"Nhật ký mẹ chồng" của Maria Metlitskaya không đơn thuần là những câu chuyện mang tính răn dạy sách vở về mối quan hệ nhạy cảm trong gia đình mà còn toát lên sự hài hước hiếm có.
Bạn sẽ làm gì khi đứa con trai mà mình mất hơn hai mươi năm nuôi dạy bỗng chốc biến thành thằng ngốc chỉ sau hai mươi phút nói chuyện với gái? Bạn sẽ ra sao khi đang từ vị trí nữ hoàng cai quản mọi thứ bỗng chốc biến thành “ô sin không công” chỉ vì một người đàn bà xa lạ đột ngột xuất hiện ở nhà mình và nhanh chóng chiếm lĩnh toàn bộ tâm trí thằng con trai? Một lời khuyên chân thành nhé! Hãy tìm đến những trang viết của Maria Metlitskaya mang tên Nhật ký mẹ chồng và lật nhanh đến phần tình huống dành cho bạn.
Còn nếu bạn là một cô gái vừa chớm nghĩ đến chuyện chồng con và bị dọa "hết hồn" với những lời cảnh báo về chuyện mẹ chồng-nàng dâu của những người xung quanh? Bình tĩnh nào quý cô! Mọi vấn đề sẽ được giải quyết ngay tức khắc chỉ với một cuốn sách nhỏ bé mà thôi.
Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu xưa nay luôn gợi ta nhớ tới cuộc xung đột dai dẳng không có hồi kết giữa Palestin và Israel khi mà cả đôi bên đều luôn trong tình trạng khiêu khích lẫn nhau và sẵn sàng nghênh chiến. Thậm chí đôi khi, nó còn mang màu sắc của cuộc chiến tranh lạnh bởi cả hai chạy đua không ngừng để bảo vệ nền hoà bình mong manh trong gia đình. Vì thế, những câu chuyện về các bà mẹ chồng tốt đẹp như mẹ ruột, hay ít ra, thân thiết như bạn gái ở thời đại này chẳng khác nào câu chuyện cổ tích, khiến người nghe không khỏi hoài nghi
Nhưng cuộc sống vốn dĩ luôn chứa đựng nhiều điều bất ngờ tốt đẹp từ những điều trái khoáy vậy đấy. Thế nên, dẫu cho bà mẹ chồng Lena có khiến các cô con dâu chết khiếp vì miệng lưỡi nanh nọc thì khi đứng trước sóng gió cuộc đời, bà vẫn luôn hết lòng bảo vệ gia đình mình bằng trái tim bao dung của một người mẹ và sự nhạy cảm tuyệt vời của một người phụ nữ.
Hay như dẫu không khỏi oán giận bà mẹ chồng tác oai tác quái đã đẩy mình vào tình cảnh bơ vơ nơi đất khách, song rốt cục cô con dâu Sonka vẫn quyết định ở lại chăm sóc bà trong những ngày tột cùng đau đớn với một lý do giản đơn “Ai cũng phải vác cây thánh giá của riêng mình”. Có lẽ trong những giây phút “đình chiến” ngắn ngủi ấy, họ đã thực sự đồng cảm với thân phận phụ nữ của nhau và quay về với lẽ sống giản dị như điều bà lão Rachel đã đúc kết từ cuộc đời hạnh phúc của mình “Đơn giản là yêu thương nhau. Chỉ vậy mà thôi!”
Mối quan hệ mẹ chồng-nàng dâu sẽ trở thành vật cản tai ác hay bức tường thành bảo vệ hạnh phúc gia đình? Chắc chắn, chẳng có ai có thể đưa ra lời khuyên chính xác cho chúng ta cả ngoại trừ thông điệp của nữ tác giả Nhật ký mẹ chồng: Hãy dũng cảm dấn thân với một trái tim rộng mở. Đừng dễ dàng lùi bước bởi trái ngọt hạnh phúc sẽ không bao giờ đến với những kẻ hèn nhát không dám nếm trải cay đắng cuộc đời.
Đề cập đến chủ đề “nhạy cảm” trong gia đình song Nhật ký mẹ chồng không đơn thuần là những câu chuyện thực tiễn mang tính răn dạy sách vở mà trong đó còn toát lên sự hài hước hiếm có. Sự hài hước mà nếu không có nó, cuộc sống và những mối quan hệ xã hội của chúng ta sẽ trở nên vô cùng phức tạp. Chẳng quá xa vời cũng không hề bi thương sầu thảm, giọng văn châm biếm nhẹ nhàng của Metlitskaya đã đặt ra trong tác phẩm những vấn đề nghiêm túc về tâm lý, đạo đức xã hội mà mỗi chúng ta đều phải đối mặt và suy ngẫm trong cuộc sống của mình.
Một điều khá thú vị là ở ngoài đời, nhà văn Maria Metlitskaya kết hôn sớm và có một cậu con trai đã trưởng thành. Năm 2011, Maria Metlitskaya tạo nên “cơn sốt nhỏ” ở Nga khi sê-ri tiểu thuyết Sau cửa sổ nhà người của bà đã mở ra một góc nhìn hài hước về cuộc sống của những người xung quanh, lắng nghe chuyện vui buồn nhà người mà lắm khi có cảm tưởng như thấy chính mình trong đó. Maria Metlitskaya tự gọi mình là “nhà văn hiện thực mang khuynh hướng bi quan”, nhưng các tác phẩm của bà lại giúp mỗi chúng ta gạt bỏ định kiến để có thể yêu thương những người quanh mình với tất cả sự không hoàn thiện của họ.
Tiến tới kỉ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Nhà xuất bản Phụ nữ tổ chức cuộc thi viết “Mẹ chồng – Nàng dâu, phải đâu chuyện khó!” với mong muốn khơi dậy những điều tốt đẹp từ mối quan hệ của những người kiến tạo nên hạnh phúc, “tay hòm chìa khóa” trong gia đình. Thời gian nhận bài: Từ 0h ngày 1/2/2016 đến 23h59’ ngày 20/3/2016. Mọi thông tin chi tiết, độc giả có thể tham khảo thêm trên trên website chính thức và fanpage của Nhà xuất bản Phụ nữ. |