Sự ấm áp thực sự của một người chân thành có thể thắp sáng căn phòng và mang lại cảm giác tin cậy và an toàn. Những dấu hiệu dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng nhận ra liệu ai đó có thực sự chân thành.
1. Họ kiên nhẫn và thấu hiểu
Những người chân thành thường kiên nhẫn và thấu hiểu trong cách đối xử với người khác. Họ nhận ra rằng mọi người đều có những khó khăn riêng, sai sót có thể mắc phải và hạn chế của riêng mình. Họ đến với mọi người bằng sự đồng cảm và kiên nhẫn.
2. Họ không phòng thủ
Những người chân thành thường cởi mở với những phản hồi và phê bình mang tính xây dựng . Họ không quá phòng thủ, dễ dàng nổi nóng khi ai đó góp ý với mình.
Nếu người đang nói chuyện với bạn sẵn sàng thừa nhận khi họ sai và không trở nên phòng thủ hay tranh cãi thái quá khi ai đó thách thức quan điểm hoặc hành động thì rất có thể họ thực sự chân thành.
Mặt khác, một số người không bao giờ có thể thừa nhận rằng họ đã sai về bất cứ điều gì. Đó là lý do khiến họ dường như luôn ở trong trạng thái phòng thủ.
3. Họ nhất quán
Sự nhất quán trong lời nói và hành động đóng vai trò quan trọng khi bạn cần xác định xem ai đó có thật lòng và chân thành hay không. Nếu bạn nhận thấy hành động, lời nói và niềm tin của ai đó luôn nhất quán, phù hợp và không thay đổi câu chuyện dù là đang nói chuyện ai, đó thực sự là một dấu hiệu lớn cho thấy người đó chân thành.
4. Họ cởi mở và minh bạch trong giao tiếp
Theo một cuộc khảo sát, 46% nhân viên cho biết họ thấy việc ngồi lê đôi mách và lan truyền tin đồn là điều phổ biến và diễn ra rất thường xuyên. Những người chân thành luôn cư xử minh bạch. Họ rõ ràng trong ý định của mình và sẽ không tham gia vào những màn nói xấu, đặt điều hay loan tin chốn văn phòng.
5. Họ thể hiện ngôn ngữ cơ thể cởi mở và thoải mái
Những người chân thành thường thể hiện ngôn ngữ cơ thể cởi mở và tích cực. Họ giao tiếp bằng mắt tốt, có tư thế thoải mái và sử dụng các cử chỉ phù hợp với những gì họ nói. Những tín hiệu phi ngôn ngữ của họ phản ánh sự chân thành và sự quan tâm thực sự của họ đối với cuộc trò chuyện.
Dưới đây là một số tín hiệu phi ngôn ngữ giúp bạn nhận ra sự chân thành hoặc thiếu chân thành của ai đó:
Cử chỉ gượng ép hoặc phóng đại.
Thiếu giao tiếp bằng mắt.
Ngôn ngữ cơ thể căng thẳng hoặc cứng nhắc.
Giọng thay đổi, cao độ không nhất quán.
Một số người không thành thật rất biết cách che giấu ngôn ngữ cơ thể tiêu cực của họ nhưng việc để ý đến ngôn ngữ cơ thể của họ có thể giúp bạn phân biệt đâu là chân thành thật, đâu chỉ là giả dối.
6. Họ đối xử tôn trọng với mọi người
Một dấu hiệu khác giúp bạn dễ dàng phân biệt người tốt với người xấu là cách họ đối xử với người khác. Nếu bạn thấy ai đó đối xử tôn trọng với mọi người, bất kể địa vị là gì hay có thể đạt được gì từ mối quan hệ thì điều đó chứng tỏ họ rất thật thà và chân thành.
7. Họ đáng tin cậy
Những người chân thành vốn đã đáng tin cậy. Họ tôn trọng tính bảo mật của thông tin bạn chia sẻ với họ và tôn trọng sự tin tưởng mà bạn đã đặt vào họ. Họ sẽ không vì lý do gì mà lan truyền tin đồn hoặc tiết lộ những chi tiết nhạy cảm khi chưa được phép.
8. Họ nói ít làm nhiều
Nói thì dễ, làm mới khó. Những người chân thành rất hiểu điều này và lời nói của họ luôn đi đôi với hành động. Họ sẽ không vì lý do gì mà đưa ra những lời hứa suông. Thay vào đó, họ sẽ nỗ lực để thực hiện những gì mình đã nói.
9. Họ để ý tới ảnh hưởng lời nói và hành động của mình
Những người chân thành hiểu được tác động sâu sắc mà lời nói và hành động của họ có thể gây ra cho người khác. Vì vậy, họ có ý thức để ý đến điều đó.
Họ có mức độ đồng cảm và trí tuệ cảm xúc cao. Họ nhận ra và hiểu cảm xúc của người khác để điều hướng các tương tác sao cho phù hợp hơn. Người chân thành sẽ cẩn thận lựa chọn những từ ngữ của mình và dành thời gian để suy nghĩ về tác động bản thân có thể gây ra, thực hiện các điều chỉnh cần thiết để đảm bảo rằng thông điệp của họ được truyền tải một cách tôn trọng và có ý nghĩa. Họ tránh có các hành động hoặc lời nói có thể khiến ai đó tổn thương hay khó chịu. Trong khi đó, những kẻ giả tạo không quan tâm đến những điều như vậy.
10. Họ thể hiện sự khiêm tốn
Có thể nói rằng một người khiêm tốn và trung thực sẽ ít có khả năng tham gia vào các cuộc trò chuyện thiếu chân thành. Khoe khoang về thành tích của mình, khao khát tìm kiếm sự chú ý không phải là phương thức hoạt động của họ.
Một người không chân thành có thể tỏ ra khiêm tốn để lấy lòng tin hoặc thao túng người khác. Hình thức khiêm tốn giả tạo này được họ sử dụng để che giấu ý định thực sự của mình. Trong khi đó, những người khiêm tốn thực sự sống không cần phải diễn. Họ biết mình là ai và ở đâu trong thế giới này.
Hãy nhớ rằng, khi đánh giá sự chân thành của ai đó, bạn phải xem xét dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm tính nhất quán, bối cảnh và đánh giá cá nhân.