Thị trấn Na Hang (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) đã xác định cá đặc sản, thịt lợn chua, măng ớt và dâu tây là những sản phẩm chủ lực.
Nhằm khai thác lợi thế hồ thủy điện, thị trấn Na Hang (huyện Na Hang) đã chú trọng phát triển thủy sản, trong đó có nuôi các loài cá đặc sản theo hướng an toàn.
Mô hình nuôi cá lồng, nuôi cá đặc sản giúp nâng cao giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.
Hiện nay, trên địa bàn thị trấn Na Hang có 2 công ty và 60 hộ gia đình nuôi cá đặc sản trên vùng lòng hồ, với tổng số trên 400 lồng cá, giải quyết việc làm cho gần 500 lao động.
Nuôi cá lồng đặc sản hướng phát triển kinh tế bền vững của người dân thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Tổng sản lượng khai thác thủy sản ước đạt trên 300 tấn/năm; có từ 5 đến 10% số hộ nuôi thủy sản thu lãi 300 triệu đồng/năm từ nuôi cá lồng.
Thị trấn Na Hang, huyện Na Hang đã lựa chọn cá đặc sản làm sản phẩm đặc trưng, đây là tín hiệu vui cho người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Thịt lợn chua là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Món ăn này thường để thết khách quý, làm quà tặng người thân và giờ là sản phẩm để bán cho du khách đến tham quan lòng hồ Na Hang, Lâm Bình.
Thịt chua khi ăn với cơm nếp, xôi thì quả là khó chê được. Khách đến đây ai cũng muốn có một hộp thịt chua mang về làm quà biếu. Nắm bắt lợi thế này, người thị trấn bắt đầu sản xuất thịt chua để bán, không chỉ để phục vụ bữa ăn hàng ngày nữa.
Thị trấn Na Hang đã lựa chọn sản phẩm thịt lợn chua đưa vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn thị trấn đã có 8 hộ gia đình tham gia làm thịt chua để bán cho khách du lịch và cung ứng cho thị trường thành phố Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội...
Việc phát triển sản phẩm thịt chua đã mở ra cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Thức, tổ 8, thị trấn Na Hang (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, thịt chua được nhiều người ưa thích, trở thành đặc sản của khách du lịch.
Sau quá trình tìm hiểu nhu cầu thị trường, gia đình ông đã đầu tư sản xuất thịt chua lợn đen. Cũng theo ông Thức, để làm được một hộp thịt chua ngon, chất lượng thì nguyên liệu đầu vào phải đủ tiêu chuẩn, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đây là điều mà khách hàng luôn quan tâm, và ông luôn thực hiện tốt tạo niềm tin với khách hàng.
Hiện nay, sản phẩm cá đặc sản của thị trấn Na Hang đã được lên sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội và được cung ứng tiêu thụ tại hệ thống chợ đầu mối, hệ thống cửa hàng bán lẻ tại các thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Phú Thọ và thành phố Tuyên Quang.
Trong thời gian tới, huyện Na Hang tiếp tục duy trì và mở rộng các kênh tiêu thụ thủy sản tươi sống, cá đặc sản tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối, nhà hàng của các huyện lân cận và các trung tâm thành phố lớn.
Huyện triển khai xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc cho cá đặc sản. Đồng thời, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi cá loài cá đặc sản theo quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP... để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn với sản lượng hàng hoá lớn.
Thời gian qua, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) đã triển khai các giải pháp về kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tạo ra giá trị kinh tế cao cho người dân.
Ông Hoàng Văn Hiếu, Chủ tịch UBND thị trấn Na Hang (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) cho biết, để tiếp tục phát triển một số sản phẩm chủ lực, có giá trị cao, UBND huyện đã quy hoạch chi tiết vùng sản xuất, chế biến tập trung.
Huyện cũng huy động các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào cuộc với nông dân và doanh nghiệp trong tất cả các khâu từ sản xuất, thâm canh, bảo quản, chế biến đến hỗ trợ sản xuất.
Huyện Na Hang cũng thúc đẩy việc xây dựng thương hiệu để tạo đột phá về năng suất, chất lượng của các mặt hàng nông sản và nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân có các sáng kiến, giải pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ trong việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.