Những người trưởng thành về mặt cảm xúc dường như luôn dễ dàng hiểu được các quy tắc để điều hướng các tình huống xã hội. Họ biết rằng việc tuân theo những quy tắc bất thành văn này sẽ giúp mối quan hệ phát triển tốt hơn và cuộc sống nhìn chung sẽ suôn sẻ hơn.
1. Lắng nghe trước khi nói
Tất cả chúng ta đều biết những người luôn nóng lòng chờ đến lượt mình được nói nhưng những người trưởng thành về mặt cảm xúc đều biết tầm quan trọng của việc lắng nghe. Lắng nghe không có nghĩa là ngồi im lặng chờ cơ hội để nói mà là thực sự cố gắng hiểu quan điểm của người khác.
Những người trưởng thành về mặt cảm xúc thực hành việc lắng nghe tích cực. Họ không ngắt lời mà đặt ra câu hỏi để làm rõ hơn câu chuyện của đối phương, thể hiện sự đồng cảm với người nói. Họ hiểu rằng mỗi cuộc trò chuyện là một cơ hội để học hỏi điều mới mẻ. Đó là lý do nỗ lực một cách có ý thức để lắng nghe trước khi nói.
Cách tiếp cận này không chỉ giúp họ hiểu sâu sắc hơn về những người xung quanh mà còn giúp họ xây dựng niềm tin và mối quan hệ. Tất cả chúng ta đều thích cảm giác được lắng nghe. Hãy bắt đầu thay đổi nhỏ này từ ngay hôm nay và xem các mối quan hệ của bạn phát triển thế nào.
2. Tôn trọng ranh giới cá nhân
Tôn trọng ranh giới cá nhân là một phần thiết yếu của sự trưởng thành về mặt cảm xúc. Ở bên cạnh ai đó không có nghĩa là xâm phạm không gian cá nhân của họ hay cố gắng giải quyết vấn đề của họ. Nó có nghĩa là chúng ta nên cung cấp sự hỗ trợ khi cần thiết và tôn trọng quyền tự chủ của họ.
Những người trưởng thành về mặt cảm xúc hiểu rõ điều này. Họ biết khi nào nên bước vào và khi nào nên lùi lại, luôn quan tâm đến ranh giới của người khác. Đây thực sự là một điều đáng học hỏi.
3. Thoải mái với sự im lặng
Thực tế là sự im lặng khiến nhiều người cảm thấy không thoải mái. Họ thấy mình cần "điền vào chỗ trống" vì nếu không làm vậy, mọi thứ sẽ trở nên lúng túng. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy sự im lặng thực sự có thể nâng cao hiểu biết và thúc đẩy khả năng sáng tạo của chúng ta.
Những người trưởng thành về mặt cảm xúc cảm thấy thoải mái với sự im lặng. Họ hiểu rằng không phải khoảng thời gian tạm dừng nào cũng cần lấp đầy bởi những câu chuyện phiếm. Đôi khi, sự im lặng có thể mang lại khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết để suy ngẫm hoặc đơn giản là để trân trọng hơn khoảnh khắc hiện tại.
Cho dù đó là khoảng thời gian tạm lắng trong cuộc trò chuyện, khoảnh khắc yên tĩnh một mình hay khoảng dừng trong một ngày bận rộn, những người trưởng thành về mặt cảm xúc sẽ tận hưởng sự im lặng thay vì vội vàng lấp đầy nó.
4. Đưa ra lời khen chân thành
Khen ngợi là một nghệ thuật và những người trưởng thành về mặt cảm xúc biết cách làm chủ nghệ thuật này. Họ hiểu sức mạnh của một lời khen chân thành và sẽ sử dụng nó để nâng đỡ người khác.
Những người trưởng thành về mặt cảm xúc không đưa ra lời khen để lôi kéo ai đó hay phục vụ mục đích riêng. Họ khen ngợi người khác vì họ thực sự đánh giá cao điều gì đó ở đối phương.
Chìa khóa của một lời khen tuyệt vời chính là tính cụ thể. Thay vì nói mơ hồ “Làm tốt lắm”, hãy thử nói điều gì đó như “Bài thuyết trình của bạn thực sự rành mạch, logic và hấp dẫn. Bạn đã làm rất tốt!"
Thói quen đơn giản này có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong các mối quan hệ của bạn, khiến người khác cảm thấy được nhìn nhận và đánh giá cao. Đây là điều tất cả chúng ta đều mong muốn.
5. Bày tỏ lòng biết ơn
Lòng biết ơn giống như một tia nắng nhỏ làm bừng sáng cả ngày của bạn cũng như ngày của người mà bạn biết ơn. Những người trưởng thành về mặt cảm xúc hiểu tầm quan trọng của việc nói lời cảm ơn. Họ không coi mọi thứ là đương nhiên mà ghi nhận nỗ lực người khác đã bỏ ra, bày tỏ sự đánh giá cao.
Bày tỏ lòng biết ơn không chỉ khiến người khác cảm thấy được trân trọng mà còn nhắc nhở chúng ta hãy dành sự chú tâm nhiều hơn đến những tấm lòng tốt xung quanh mình. Đó là một hành động đơn giản nhưng có tác dụng sâu sắc.
6. Chân thành xin lỗi khi sai
Việc xin lỗi khi bạn sai không phải lúc nào cũng dễ dàng. Cần phải có sự khiêm tốn và can đảm để thừa nhận sai lầm và nói lời xin lỗi, đặc biệt khi điều đó làm tổn thương lòng kiêu hãnh của bạn.
Những người trưởng thành về mặt cảm xúc hiểu tầm quan trọng của một lời xin lỗi chân thành. Họ không ngại nói lời xin lỗi khi mắc lỗi. Họ biết mọi người đều có lúc mắc sai lầm và việc thừa nhận chúng là bước đầu tiên để làm cho mọi việc trở nên đúng đắn.
Vì vậy, nếu bạn đã phạm sai lầm, hãy thừa nhận, xin lỗi một cách chân thành và rút kinh nghiệm. Đó là dấu hiệu của sức mạnh, không phải điểm yếu.
7. Tôn trọng những ý kiến khác nhau
Tất cả chúng ta đều có những ý tưởng và niềm tin của riêng mình. Những người trưởng thành về mặt cảm xúc hiểu và tôn trọng ý kiến của người khác, ngay cả khi họ không đồng tình với điều đó. Họ biết rằng mỗi người có những trải nghiệm và quan điểm riêng. Thay vì bác bỏ hay tranh cãi về những ý kiến khác nhau, họ lắng nghe để thấu hiểu và học hỏi.
Điều này không có nghĩa là họ đồng ý với mọi điều họ nghe được mà đánh giá cao sự cởi mở và xem mọi cuộc trò chuyện là cơ hội để mở rộng tầm nhìn. Tôn trọng những ý kiến khác nhau có nghĩa là thừa nhận sự đa dạng trong suy nghĩ và kinh nghiệm của con người. Điều này cho thấy mức độ trưởng thành về mặt cảm xúc, thúc đẩy sự hiểu biết và hòa hợp trong các mối quan hệ.
8. Thực hành sự đồng cảm
Trọng tâm của tất cả những quy tắc xã hội bất thành văn này nằm ở một nguyên tắc cơ bản là sự đồng cảm. Có thể hiểu và chia sẻ cảm xúc của người khác là dấu hiệu của sự trưởng thành về mặt cảm xúc.
Khi rèn luyện sự đồng cảm, chúng ta tạo ra những kết nối mạnh mẽ hơn, có ý nghĩa hơn với những người xung quanh. Chúng ta có thể hỗ trợ người khác tốt hơn khi họ cần và cùng họ ăn mừng khi chiến thắng. Khi chúng ta hiểu nhau, chúng ta sẽ làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.