7 câu nói tưởng lịch sự mà khiến bạn trở nên thô lỗ, mất điểm trong giao tiếp

Bảo Anh. - Ngày 02/04/2024 23:35 PM (GMT+7)

Có một ranh giới mong manh giữa việc lịch sự và vô tình thô lỗ. Đôi khi, những câu nói chúng ta coi là lịch sự hoặc thiện chí có thể bị coi là xúc phạm hoặc trịch thượng. Nhớ rằng, vấn đề không phải là bạn nói gì mà là bạn nói như thế nào.

1. “Trông bạn có vẻ mệt mỏi”

Chúng ta thường nói câu này để thể hiện sự quan tâm hoặc đồng cảm, nhưng nó có thể gây hại nhiều hơn là có lợi. Câu nói này gửi đi thông điệp rằng ai đó trông mệt mỏi, không được khỏe hoặc hôm nay trông khác quá. Dù mục đích có thể là bày tỏ sự lo lắng hoặc quan tâm nhưng nó có thể dễ dàng trở thành một nhận xét tiêu cực về ngoại hình của người mà bạn nói.

Chúng ta thường muốn trông và cảm thấy tốt nhất, đặc biệt là trong môi trường xã hội hoặc nghề nghiệp. Vì vậy, khi bạn nói với ai đó rằng họ trông mệt mỏi, điều đó có thể khiến họ cảm thấy tự ti hoặc lo lắng về ngoại hình của mình.

Có một cách tốt hơn để bạn bày tỏ sự quan tâm của mình mà không vô tình tỏ ra thô lỗ như đặt ra câu hỏi: "Bạn khỏe không?" hoặc “Mọi chuyện ổn chứ?” Bằng cách này, bạn đang cho đối phương cơ hội chia sẻ nếu họ gặp phải bất kỳ rắc rối nào mà không khiến họ cảm thấy bị đánh giá về vẻ ngoài. 

2. “Tôi không có ý xúc phạm gì đâu, nhưng…”

7 câu nói tưởng lịch sự mà khiến bạn trở nên thô lỗ, mất điểm trong giao tiếp - 1

“Tôi không có ý xúc phạm gì đâu, nhưng…” thường được sử dụng như một cách để làm dịu đi nội dung sau đó, giảm đi sự khó chịu mà nó có thể gây ra. Thường thì những gì tiếp theo của câu nói thường mang tính xúc phạm hoặc chỉ trích và khi bạn nói câu trên, đối phương có thể hiểu rằng bạn muốn nói bất cứ điều gì mình muốn mà không cần quan tâm đến cảm xúc của người nghe. 

Nếu bạn thực sự muốn đưa ra phản hồi hoặc bày tỏ ý kiến mà không thô lỗ, hãy thẳng thắn và ân cần trong cách tiếp cận của mình. Thay vì nói “Tôi không có ý xúc phạm gì đâu, nhưng…” bạn có thể nói “Tôi hy vọng điều này không làm bạn khó chịu, nhưng tôi có một số phản hồi…” Sự thay đổi nhỏ này có thể tạo nên khác biệt trong các tình huống giao tiếp.

3. “Tôi không có ý ngắt lời, nhưng…”

Có một nguyên tắc chung trong các cuộc trò chuyện rằng nếu bạn nói bạn không làm điều gì đó thì có lẽ bạn đang làm chính điều đó. Câu nói “Tôi không có ý ngắt lời, nhưng…” cũng có ý nghĩa như vậy. Bằng cách nói điều này, bạn thừa nhận mình đang ngắt lời người nói và điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng. Nó tạo ấn tượng rằng những gì bạn sắp nói quan trọng hơn những gì người khác đang nói.

Thay vì nói như vậy, bạn có thể tiếp cận một cách lịch sự hơn là chờ cuộc trò chuyện tạm dừng trước khi nói lên suy nghĩ của bạn. Nếu bạn có việc quan trọng thực sự cần xen vào, một câu “xin lỗi” chân thành là đủ. Quá trình giao tiếp tốt bao gồm cả nói và nghe. Khi bạn lưu ý đến thời điểm và cách mình đóng góp vào cuộc trò chuyện, bạn đang hiện sự tôn trọng người khác và ý kiến ​​của họ.

4. “Bạn đã giảm cân à”

Bạn nói ra câu này với ý khen ngợi nhưng nó có thể vô tình gây ra sự khó chịu hoặc đau khổ cho người nghe. Đầu tiên, câu nói này có thể ngụ ý rằng đối phương trước khi giảm cân trông kém hấp dẫn hơn, gây tổn hại đến lòng tự trọng của họ. Nó cũng cho thấy giảm cân là mục tiêu mà họ phấn đấu và điều này có thể không đúng.

Hơn nữa, câu nói này có thể đặc biệt gây tổn thương cho những người đang phải vật lộn với các vấn đề về hình thể hoặc rối loạn ăn uống. Những gì bạn thấy tích cực có thể là kết quả của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc những ành vi không lành mạnh.

Thay vì bình luận về ngoại hình của ai đó, hãy thử khen họ về điều gì đó trong tầm kiểm soát như phong cách, công việc hoặc lòng tốt của họ. Suy cho cùng, vẻ đẹp thực sự đến từ bên trong và đã đến lúc chúng ta bắt đầu nhận ra, trân trọng điều đó. 

5. “Đùa thôi mà”

7 câu nói tưởng lịch sự mà khiến bạn trở nên thô lỗ, mất điểm trong giao tiếp - 2

Sự hài hước có thể là một cách tuyệt vời để xoa dịu tâm trạng và gắn kết mọi người lại với nhau. Nhưng đôi khi, điều người này thấy buồn cười có thể gây tổn thương cho người khác.

Câu nói “Đùa thôi mà” thường được sử dụng như một cách phòng vệ để làm chệch hướng những lời chỉ trích hoặc tránh chịu trách nhiệm về một bình luận xúc phạm. Đã đến lúc bạn nên đánh giá lại khiếu hài hước của mình. Sự hài hước đích thực không làm tổn hại đến cảm xúc của người khác. Nếu ai đó nói với bạn rằng họ bị tổn thương bởi trò đùa của bạn, phản ứng đúng đắn là xin lỗi thay vì gạt bỏ cảm xúc của họ.

6. "Bình tĩnh nào”

Trong một số trường hợp, việc bạn yêu cầu ai đó “bình tĩnh” trong lúc nóng nảy có nhiều khả năng khiến tình hình leo thang thay vì giải tỏa. Người nghe có thể hiểu rằng bạn coi phản ứng của họ là không phù hợp, đang bị thổi phồng quá mức.

Vì vậy, thay vì bảo ai đó bình tĩnh lại, hãy thử thừa nhận cảm xúc của họ và thể hiện sự đồng cảm của mình. Bạn có thể nói “Tôi thấy bạn đang buồn” hoặc “Hãy dành một chút thời gian để bình tĩnh suy nghĩ” hữu ích hơn trong việc xoa dịu tình huống căng thẳng.

Nhớ rằng, mọi người đều có quyền bày tỏ cảm xúc của mình và chúng ta không có quyền ra lệnh cho ai đó nên phản ứng như thế nào. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc tạo ra một không gian an toàn để các giao tiếp cởi mở và tôn trọng hơn. 

7. “Bạn đang phản ứng thái quá đấy!”

7 câu nói tưởng lịch sự mà khiến bạn trở nên thô lỗ, mất điểm trong giao tiếp - 3

Nói với ai đó rằng họ đang phản ứng thái quá có thể gây tổn thương nghiêm trọng với người đang bộc lộc cảm xúc của mình. Người nghe dễ cảm thấy phản ứng của họ là không chính đáng hoặc thái quá, họ đang bị gạt đi hoặc coi thường.

Thay vào đó, hãy cố gắng hiểu người đối diện bạn hơn và xác nhận cảm xúc của họ. Mỗi người trong số chúng ta trải nghiệm mọi thứ theo cách khác nhau và những gì có vẻ tầm thường với bạn có thể có ý nghĩa quan trọng đối với người khác. Vì vậy, hãy cố gắng đạt được sự đồng cảm và thấu hiểu trong các cuộc trò chuyện thay vì phán xét hay gạt đi. 

9 câu nói chứng tỏ bạn có kỹ năng giao tiếp đáng ngưỡng mộ
Người có kỹ năng giao tiếp tốt có thể truyền đạt quan điểm của mình một cách rõ ràng và hiệu quả, khiến người khác cảm thấy được lắng nghe, thấu hiểu...

Tư duy thông minh

Theo Bảo Anh.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư duy thông minh