3 sai lầm phổ biến khiến bạn càng tiết kiệm lại càng túng thiếu

Bảo Anh. - Ngày 18/11/2020 12:10 PM (GMT+7)

Điều quan trọng hơn không phải thu nhập của bạn là bao nhiêu mà bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền. Hãy nhớ rằng tiết kiệm tiền không phải là một kỹ năng bẩm sinh mà cần được trau dồi qua năm tháng. Tránh ngay 3 sai lầm phổ biến sau đây để có tài chính vững vàng hơn.

Không có hoặc đặt sai kế hoạch tiết kiệm

3 sai lầm phổ biến khiến bạn càng tiết kiệm lại càng túng thiếu - 1

Bạn luôn miệng hô quyết tâm sẽ phải tiết kiệm nhưng bạn có thực sự biết mình muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền mỗi tháng, trong bao lâu sẽ đạt được mục đích gì và sẽ tăng tỷ lệ tiết kiệm sau bao lâu không?

Đây thực sự là một câu hỏi mà bạn cần có câu trả lời rõ ràng nếu muốn tiết kiệm hiệu quả. Rất nhiều người biết về lợi ích của tiết kiệm, biết bản thân cần hành động nhưng lại để thời gian trôi qua không thực sự suy nghĩ về khoản tiết kiệm đó. Bỗng một ngày, khi vô tình chạm trán hai chữ “tiết kiệm” kia, họ giật mình vì sao tài khoản tiết kiệm của mình vẫn “ốm” thế.

Bước đầu tiên trong việc tiết kiệm mà nhiều người vẫn bỏ qua chính là suy nghĩ về các mục tiêu tài chính của bạn và xác định số tiền mà bạn cần tiết kiệm mỗi tháng để đạt được mục tiêu đó. Sau đó, lên kế hoạch tiết kiệm sát với thực tế và cam kết sẽ thực hiện đúng với những gì đã đề ra.

Ví dụ bạn muốn mua nhà trong 10 năm nữa, đừng để thời gian trôi qua lãng phí mà hãy cầm bút lên để tính toán ngay hôm nay. Dự tính về giá của căn nhà bạn muốn sở hữu và chia tỷ lệ tiết kiệm phù hợp theo từng năm để chốt con số cuối cùng mình cần tiết kiệm được mỗi tháng.

Lên kế hoạch tiết kiệm phù hợp, sát với thực tế sẽ giúp bạn dễ dàng theo sát và đạt được mục tiêu của mình. Tuy nhiên, nhiều người có lên kế hoạch nhưng vẫn tiết kiệm thất bại do mọi thứ bạn đều tưởng tượng trong điều kiện tốt nhất.

Bạn tính toán rằng mỗi tháng mình thu về 10 triệu, chi cho ăn, ở, đi lại 5 triệu, còn lại sẽ tiết kiệm được cả 5 triệu. Mọi chuyện có vẻ ổn trong tháng đầu tiên nhưng ngay ở tháng sau, bạn đã không thể thực hiện được do phát sinh đám cưới, bản thân cũng ốm vài ngày phải đi khám.

Khi đặt mục tiêu tiết kiệm, dù là với bất kỳ mục tiêu gì, hãy luôn nhớ đến các yếu tố như tuổi tác, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân, những việc có thể phát sinh… Kế hoạch tiết kiệm không thực tế sẽ khiến bạn nhanh chóng nản lòng và từ bỏ việc tiết kiệm.

Mua đồ rẻ để tiết kiệm, mua vì giảm giá

3 sai lầm phổ biến khiến bạn càng tiết kiệm lại càng túng thiếu - 2

Nhiều người có suy nghĩ sai lầm rằng tiết kiệm đồng nghĩa với việc bạn cần mua sắm những sản phẩm có giá rẻ nhất. Dù điều này đôi khi sẽ có hiệu quả song chìa khóa thực sự để bạn tiết kiệm tiền chính là học cách mua sản phẩm có giá trị tốt nhất. Việc mua những sản phẩm có giá rẻ nhưng nhanh hỏng, chỉ dùng được 1 năm là phải thay mới hoặc sửa chữa sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc bạn đầu tư một lần cho sản phẩm chất lượng tốt.

Với tất cả các sản phẩm như quần áo, đồ dùng trong nhà hay ngay cả thực phẩm, bạn đều nên áp dụng quy tắc này. Ví dụ thay vì mua một loại ngũ cốc rẻ tiền nhưng ít dinh dưỡng và nhiều đường, hãy lựa chọn một loại có giá nhỉnh hơn nhưng đem lại lợi ích cho sức khỏe của bạn.

Bên cạnh đó, nhiều khi điều thôi thúc bạn mua một sản phẩm không phải bởi nhu cầu cần thiết mà bởi dòng chữ “Giảm giá”, “Khuyến mãi lớn”… Ngay cả những người chi tiêu tiết kiệm nhất cũng có thể trở nên mê mẩn khi nhìn thấy con số “giảm 50%”.

Hãy giữ tỉnh táo để suy nghĩ rằng, liệu mình có thực sự cần sản phẩm đó không. Điều này không có nghĩa rằng bạn nên hoàn toàn tránh xa những dịp giảm giá hay sản phẩm có giá rẻ mà với đồng tiền chi ra, bạn cần nhận về thứ có thể hữu ích cho mình.

Khi nghĩ về mua sắm, để học cách tiết kiệm, hãy mua sắm theo đúng giá trị. Giá cả chỉ là một yếu tố mà bạn cần xem xét khi mua hàng. Các yếu tố quan trọng khác bao gồm thời gian sử dụng của mặt hàng đó, các thông tin bảo hành đi kèm, tần suất bạn sử dụng. Học được cách mua sắm theo giá trị hơn là giá cả sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền tính về lâu dài.

Ngừng chi tiêu

3 sai lầm phổ biến khiến bạn càng tiết kiệm lại càng túng thiếu - 3

Một sai lầm chính mà nhiều người mắc phải khi tiết kiệm chính là họ ngừng chi tiêu. Nghe qua thì đây có vẻ như là cách rõ ràng nhất để bạn có thể tiết kiệm tiền, tuy nhiên xét về lâu dài, không tiêu tiền có thể đồng nghĩa với việc bạn phải chi trả thêm.

Tiết kiệm không có nghĩa là dừng chi tiêu mà là chi tiêu một cách hợp lý. Bạn nên ngừng chi tiêu cho những thứ không cần thiết, không phải ngừng chi tiêu cho việc duy trì nhu cầu cơ bản, khoản dự phòng, chăm sóc sức khỏe.

Bạn thấy khoản tiền chi cho khám sức khỏe định kỳ hay đến nha sĩ 6 tháng/lần thật phí phạm vì nhiều lần đi kết quả đều bình thường? Bạn cho rằng đó là khoản lãng phí và quyết định cắt bỏ hoàn toàn khi cần tiết kiệm. Tuy nhiên điều này có thể đẩy bạn rơi vào tình cảnh phát hiện vấn đề khi bệnh đã nặng, không chỉ tốn kém tiền bạc chữa trị mà còn hao tổn sức khỏe bản thân trong khi đó hoàn toàn là bệnh có thể phát hiện sớm và điều trị đơn giản.

Bên cạnh đó, việc ép bản thân ngừng chi tiêu, vào một chế độ tài chính quá hà khắc cũng giống như khi bạn giảm cân, có thể khiến bạn một ngày cảm thấy quá áp lực và quyết định dừng lại tất cả. Sau đó bạn sẽ lao vào chi tiêu, mua sắm như để thõa mãn, bù đắp cho khoảng thời gian quá khó khăn trước đó.

Lương 7 triệu vẫn mua được nhà nhờ học nguyên tắc chia 5 của tỷ phú Lý Gia Thành
Đừng bận tâm tới quần áo bên ngoài. Thay vì mua nhiều bộ đồ, hãy chọn cho mình một vài thứ thật tốt để mặc.
Bảo Anh.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết chi tiêu