Loại rau này có vị ngọt và mùi giống mùi tỏi. Tuy nhiên có nhiều loại cây có độc rất giống loại rau này.
Bärlauch tạm dịch tiếng Việt là tỏi gấu, là một loại thực vật mọc hoang có họ hàng với hành và tỏi, mọc nhiều ở các khu rừng ẩm ở châu Âu và một số nơi ở châu Á. Rất tiếc ở Việt Nam không có loại rau này. Bärlauch còn có tên là tỏi rừng (Waldknoblauch) hay tỏi dại (wilder Knoblauch). Tại Đức, tỏi gấu mọc nhiều ở phía Nam, phía Bắc rất hiếm. Tỏi gấu có mặt ở hầu hết các nước châu Âu như Đức, Anh, Pháp và châu Mỹ.
Thời gian thu hoạch từ tháng 3 đến đầu tháng 5. Tốt nhất nên thu hoạch tỏi gấu trước khi cây ra hoa, do sau khi ra hoa, lá tỏi gấu sẽ giảm bớt mùi tỏi.
Tỏi gấu rất dễ nhầm với hoa lan chuông, là một loại cây độc có lá gần giống tỏi gấu và cũng mọc vào mùa xuân. Do đó, khi hái cần lưu ý, tránh nhầm lẫn. Tốt nhất nên ngửi trước khi hái. Nếu có mùi tỏi thì chắc chắn là tỏi gấu.
Tỏi gấu có thể ăn sống được, khi nấu ăn hơi dai. Khi chế biến nên xào nhanh tay với lửa to. Vị tỏi gấu hơi ngọt, mọng nước, có mùi tỏi như tay mình sau khi bóc tỏi xong. Loại rau này tuy mọc dại trong rừng nhưng có thể chế biến thành nhiều món ăn như sa-lát, xào tỏi, xào thịt bò, cuộn thịt, làm sốt mỳ,...
Tuy nhiên có một số lưu ý khi sử dụng loại rau này. Dù rễ tỏi gấu ăn được, nhưng nếu bạn nhổ cả rễ thì sang năm sẽ chẳng còn cây nào ở chỗ đó nữa. Một cây tỏi gấu có tuổi thọ đến 7 năm. Ở Đức và Anh cấm người dân nhổ cả rễ cây này. Nếu ai cũng nhổ cả rễ cây lên thì sang năm sau sẽ không còn rau này nữa.
Bên cạnh đó cũng không nên ngắt hoa tỏi gấu. Cây này nhân giống chủ yếu nhờ hạt, mà phải có hoa thì mới có hạt, thế nên đừng ngắt hoa nhé! Và mỗi khóm tỏi gấu bạn cũng chỉ nên hái 2-3 lá mà thôi, để cây còn sinh trưởng tiếp được.
Điều quan trọng phải nhắc lại 2 lần, có nhiều loại cây khác có lá giống tỏi gấu nhưng lại có độc, bạn hãy cẩn thận khi đi hái nhé!