Những tín đồ ăn uống khó có thể từ chối hương vị thơm ngon của 5 đặc sản Bạc Liêu này đâu nhé!
Nhãn da bò
Vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhãn da bò là loại cây trồng được người Hoa đem qua Việt Nam nhân giống từ những buổi đầu lập nghiệp. Ở Bạc Liêu, trái nhãn da bò đã có mặt và gắn liền với đời sống người dân từ hàng trăm năm qua.
Mùa nhãn da bò thường rơi vào khoảng mùa mưa, tầm độ từ tháng 5 đến tháng 10. Khác với những giống nhãn truyền thống khác, nhãn da bò cho vị ngọt thanh không quá gắt, vỏ mỏng dày cơm. Được biết, cây nhãn da bò càng lâu năm thì cho trái càng nhiều và hương vị càng thơm ngon.
Ở Bạc Liêu, xã Hiệp Thành là địa phương có diện tích trồng nhãn da bò nhiều nhất. Đặc biệt, ở vùng này có nhiều vườn nhãn cổ có tuổi đời hàng trăm năm, là điểm tham quan yêu thích của khách du lịch khi đến với Bạc Liêu.
Bồn bồn
Đặc trưng sống ở những vùng đất ngập nước nhiễm phèn, bồn bồn từ lâu đã trở thành một trong những món ăn nổi tiếng của Bạc Liêu được nhiều người tìm mua thưởng thức. Còn được gọi là thủy hương, bồn bồn là một loại cây mọc hoang thuộc họ sậy, thường có nhiều nhất từ tháng 6 đến tháng 11.
Bồn bồn đem về chặt bỏ phần lá, giữ lại gốc, tách lấy phần nõn trắng bên trong. Món ngon được chế biến từ bồn bồn rất đa dạng nhưng ngon nhất là đem làm dưa chua ăn kèm với mắm ruốc hoặc cá kho tộ.
Để có được món dưa bồn bồn, người ta lấy cọng bồn bồn non rửa sạch rồi ngâm với hỗn hợp nước vo gạo trong hòa cùng muối trắng và đường theo tỉ lệ nhất định. Dưa bồn bồn khi ăn rất giòn có vị chua thanh nhưng vẫn giữ được hậu ngọt đặc trưng của bồn bồn tươi.
Mắm ba khía
Nhiều người vẫn thường nói vui với nhau rằng “Về Bạc Liêu thì nhớ ăn con ba khía”. Ba khía là một loại còng biển thường sống ở những bãi bồi nước lợ, dưới tán cây mắm, cây đước.
Không biết từ bao giờ, con ba khía đã len lỏi vào trong văn hóa ẩm thực của người dân Bạc Liêu. Ba khía có nhiều cách chế biến khác nhau, trong đó ngon nhất là đem đi làm mắm.
Mắm ba khía là cách chế biến được người dân Bạc Liêu sáng tạo nhằm mục đích bảo quản con ba khía được lâu hơn. Ba khía sau khi bắt về, đem rửa sạch, xếp vào chum, cho nước muối vào, đậy kín ủ khoảng 5 ngày là thành phẩm.
Mắm ba khía ngon nhất là đem trộn với đường cát, tỏi ớt và một ít nước chanh. Thường thì người ta sẽ ăn kèm con mắm ba khía với cơm trắng hoặc bún. Ngoài ra, món mắm ba khía trộn gỏi đu đủ cũng cho hương vị rất ngon.
Xá bấu
Xá bấu hay xá pấu chính là món củ cải muối - đặc sản trăm năm của vùng đất Bạc Liêu. Được biết, món này vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc, theo dòng chảy của thời gian dần dần trở thành món ăn quen thuộc của người dân xứ này.
Nghe thì có vẻ phức tạp nhưng nguyên liệu để làm món xá bấu thì vô cùng đơn giản. Chỉ cần củ cải trắng kết hợp với đường, muối là được. Củ cải đem về rửa sạch, ướp muối rồi mang đi phơi nắng cho teo dần lại.
Xá bấu nguyên củ thường được dùng để nấu canh cho vị ngọt đậm đà và mùi đặc trưng. Ngoài ra, xá bấu còn được xắt sợi nhỏ đem đi xào với thịt dùng trong bữa cơm hằng ngày.
Tuy nhiên, để thưởng thức trọn vẹn mùi vị đặc trưng của củ cải xá bấu thì người Bạc Liêu sẽ đem ăn cùng với cháo trắng. Vị mặn ngọt, giòn giòn pha một chút cay nồng kết hợp sự thanh đạm từ bát cháo sẽ đem lại cho người thưởng thức một món ăn đơn giản nhưng tuyệt hảo.
Mắm chua Vĩnh Hưng
Du lịch miền Tây thì không thể không kể những câu chuyện về mắm. Ở Bạc Liêu, người ta vẫn thường hay nhắc về mắm chua Vĩnh Hưng như một món đặc sản không thể thiếu trong túi quà mang về.
Để làm mắm chua, người ta thường chọn những con cá đồng loại nhỏ mới vừa bắt về. Mắm chua ngon là mắm chua được chế biến từ con cá rô hoặc cá sặc. Cá sau khi bắt về đem đi làm ruột, đánh vảy, cắt đầu rửa sạch để cho ráo nước rồi đem đi muối.
Mắm chua có ngon hay không sẽ phụ thuộc vào công đoạn ướp gia vị. Được biết, mỗi gia đình sẽ có cách ướp cá riêng cho ra hương vị mắm khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung gia vị ướp thì không thể thiếu đường, muối, tiêu, tỏi, ớt và thính gạo rang.
Mắm chua Vĩnh Hưng thành phẩm sẽ được dùng trong bữa cơm hằng ngày. Ngon nhất là đem đi ăn kèm với thịt luộc, dưa leo, rau sống.