Thông qua tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy, độc giả có thể tìm thấy nhiều điều đáng suy ngẫm về lịch sử dân tộc, về thân phận con người trong chiến tranh, về tình yêu nhân loại.
Với hơn 150 chương chia làm 2 tập, hàng trăm nhân vật, bộ tiểu thuyết Trong cơn lốc xoáy của nhà văn Trầm Hương gây ấn tượng cho độc giả với một văn phong sáng, nhiều chất điện ảnh. Bạn đọc có thể tìm thấy trong cuốn sách này nhiều điều đáng suy ngẫm về lịch sử dân tộc, về thân phận con người trong chiến tranh, về tình yêu nhân loại.
Trong tưởng tượng phong phú nhất của mình, hẳn cô bé Jeannette cũng không bao giờ hình dung được cuộc đời cô sẽ trải qua nhiều thăng trầm đến vậy. Từ giã tuổi thơ nhung lụa bằng phát hiện mình là con gái lai Pháp được bác ruột nhận nuôi, cô bé kiêu kỳ mạnh mẽ vì được nuông chiều đã sớm già trước tuổi. Rồi những biến cố lớn khác xảy đến đã lấy đi rất nhiều niềm tin yêu trong sáng của cô bé đối với cuộc đời vốn đang toàn màu hồng. Cô bứt mình ra khỏi gia đình, ngấm ngầm nổi loạn.
Những trải nghiệm ngây thơ trong trẻo của mối tình đầu, những mối quan hệ “éo le” ngớ ngẩn sớm tan với bạn bè người Pháp càng khiến cô nảy sinh nỗi chán ghét. Cô dần gắn bó hơn với quê mẹ, nơi mình sinh ra, để tâm hơn đến sự bất công trong sự đối xử của người Pháp với dân bản xứ. Để rồi, việc cô ngẫu nhiên trở thành cứu tinh của cả đại gia đình khi binh biến Thế chiến 2, quân Nhật thế chân Pháp tiếp quản Đông Dương, thực sự là xếp đặt éo le của số phận.
Jeannette trở thành vợ một viên tình báo Nhật, an phận làm búp bê trong tủ kính. Cả nhà cô thoát nạn, song mang nỗi nhục sa cơ, không nhìn nhận cô. Trong cô độc, cô cũng chẳng màng đến bên ngoài. Và giữa lúc Sài Gòn rối ren: Nhật – Pháp giằng co, các thế lực băng đảng chính trị hoành hành, cái tên Việt Minh đối với cô cũng chỉ là một hội kín có vũ trang, có nhiều yếu tố khủng bố.
Cô cô đơn, yếu đuối trong lớp kén an toàn. Vẻ u sầu, mong manh lạc lõng đó của người thiếu phụ tóc nâu còn quá trẻ đã đi thẳng vào trái tim Vạn, người thanh niên đã thề hiến mình cho lý tưởng Cộng sản, cho công cuộc giải phóng đất nước. Cuộc gặp gỡ tình cờ đó đã là khởi đầu cho mối tình định mệnh đầy chất phiêu lưu ngang trái và không kém phần hạnh phúc.
Người Cộng sản Vạn đã được số phận đặt bên cạnh cô đầm lai Jeannette vào lúc lịch sử đảo chiều, trong tâm thế chiến sĩ biệt động thành nằm vùng. Bị chinh phục bởi tình yêu và lý tưởng vì dân vì nước của anh, cô đầm lai nhanh chóng hút vào tham gia hoạt động đóng góp cho Cách mạng, tâm huyết và hiệu quả.
Chứng kiến những hy sinh mất mát, những kiên cường quật khởi, những đồng tâm nhất trí, những chiến công lẫy lừng của Việt Minh, lại được sát cánh cùng chiến đấu bên cạnh người yêu, Jeannette thực sự bị Cách mạng thu phục. Lòng tin tưởng và cảm tình đó bền vững đến nỗi, sau rất nhiều biến cố, trải qua bao gian khổ cơ cực vì Vạn bị bắt đày đi Côn Đảo, phải kết hôn với người khác và vất vả mưu sinh với đàn con nheo nhóc… bà vẫn không nén nổi hân hoan khi tình cờ được chỉ đường cho đoàn xe tăng Giải phóng tiến vào cửa ngõ Sài gòn, tiếp quản Dinh Độc Lập.
Có một nhà văn hiện đại nổi tiếng của VN đã cho rằng: “Hiện tại, đây là thời điểm thích hợp để viết về chiến tranh.” Quả thật, những năm này cần sự sang trang của sáng tác văn học, khi thể hiện những đề tài cốt lõi: chiến tranh và thân phận tình yêu, thân phận con người. Cuộc đời không phổ biến của cô gái trong truyện lại là thể hiện điển hình của con người, tình yêu trong lịch sử bản lề của cả một đất nước, một dân tộc.
Bên cạnh những giá trị không thể phủ nhận về độc lập tự do, Trong cơn lốc xoáy còn ẩn chứa đau thương và bi kịch chiến tranh, không cần lên gân lên cốt nhưng thấm thía và tạo được đồng cảm. Dù rằng, tác giả tiểu thuyết và chính nguyên mẫu có thật, chưa chắc đã nhận ra điều ấy. Họ chỉ kể chuyện thôi. Và câu chuyện của họ hấp dẫn, như một cuốn phim hay.