Món ăn tưởng chừng ghê rợn nhưng hiện được rất nhiều khách du lịch ưa chuộng.
Ở Tây Bắc có một đặc sản vô cùng kinh dị nhưng rất được lòng du khách trong và ngoài nước. Đó là món cá nhảy của người Thái tại Sơn La – cá sống, được chế biến và ăn ngay tại bàn.
Người dân ở Sơn La cho biết, cá dùng để chế biến món “cá nhảy” phải được nuôi ở ao tự nhiên hoặc bắt ở suối nguồn, cách xa khu dân cư. Cá bắt về phải còn sống, họ sẽ chọn những con cá bé, có kích thước lớn nhất là bằng ngón tay cái của người lớn, thả vào chậu nước muối sạch, để cá tự bơi và tiết hết những thứ bẩn ở trong người. Sau đó họ mang cá ra rửa lại bằng nước muối nhạt lần là có thể đưa lên bàn thưởng thức.
“Loại cá ngon nhất để chế biến món cá nhảy là cá chép con. Nhiều gia đình kỹ tính phải đợi đến mùa lúa nước – là mùa cá chép đẻ trứng. Họ lấy trứng cá chép bám vào hoa lục bình thả vào ruộng, đến mùa lúa ra hoa, hoa gạo rụng xuống nước, và cá chỉ được ăn hoa gạo đó nên rất sạch. Đến khi lúa rộ bông, người dân bắt những con cá ở ruộng mang về chế biến món cá nhảy”, anh A Sình (29 tuổi) – người dân tộc Thái cho biết.
Loại cá ngon nhất để chế biến món cá nhảy là cá chép con.
Cũng theo người đàn ông, gia vị đi kèm của đặc sản này vô cùng quan trọng. Theo đó, cá được ăn kèm với lõi chuối tươi, rau thơm, các loại gia vị mắm, muối, tỏi, ớt và đặc biệt là không thể thiếu hạt mắc khén. Tất cả được băm nhỏ tạo thành một hỗn hợp ăn kèm có độ chua, cay, nồng, ngọt và mùi thơm đặc trưng.
“Cách thưởng thức đặc sản này khá độc đáo. Khi ăn, người đồng bào chúng tôi thường bắt cá từ chậu, dùng dao nhỏ khía nhanh vào bụng cá, nặn ruột bỏ ra ngoài rồi thả nhanh vào hỗn hợp ăn kèm. Mỗi người ăn dùng một chiếc thìa nhỏ xúc cá kèm theo lõi chuối và nước chua đưa lên miệng thưởng thức.
Khi ăn, người đồng bào chúng tôi thường bắt cá từ chậu, dùng dao nhỏ khía nhanh vào bụng cá, nặn ruột bỏ ra ngoài rồi thả nhanh vào hỗn hợp ăn kèm.
Với những người chưa từng biết món cá nhảy thì đây quả là món ăn kinh dị bởi đó là cá sống. Song với người sành ăn sẽ cảm nhận được hương vị độc đáo: ngọt của thịt cá và vị cay của tỏi, ớt, vị tê tê nơi đầu lưỡi và mùi thơm nồng của hạt mắc khén. Đặc biệt, các gia vị sẽ làm át đi vị tanh của cá chỉ còn lại vị ngọt giòn, thơm và bùi của thịt cùng những loại rau đi kèm”, anh A Sình cho hay.
Món ăn tưởng chừng ghê rợn nhưng hiện được rất nhiều khách du lịch ưa chuộng. Vì thế hễ ai đặt chân đến vùng đất này hãy “mạnh dạn” thưởng thức để cảm nhận được hương vị dân dã, đặc biệt của âm thực vùng núi cao Tây Bắc.