyết mâu thuẫn bằng việc bắn chết, chặt tay… lẫn nhau sao?
Nhiều ý kiến còn đi xa hơn nữa khi cho rằng Bảo “ngậu” là công an cũng được nhưng nếu anh bị bắn trọng thương hay chết thì khán giả còn yêu mến hơn. Người phản bội Phan thị thì không thể được sống.
Từ bao giờ con người lại cay nghiệt đến mức muốn người khác chết thì mình thương còn sống thì mình ghét, dù họ làm cùng một hành động? Việc Bảo “ngậu” trong Người phán xử là cảnh sát chìm vốn dĩ có rất nhiều manh mối khiến không ít khán giả đoán ra từ trước đó. Nhưng tại sao khi thông tin này được khẳng định chắc chắn thì rất đông người xem lại tỏ ra sốc và phẫn nộ như vậy?
Kết
Bộ phim Người phán xử đã thành công thu hút được sự chú ý của người xem dù cái kết khiến khán giả bị hụt hẫng nhiều. Tuy nhiên, “ném đá” bất kể chi tiết, bất kể nhân vật và không phân biệt rõ đúng sai như thế này quả thật bất công. Và việc đưa Phan Quân, Lương “bổng” lên làm biểu tượng của công bằng, chính nghĩa thì thật sự đáng lo ngại.