Nếu có dịp lên vùng đất Gia Lai nắng gió, du khách sẽ có cơ hội được thưởng thức rất nhiều đặc sản ngon lành đậm vị rừng núi.
Bún mắm nêm
Món đặc sản Gia Lai mà bất cứ ai cũng nên thử một lần là bún mắm nêm. Món ăn đặc sản dân dã này là hương vị không thể thiếu khi bạn có cơ hội tới thăm vùng đất núi rừng. Một tô bún sẽ được ăn kèm cùng chả, giò, thịt ba chỉ, trứng cuộn, hành phi… và một số loại rau ăn kèm như giá, xà lách, dưa leo…
Đặc biệt nhất là loại mắm nêm ăn kèm cùng bún. Khi ăn, mắm nêm sẽ được pha cùng chanh, tỏi, ớt để giúp giảm đi độ mặn. Món bún ngon ngậy, thơm mùi mắm sẽ khiến bạn không khỏi ấn tượng đâu nhé!
Phở khô (phở hai tô)
Cũng tại Gia Lai, du khách còn có thể tìm thử một món khác không kém phần đặc trưng, đó chính là phở khô. Món này có tên gọi khác là phở hai tô, vì khi thưởng thức, thực khách sẽ được phục vụ hai tô, gồm bánh phở và nước súp.
Bánh phở làm từ bột gạo cay, có sợi nhỏ, săn và mịn, khi trụng nóng sợi phở sẽ mềm dai. Bánh phở trụng phải vừa ăn, dai, không nát, vón cục để khách dễ thêm tương nâu, xì dầu hoặc tương ớt. Tô phở khô nhất định không thể thiếu thịt heo bằm nhỏ, gà xé sợi và hành khô phi giòn. Còn tô nước lèo gồm nước ninh gà, thịt bò tái hoặc bò gân, bắp hay bò viên tùy khẩu vị mỗi người. Rau ăn kèm với phở khô là xà lách, húng quế, giá trụng.
Khi thưởng thức phở khô, bạn sẽ chủ động gia giảm nêm trộn theo khẩu vị. Gắp một đũa phở cho vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị dai ngọt của sợi phở, thơm đậm đà của tương, giòn của giá và ngọt thanh của nước lèo.
Cà phê Pleiku
Gia Lai có địa thế là một vùng đất cao nguyên bazan rộng lớn thế nên nơi đây rất thích hợp để phát triển các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu… Nơi đây là nguồn cung cấp cà phê lớn cho cả nước. Cà phê ở đây rất sạch và tươi ngon. Du lịch Gia Lai bạn sẽ ngửi được mùi thơm của hoa cà phê thơm thoang thoảng bay xa hòa cùng vào từng làn gió.
Mùi cà phê thơm lừng, vị đắng ngắt của cà phê đen, tê tê ở đầu lưỡi, nhưng khi chép miệng thì bạn sẽ cảm thấy được vị ngọt thanh nơi cổ họng. Đến đây bạn có thể chọn được những túi cà phê thơm ngon để mang về làm quà.
Bún cua thối
Đây là món ăn rất đặc biệt, ai chưa biết ăn khi ngửi mùi sẽ có cảm giác lạ. Nhưng khi đã biết ăn rồi thì nó trở thành món ăn không thể nào quên được. Để có một bát bún cua thối ngon, người làm cũng hết sức kỳ công mới chế biến ra được món ăn này.
Nguyên liệu để tạo ra món bún cua thối rất đa dạng: cua đồng, bún, thịt ba chỉ, măng, chả hoặc nem, da lợn chiên giòn, bánh phồng tôm, các loại gia vị ớt, mắm nêm, rau ăn kèm như: giá, bắp chuối, xà lách, ngổ, kinh giới, rau thơm… Cua đồng là một thành phần quan trọng, chủ đạo của món ăn này nên người bán thường lựa chọn cua rất kỹ. Theo kinh nghiệm của người dân, vào mùa mưa, cua đồng sẽ nhiều, thịt cua ngọt và chắc hơn mùa khô.
Bún cua thối khá kén người ăn bởi mùi vị đặc trưng của nó. Không phải ai cũng có thể chịu được mùi nồng nồng của mắm nguyên chất và nước cua lên men. Bún cua có vị mặn của mắm, vị thơm các loại rau, vị nồng đặc trưng của bún mắm, vị cay của ớt, âm thanh giòn rụm của da lợn… tất cả hòa quyện nhau tạo nên món ăn rất hấp dẫn và ngon miệng.
Rượu cần
Một món đặc sản Gia Lai không thể không nhắc tới ở vùng núi Tây Nguyên hay Gia Lai đó chính là rượu cần. Một thức uống ngon nổi tiếng. Rượu sẽ được ủ, nấu bằng thứ gạo nếp trên nương to, tròn, mọng hạt và rất thơm. Rượu có mùi thơm, mới ngửi qua đã thấy say, rượu cần được để trong các vò sành, sứ. Khi uống không rót ra chén như các loại rượu khác mà uống bằng ống mây. Một vò rượu được bê ra sẽ có rất nhiều cần để trong đó, nhiều người sẽ uống chung một vò. Đây là loại rượu không thể thiếu trong những dịp lễ tết ở đây.