Quán cháo trai này dù bán giá đắt hơn so với nhiều nơi khác nhưng khách vẫn đông nghịt.
Những ngày Hà Nội vào thu, thời tiết trở nên mát mẻ hơn cũng là lúc nhiều món quà vặt lên ngôi. Trong số đó, được ưa thích không chỉ bởi trẻ con mà cả người lớn phải nhắc tới ngay món cháo trai, cháo sườn. Một chiều trời mưa lành lạnh, vào khoảng thời gian đã qua bữa trưa khá lâu nhưng chưa kịp tới giờ ăn tối, được thưởng thức một bát cháo trai nóng hổi và thơm ngon quả thật vô cùng thích thú.
Trên khắp các con phố, ngõ nhỏ ở Hà Nội, bạn có thể dễ dàng tìm thấy một hàng cháo trai. Nhưng để kể đến một quán cháo trai lâu đời và cũng đông khách bậc nhất thì nhiều người nghĩ ngay tới cháo trai Trần Xuân Soạn đã tồn tại suốt hơn 35 năm.
Vì khá phổ biến, nguyên liệu rẻ và được xem là món ăn nhẹ nên giá cháo trai ở Hà Nội thường chỉ từ 15.000 đến 25.000 đồng/bát bao gồm cả quẩy. Thế nhưng ở phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội), người ta bán cháo trai với mức giá đắt gần gấp đôi. Nếu nhìn qua, thực khách vẫn thấy đây chỉ là một bát cháo với những nguyên liệu giống như nhiều nơi khác, vậy thì có gì mà đắt đến thế?
Được biết, chủ quán ở đây là chị Minh Hằng, quê gốc ở Thường Tín - Hà Nội. Gia đình chị có 6 chị em gái thì tất cả đều bán cháo trai, ngón nghề gia truyền học từ bà ngoại. Theo chị, cháo trai là một món dễ nấu nhưng muốn nó ngon thì không phải ai cũng biết cách làm.
Trước tiên, bát cháo trai muốn ngon thì nguyên liệu phải tốt, chọn được trai béo, gạo ngon. Tiếp đến là khâu sơ chế và xào trai. Nhiều quán hay ninh thịt trai cùng gạo đã giã thành bột nhưng như thế thịt trai sẽ bị dai, mất ngon. Theo bí quyết của bà ngoại chị Hằng, thịt trai luộc vừa chín, sơ chế sạch thì đem xào với hành khô rồi để riêng, ăn cháo đến đâu, múc trai vào tới đó.
Bên cạnh đó, tất cả trai nấu cháo đều được chị mang từ quê ngoại lên, đảm bảo độ sạch sẽ, thơm ngon. Con trai phải đảm bảo vệ sinh mới nấu được món cháo trai chuẩn vị, ngon lành nhất.
Để nấu được nồi cháo trai ngon, mỗi ngày chị Hằng đều phải dậy sớm, tự tay ninh nấu các nguyên liệu trong khi đó, nhân viên chỉ được thuê để phục vụ bưng bê.
Sau khi chuẩn bị xong, các nguyên liệu sẽ được để riêng trong từng xô lớn, bao gồm cháo, thịt trai xào, quẩy, hành, rau răm, hành khô phi thơm. Món ăn cũng dễ dàng tùy biến theo sở thích của khách.
Cháo trai Trần Xuân Soạn có phần cháo mềm mượt, thịt trai được xào rất thơm và mềm béo, dai dai vừa phải. Cháo thơm mùi hành khô, hành tươi và rau răm. Cháo ăn kèm với quẩy cắt nhỏ giòn giòn, thơm thơm. Ai thích ăn cay có thể thêm ớt bột, hạt tiêu.
Hàng cháo trai Trần Xuân Soạn khá nhỏ hẹp, chỉ gồm vài bộ bàn ghế đơn giản, bày kín trong không gian chừng 8m2. Quán ăn mở cửa từ lúc 11h, buổi trưa nghỉ khoảng 13h - 15h chiều mới tiếp tục đón khách. Ngày trong tuần, khách kéo đến đông nhất là lúc tan sở, tầm từ 16h - 17h. Riêng cuối tuần thì muộn hơn, cỡ từ 19h - 20h. Ngoài ăn tại chỗ, nhiều người còn mua mang đi. Lúc cao điểm, khách người đứng xếp hàng, người ngồi la liệt vỉa hè, gần chục nhân viên phục vụ không kịp.
Quán của chị Hằng trước kia chỉ bán cháo trai. Vài năm gần đây, để thực đơn đa dạng hơn, quán bắt đầu bán thêm cháo sườn và các món ăn nhẹ khác như sữa đậu nành, sữa ngô, bánh rán, tào phớ. Các món này đều rất ngon và thực khách cũng chọn mua rất nhiều.
Giá bán ở đây khá cao so với mặt bằng chung, một bát cháo trai hoặc cháo sườn có giá 40.000 đồng cả quẩy. Tào phớ, chè, sữa đậu nành có giá 10.000 – 15.000 đồng/cốc. Ngoài ra, quán còn bán bánh rán mật và bánh rán vừng có giá 5.000 đồng/chiếc.