Với người dân địa phương, ốc núi được ví như đặc sản bởi thịt thơm ngon, bổ dưỡng, chỉ bắt được vào thời điểm nhất định trong năm.
Đặc sản núi rừng
Nhắc đến ẩm thực món ốc, nhiều người liên tưởng đó là những con ốc sống ở sông suối, ruộng đồng, kênh mương. Thế nhưng, tại xã Đak Smar, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai có loại ốc khác biệt. Loại ốc này sống trên núi thịt thơm ngon, bổ dưỡng. Người địa phương ví như đặc sản dùng để tiếp đãi khách quý.
Theo người dân địa phương, ốc núi không phải lúc nào muốn ăn là săn bắt được. Bởi, loài ốc này bình thường ẩn mình sâu dưới đất hoặc nấp dưới đám lá mục, hốc cây nên rất khó tìm.
Sau những trận mưa rừng dài ngày, khi ánh nắng xuất hiệ, những con ốc núi ẩn nấp dưới đất, lá mục bò ra phơi ấm, nhấm nháp thức ăn và sinh sản, lúc này người dân mới bắt được.
Xã Đak Smar được xem là “thánh địa” ốc núi. Nơi đây, trữ lượng ốc dồi dào, nhiều thương lái thường tìm đến đặt hàng người dân để mua ốc núi.
Qua giới thiệu của người dân chúng tôi tìm gặp anh Đinh Sâm, 22 tuổi, trú tại làng Cam, xã Đak Smar - người săn ốc lão luyện trong làng. Sau vài câu xã giao, anh Sâm vui vẻ dẫn chúng tôi trải nghiệm hành trình ngược ngàn săn đặc sản.
Vừa đi anh Sâm vừa chia sẻ: “Nghề săn ốc núi không quá vất vả, chỉ cần có sức khỏe để lội rừng, vượt suối và đặc biệt là phải có đôi mắt thật tinh tường. Bởi vỏ ngoài của ốc có màu nâu giống màu đá, vỏ cây, lá mục rất khó nhận diện”.
Anh Sâm có nhiều kinh nghiệm săn ốc núi.
Theo anh Sâm, loài ốc núi, chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Khi mùa mưa ở đây bắt đầu cũng chính là thời điểm có nhiều ốc nhất.
“Loài ốc này ưa sống ở môi trường ẩm ướt, hôm nào mưa to thì bò ra để tìm thức ăn, lúc này tha hồ nhặt đầy túi. Thức ăn khoái khẩu của ốc là các loại lá cây dược liệu mọc nhiều trong cánh rừng này. Người dân trong làng vẫn thường tranh thủ những ngày mưa không lên rẫy, rủ nhau đi tìm ốc về ăn, hôm nào bắt được nhiều thì đem bán”, anh Sâm chia sẻ.
Ốc núi “cháy hàng”
Đang đi, anh Sâm chợt dừng lại, quay lưng về phía chúng tôi gọi với: “Ốc nè, lại đây”. Trên tay anh Sâm là vài con ốc, vỏ hơi tròn và có màu nâu đen đang cuộn tròn. Theo sự hướng dẫn của anh Sâm chúng tôi chia nhau ra các khu vực lân cận tìm bắt ốc.
Quả thật, vỏ ốc có màu nâu giống những vật tiệm cận xung quanh. Con thì bò sát dưới đất, con nấp vào bọng cây, con đu bám vào lá cây, rất khó tìm. Sau gần 2 giờ đồng hồ mò mẫm, mồ hôi ướt đẫm áo, nhóm chúng tôi rủ nhau xuống núi, kết thúc chuyến đi với một túi ốc gần 3kg.
Ra khỏi rừng, chúng tôi ghé vào quán tạp hóa của chị Trần Thị Hảo, người chuyên thu mua ốc núi.
Chị Hảo cho biết: “Ban đầu, người dân địa phương đi tìm ốc về cải thiện bữa ăn. Thấy giống lạ mình mua thử về chế biến ăn thấy rất ngon. Thịt ốc dai, giòn, ngọt, thơm lạ miệng ăn rất ngon. Sau đó, tiếng lành đồn xa, nhiều người muốn thưởng thức loài ốc núi này nên nhờ mình thu gom bán lại cho họ. Dạo gầy đây có rất nhiều chủ các quán nhậu tìm đến nhờ mình gom hộ, bao nhiêu họ cũng thu mua hết”.
Theo chị Hảo, đợt nào mưa nhiều, ốc bán ra chỉ 40.000-50.000 đồng/kg, nhưng có thể lên đến 100.000 đồng/kg những lúc trời ít mưa.
Đối với những ai đã từng thưởng thức loại ốc này sẽ “nghiện” bởi thịt thơm ngon mà không loại ốc nào sánh được. Lúc đầu, chị chỉ dám thu mua mỗi ngày khoảng 50 kg rồi bán dần, nhưng giờ thì có bao nhiêu khách lấy hết bấy nhiêu. Khách hàng gọi điện liên tục đặt mua ốc nhưng không có để bán.
Chị Hảo cho biết thêm, thức ăn chính của ốc núi là cây cỏ mọc hoang trên núi, trong đó có cả những cây thuốc quý. Vì vậy, khi sơ chế ốc núi, người ta thường không ngâm kỹ như những loại ốc khác vì sợ chúng thải hết vị thuốc lưu giữ ở phần đuôi ốc.
Ốc núi có thể chế biến thành nhiều món: hấp gừng, xào sả ớt, trộn gỏi. Mỗi mùa săn ốc kéo dài đến vài tháng, người dân chăm chỉ vào rừng nhặt ốc cũng kiếm được vài triệu đồng.