Những chiến lược chi tiêu thông minh này sẽ giúp bạn chi tiêu thận trọng hơn, tránh vung tiền vào những khoản không cần thiết, khiến bản thân hối hận khi nhìn số dư tài khoản ngân hàng.
1. Tránh xa cám dỗ
Nếu bạn biết mình là người có xu hướng tiêu xài hoang phí cho những thứ không cần thiết, đừng tự cám dỗ bản thân bằng việc tới các trung tâm mua sắm, cửa hàng khi cần giải trí. Việc lang thang không mục đích trong những nơi này sẽ dễ khiến bạn chi tiêu cho thứ không cần thiết. Hãy tránh điều này bằng cách lựa chọn những cách thư giãn thay thế, vẫn đảm bảo vui vẻ mà không tốn kém như: đi dạo trong công viên, tới viện, trò chuyện cùng bạn bè…
Nhớ rằng, cách dễ nhất để ngăn bản thân mua những thứ mình không cần là tránh hoàn toàn sự cám dỗ.
Nếu bạn phải tới trung tâm có việc, hãy đi qua những con đường nhiều dân cư sinh sống thay vì con đường bình thường bạn vẫn đi với hàng quán hấp dẫn hai bên. Nếu bạn phải tới siêu thị một chuyến, hãy lên danh sách trước những đồ cần mua và bám sát danh sách đó. Bạn cũng có thể mua hàng trực tuyến theo danh sách đó để đảm bảo không phải đi qua những lối đi đầy cám dỗ.
2. Biết mình đang có gì
Chúng ta thường có xu hướng mua nhiều hơn những gì mình cần thiết. Tình trạng mua những thứ gần giống nhau hay cố mua thứ này, thứ kia để trông hợp với thứ mình đang có là điều khá phổ biến.
Khi bạn có quá nhiều, thật khó để biết bạn đã có những gì.
Trước khi định mua một thứ gì đó, hãy xem bạn đang có những gì trong tất cả những chiếc tủ, ngăn kéo và kho chứa ở nhà. Bạn có thể sẽ nhận ra thứ mình định mua vốn đã nằm trong góc tủ từ cả năm trước mà không dùng đến. Sự thật là bạn cũng không cần mua nhiều đến vậy để khiến căn phòng của mình trở nên đẹp hơn. Có thể những gì bạn cần làm là bớt đi, không phải mua thêm. Khi bạn biết mình đang có rất nhiều thứ, bạn sẽ hạn chế được tâm lý phải mua thêm.
3. Thực hành lòng biết ơn
Hãy thực hành chánh niệm và lòng biết ơn đối với mọi thứ trong cuộc sống của bạn như những mối quan hệ có được, kinh nghiệm sống, cơ hội phát triển… Dành thời gian để chiêm nghiệm nhiều hơn về cuộc sống và nói lời cảm ơn vì những nềm vui đơn giản nhất như chiếc bánh được người hàng xóm cho hay cơn mưa giải nhiệt ngày hè có thể giúp bạn tạo ra một tư duy dồi dào, là liều thuốc giải độc mạnh mẽ cho việc mua sắm bốc đồng và bội chi.
Khi bạn cảm thấy trong mình tràn đầy lòng biết ơn, bạn sẽ ít coi việc chi tiêu như một công cụ để lấp đầy khoảng trống cảm xúc. Thật khó để cảm thấy trống rỗng khi bạn biết ơn vì những gì mình đang có.
4. Lọc hòm thư
Nếu xu hướng của bạn là chi tiêu quá mức, bạn có nghĩ rằng những email quảng cáo, giới thiệu các chương trình giảm giá mới nhất của các cửa hàng và điểm đến du lịch yêu thích có lợi cho mục tiêu chi tiêu thông minh hơn của bạn không?
Hãy hủy đăng ký các bản tin đó và thay thế bằng việc theo dõi các nội dung tích cực, truyền cảm hứng hơn. Việc điều chỉnh hộp thư đến của bạn phù hợp với những gì bạn muốn đạt được với ngân sách của mình sẽ giúp bạn đến ngày càng gần hơn với điều mình muốn.
5. Chính sách 24 giờ
Bạn có biết cảm giác phải chờ đợi khi đang xem dở một tập phim không? Chắc chắn là bạn rất muốn vào xem ngay tập tiếp theo phải không? Tuy nhiên, nếu bạn quyết tâm tắt tập phim đó đi và làm việc khác, bạn sẽ thấy sự thôi thúc kia đã tan biến từ bao giờ. Bạn sẽ nhanh chóng bị cuốn vào một công việc khác.
Cám dỗ mua hàng với bạn lớn thế nào? Bạn còn nhớ cảm giác rất muốn mua một thứ nào đó gần đây không? Điều thú vị là bạn hoàn toàn có thể thoát khỏi những thôi thúc phải mua hàng đó chỉ với chính sách 24 giờ.
Hãy thiết lập cho mình thói quen chờ 24 giờ đối với bất kỳ giao dịch nào muốn mua. Sự thật là đa phần các trường hợp bạn sẽ cảm thấy những cảm giác muốn mua kia đã biến mất. Sau một khoảng thời gian chờ, bạn nhận ra sản phẩm đó không cần thiết với mình và bản thân không thực sự thích đến vậy.
Điều quan trọng là hãy kéo dài quá trình mua hàng cho đến khi bạn đủ bình tĩnh để suy nghĩ về sự cần thiết của sản phẩm đó cũng như đủ thời gian để tìm hiểu nhiều hơn về các đánh giá.
6. So sánh với thu nhập
Đây luôn là một trong những chiến lược tỉnh táo và hiệu quả nhất mà bạn có thể dùng để ngừng mua những thứ không cần thiết. Khi bạn nhìn thấy một món hàng đó và cảm thấy rất muốn mua, hãy tính toán một chút xem bạn sẽ mất bao nhiêu giờ làm việc để kiếm được số tiền đó.
Nếu bạn phải làm việc vất vả để kiếm được 30 nghìn đồng mỗi giờ, thay vì hỏi chiếc váy giá 300 nghìn đồng này có đáng không, hãy hỏi liệu nó có đáng để bạn làm việc vất vả trong 10 giờ đồng hồ?
Thời gian là điều không thể lấy lại, chính bởi vậy hãy cân nhắc xem liệu nó có xứng đáng với sự lao động của bạn hay không.
7. Để công nghệ giúp sức
Hãy tưởng tượng bạn có một thiết bị đo lượng calo ngay trong túi khi đang hướng tới mục tiêu giảm cân. Bạn có thể sử dụng nó ngay trong những khoảnh khắc bị cám dỗ. Thiết bị này sẽ giúp bạn biết mình nên chọn một đĩa hoa quả tráng miệng hay một miếng bánh socola đầy kem. Những con số về lượng calo cung cấp sẽ giúp bạn dễ nói không với ham muốn hiện tại của mình.
Một ứng dụng theo dõi chi tiêu sẽ giúp bạn có trách nhiệm hơn với mục tiêu tiền bạc của mình. Ngay khi thấy mình bị cám dỗ mua hàng, bạn có thể nhanh chóng mở điện thoại để xem liệu khoản chi bạn đang cân nhắc sẽ đưa bạn đến gần hơn hay đẩy bạn ra xa hơn những gì bạn muốn đạt được.
8. Cụ thể hoá mục tiêu, đặt ở nơi dễ thấy
Bạn muốn tiết kiệm 100 triệu trong năm nay? Nghỉ hưu trước 10 năm và làm những điều mà bấy lâu mình vẫn muốn? Đừng để những mục tiêu đó chỉ dừng lại ở mức tồn tại trong trí tưởng tượng. Bạn sẽ rất dễ “mất liên lạc” với mục tiêu khi bạn không thấy nó.
Để giữ mục tiêu luôn trong tầm mắt bạn, tránh việc quên đi mà chi tiêu phóng tay, hãy viết chúng ra và để ở nơi dễ thấy nhất. Bạn có thể để hình căn nhà mơ ước làm hình nền điện thoại hoặc dán hình của con quanh thẻ tín dụng để luôn nhớ tới mục tiêu dành cho con cái.
Bất cứ điều gì có ý nghĩa với bạn và thúc đẩy bạn tiết kiệm hơn, hãy làm cho nó trở nên trực quan và khiến bạn nhìn thấy mỗi ngày, đặc biệt là trong những khoảnh khắc bị cám dỗ.