Mùa nước nổi - một đặc trưng của miền Tây Nam Bộ, nước từ đầu nguồn đổ về, len lỏi qua từng nhánh sông, đem theo phù sa, cá tôm cho người dân vùng đồng bằng. Hơn thế nữa, mùa nước nổi về còn mang theo cả ký ức về những món ăn quê khiến ai đi xa cũng phải nhớ.
Và nơi đó có cả một vùng trời tuổi thơ của biết bao thế hệ.
Món ăn của tuổi thơ
Mùa cà na thường gắn với mùa nước nổi. Người lớn thường bảo rằng, cà na thương bọn trẻ con nên nước về cũng là lúc cà na cho thu hoạch, trái nào cũng “căng tròn”, “đầy ắp thịt”.
Trước đây, cà na là loại cây mọc dại, có bộ rễ ăn sâu nên được người dân trồng ở bến sông vừa lấy bóng mát, vừa có tác dụng giữ đất, chống sạt lở rất tốt.
Trái cà na đang làm ra nhiều món ăn vặt hút hàng mùa nước nổi ở tỉnh An Giang. Cây cà na một thời mọc dại giúp nông dân có thêm thu nhập.
Là loại cây dại, cà na lớn nhanh, chẳng ai để ý chúng ra hoa, kết trái khi nào, chỉ biết mỗi khi nước đầy đồng là thấy đám trẻ ở quê leo lên rung cho cà na rụng xuống, rồi lấy trái chấm muối ớt, vừa ăn vừa nhăn mặt, mà tấm tắc khen ngon.
Các mẹ, chị ở quê khéo tay hơn, đem trái cà na chế biến nhiều loại món ngon, như: cà na đập dập ngâm muối, ngâm nước mắm hay ngào đường sẽ để ăn được lâu hơn. Những món ăn nghe chừng như đơn giản nhưng hương vị rất mộc mạc, đậm đà như chính tính cách và con người miền Tây.
Hồi trước, cà na là thứ trái chỉ để ăn và cho, ít ai đem bán. Hiện nay, các món ăn được chế biến từ trái cà na được rất nhiều người ưa chuộng, nên trái được người dân quan tâm “thu hoạch” và bày bán với giá từ 20.000-22.000 đồng/kg cà na tươi sống, 20.000-25.000 đồng/keo khoảng 500gr cà na đã qua chế biến muối đường chua ngọt.
Thấy được nhu cầu và giá trị kinh tế của cây cà na, gần đây có rất nhiều nông dân đã đem cây cà na vào canh tác trên diện tích đất của gia đình.
Ngoài giống cà na bản địa, bà con còn trồng thêm cà na Thái, rải rác ở các huyện: Phú Tân, Châu Thành, Thoại Sơn...
Sau hơn 1 năm chăm sóc, cây cà na bắt đầu cho trái, 1 năm có thể thu hoạch 3 lần, mỗi lần kéo dài cả tháng. Cây cà na Thái với nhiều ưu điểm vượt trội như: nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, không bị sâu bệnh, không cần bón phân, xịt thuốc bảo vệ thực vật… nên được xem là thực phẩm sạch.
Theo chị Lê Thị Phương (tiểu thương mua bán ở chợ Cái Sao, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên, An Giang), chỉ tính riêng trái cà na tươi, mỗi ngày chị bán được gần 30kg, khi có thời gian còn làm thêm cà na ngào đường, muối chua ngọt bán rất đắt hàng.
“Giờ nhiều người thích ăn mấy món hồi xưa nên cà na cũng đắt hàng, nhất là mấy bạn trẻ. Gia đình mình có trồng nhưng số lượng ít, không đủ bán nên tìm mua thêm của bà con xung quanh rồi bán lại kiếm lời” - chị Phương thông tin.
Từ món quê trở thành đặc sản
Cũng giống như trái cà na, bông điên điển giờ đây xuất hiện gần như quanh năm tại các sạp bán rau ở chợ, các quán ăn. Nhưng nhiều người, đặc biệt là đối với ông bà, cha mẹ vẫn cho rằng, ăn bông điên điển trong mùa nước nổi là ngon nhất, bởi lẽ nó không chỉ ngon bởi hương vị, mà còn ngon vì đã từng là ký ức của bao thế hệ.
Ngày trước, những cánh đồng ngập nước dệt ánh vàng của bông điên điển xuất hiện khắp mọi nơi, ngày nay nước về ít dần nên hình ảnh đó trở nên hiếm hoi. Hái bông điên điển trên đồng phải đi bằng xuồng, len lỏi qua nhiều nơi và sẵn tiện thu hái luôn nhiều loại rau đồng khác, như: cù nèo, bông súng, rau muống đồng...
Những món quê không chỉ gây thương nhớ vì từng là ký ức của bao thế hệ mà còn giúp người dân nhiều địa phương của tỉnh An Giang có thêm thu nhập.
Chỉ mất một buổi dạo quanh, cả nhà đã có bữa cơm ngon, với đầy đủ các loại rau sạch, tươi ngon bắt mắt. Bông điên điển chế biến được rất nhiều món ăn, từ nấu canh chua cá linh, là loại rau ăn cùng lẩu mắm, cá linh kho lạc hay đem trộn gỏi khô cá lóc, nguyên liệu làm nhân bánh xèo...
Mà cũng thật lạ, đối với mỗi món ăn có sự góp mặt của mình, bông điên điển đều tạo ra một hương vị đặc trưng, có vị ngọt, có chút nhẫn nhẹ, bùi bùi, thơm ngon.
Theo bà Huỳnh Thị Dung (xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang), mùa nước nổi của nhiều năm trước, nước về ngập ruộng, bà và mẹ của mình thường bơi xuồng đi hái bông điên điển dọc theo mé kinh. Chỉ thoáng một chút là đã có 1 rổ đầy bông điên điển vàng tươi, đem về đủ bữa cơm quê.
“Còn mấy năm nay nước về ít, có năm “không thèm” về, cây điên điển cũng không cho bông xôm tụ như hồi trước. Tuy vậy, nhà nào có được chừng chục cây điên điển thì cũng rực khoảng sân, phần thì ăn, phần dư ra ngồi chợ bán sớm hay để lại làm dưa có thêm thu nhập” - bà Dung bộc bạch.
Những bữa cơm quê nhà, không có sơn hào hải vị, chỉ là mớ rau muống đồng non trong, thêm nắm bông súng, cá linh kho lạt, cá lóc nướng trui, cùng với rổ rau tươi xanh, chuối chát vừa hái, nhắc đến là ai cũng tấm tắc khen ngon, mê mẫn. Hãy tạm gác lại bao bộn bề cuộc sống, tận hưởng những món ăn quê mà thấm đẫm hương vị quê nhà.