Không phải chỉ cần ra chợ hỏi mua ở hàng rau là có thể thưởng thức loại rau này đâu bạn nhé!
Cây vông vang hay còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như vung vang, bụp vang, bông vàng, hoàng quỳ, là loại cây thường mọc dại ở các bờ rào. Loài cây này cũng thường thấy mọc hoang ở ven các triền đồi, nhiều nhất ở các tỉnh Tây Bắc nước ta, đặc biệt nhiều ở những nơi gần hồ đập, sông suối. Ở đồng bằng thì ít gặp hơn.
Cây vông vang thuộc dạng cây thân thảo, bụi nhỏ sống lâu năm, thường chỉ cao khoảng 1 mét trở xuống. Thân cây có màu nâu đỏ ở đoạn giữa thân đến gốc cây, nửa thân tới ngọn có màu xanh lẫn nâu đỏ. Bên ngoài thân có lông nhỏ, mỏng. Phần lá xẻ thành ba thùy và có răng cưa. Cuống lá khá dài, mọc ra từ thân chính và nhánh. Khi nở hoa màu vàng, hoa có kích thước lớn, có khi hoa dài tới 6cm, bông hoa nhìn rất đẹp. Quả hình bầu dục, nhọn hơn ở đuôi quả, bên trong quả có chứa nhiều hạt màu đen như hạt đậu.
Chỉ những người ở quê mới biết vông vang có thể dùng để nấu ăn vô cùng ngon. Trên mặt lá vông vang có nhiều hàng lông tơ màu trắng bạc, sờ vào thấy nham nhám, ram ráp. Muốn ăn ngon thì phải chọn những chiếc lá dày dày, khi này lá không quá già cũng không bị non. Lá vông vang hái về phải rửa sạch, vò sơ để lớp lông trên mặt lá mềm nhão và rụng bớt, khi ăn sẽ không bị rát lưỡi. Vị lá vông vang khi nhai thật chậm sẽ thấy thoảng nhẹ mùi chua của giấm gạo.
Lá vông vang thường được dùng để nấu canh chua, tạo nên vị chua chua, ngọt ngọt không hề bị gắt. Lá vông vang cũng không kén nguyên liệu nấu cùng. Chỉ cần một nắm lá với ít cá đuối, cá bớp, cá rô đồng hay thậm chí cả cá khô là có được một bát canh chua ngọt mát ngày hè. Sang hơn một chút có thể nấu cùng mực ống, thịt bò, thịt gà,... Thế nhưng một bát canh lá vông vang “không người lái” cũng đủ để làm nên một bữa cơm giản dị, dân dã mà ngon lành.
Canh lá vông vang trông thế mà cực kỳ đưa cơm. Ăn kèm dăm ba quả cà muối là có thể đánh bay vài bát cơm trắng. Bởi vậy mà một bát canh lá vông vang thường xuyên có mặt trên những mâm cơm nhà nghèo vùng thôn quê.
Không chỉ là nguyên liệu nấu ăn ngon, lá vông vang còn có nhiều tác dụng chữa nhiều bệnh. Người dân thường chỉ hái thân, lá về rửa sạch phơi khô làm thuốc. Hạt có chứa tinh dầu được sử dụng trong công nghiệp mỹ phẩm, bởi theo các tài liệu dầu hạt vông vang có chứa xạ hương.
Theo kinh nghiệm dân gian cây vông vang là một vị thuốc có nhiều công dụng, tất cả các bộ phận của cây từ lá, thân và rễ đều là những vị thuốc quý. Cây thường được dùng để điều trị một số bệnh sau: Giảm co giật ở bệnh động kinh, sỏi thận, sỏi mật, viêm đường tiểu, di mộng tinh, rắn cắn, phong tê thấp, giảm đau nhức, viêm dạ dày, nhuận tràng, lợi tiểu, mát gan, giảm mụn, tiêu viêm, hạt đường huyết, hỗ trợ điều trị tiểu đường, nấm lưỡi…