Khi trò chuyện, 4 mẹo tâm lý này sẽ phát huy tác dụng, giúp bạn trở nên thuyết phục hơn, có được điều mình muốn.
Bạn đang trò chuyện với đồng nghiệp, nhân viên, cấp trên, khách hàng hoặc thậm chí có thể là vợ/chồng của bạn. Có điều gì đó bạn muốn người kia làm, đồng ý hoặc nhớ?
Điều thú vị là có một số thủ thuật tâm lý đơn giản sẽ làm tăng khả năng bạn đạt được điều mình muốn. Dưới đây là những đúc kết của Travis Bradberry, tác giả cuốn “Trí tuệ cảm xúc 2.0” về cách bạn có thể ảnh hưởng đến người khác.
1. Nếu bạn muốn ai đó thích bạn
Hãy yêu cầu người đó giúp đỡ. Bạn có thể nghĩ rằng mọi người sẽ thích bạn nếu bạn giúp đỡ họ nhưng đây là những gì sẽ xảy ra khi ai đó giúp đỡ bạn, theo Bradberry: “Họ sẽ vô thức tự nhủ rằng họ hẳn phải thích bạn hoặc bạn phải là bạn của họ thì họ mới cố gắng giúp đỡ bạn. Thêm vào đó, khi bạn yêu cầu ai đó giúp đỡ bạn một tay, bạn đang thể hiện sự tin tưởng, cho họ thấy điểm yếu của mình và điều này cũng sẽ có xu hướng khiến mọi người thích bạn”.
Để thực hiện thủ thuật tâm lý này, hãy cố gắng đưa ra yêu cầu giúp đỡ nào đó mà bạn khá chắc chắn rằng họ sẽ đồng ý làm bởi nếu họ từ chối bạn, điều đó có thể gây hại đến mối quan hệ giữa hai người. Và nếu ai đó đề nghị giúp đỡ bạn, đừng từ chối họ và nhớ dù kết quả thế nào, họ giúp ích được cho bạn ra sao, đừng quên nói lời cảm ơn họ.
2. Nếu bạn muốn ai đó nói với bạn nhiều hơn
Có thể đối phương đã nói với bạn điều gì đó, nhưng bạn cảm nhận rằng dường như có điều gì đó đang ngăn cản họ chia sẻ tiếp. Cũng có thể bạn đã đặt 1 câu hỏi và câu trả lời được nhận lại khá chậm hoặc không đầy đủ. Trong những trường hợp như này, một chiến thuật hiệu quả đáng ngạc nhiên chính là đừng nói gì cả trong một vài giây.
Thủ thuật này đã được nhiều nhà tuyển dụng sử dụng trong quá trình phỏng vấn ứng viên. Khi đặt ra một câu hỏi, họ sẽ nhận được câu trả lời của ứng viên nhưng khá ngắn và chưa đầy đủ thông tin. Lúc này, họ chỉ đơn giản là dừng lại trong giây lát và điều đáng ngạc nhiên là sự im lặng trong vài giây đó dường như khiến đối phương cảm thấy bối rối và sẽ tiếp tục nói thêm điều gì đó. Đôi khi, đó chính là điều mà ứng viên định không nói.
3. Nếu bạn muốn ai đó đồng ý với mình
Hãy gật đầu. Bradberry viết rằng: “Khi bạn gật đầu trong lúc nói, bạn đang truyền đi thông điệp rằng những gì bạn đang nói là đúng và mọi người có xu hướng dễ đồng ý với bạn hơn. Không chỉ vậy, hầu hết mọi người đều có xu hướng vô thức phản chiếu người mà họ đang trò chuyện cùng. Điều đó có nghĩa là nếu bạn đang gật đầu, họ cũng sẽ gật đầu theo”.
Sự phản chiếu này cũng đúng theo nhiều cách khác như nếu bạn bày tỏ sự nhiệt tình và hào hứng về điều gì đó, người đang nói chuyện với bạn cũng sẽ có xu hướng làm như vậy.
Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng bản thân bạn đang phản chiếu người đối diện một cách tinh tế, khéo léo. Điều này sẽ khiến đối phương dễ thiện cảm và tin tưởng bạn hơn. Đó có thể là việc bạn “bắt chước” họ cách vắt chân, cử chỉ tay hoặc biểu cảm... Quan trọng là đừng làm chúng một cách thô lỗ, khiến bạn trông như một chú khỉ vậy.
4. Nếu bạn muốn ai đó nhớ điều gì
Hãy dừng lại trước khi đi đến cái kết. Bradberry viết rằng một số nhà quảng cáo cố tình cắt đoạn quảng cáo của họ trước khi chúng kết thúc vì điều đó khiến chúng trở nên đáng nhớ hơn. Cách này cũng giống như việc bạn chỉ nghe một phần của bài hát, bạn sẽ ấn tượng và nhớ lâu hơn so với việc nghe toàn bộ bài.
Vì vậy, hãy truyền đi thông điệp về điều quan trọng đầu tiên, điều quan trọng thứ 2 và dường như khi sắp nói đến điều quan trọng thứ ba thì hãy dừng lại để đi lấy một món đồ đã quên hoặc bất kỳ thứ nào đó. Tất nhiên, bạn cần làm điều này một cách khéo léo.
Cảm giác tò mò về việc thiếu điều thứ ba sẽ giữ 2 điều đầu tiên của bạn trong tâm trí người nghe tốt hơn nhiều so với việc bạn nói ra hết cả 3 điều.