Ngày về làm dâu, Ngân lo mẹ chồng sẽ khó chịu vì cô là người vụng về, chẳng biết tới nữ công gia chánh. Nỗi lo càng nhiều hơn khi bạn bè xung quanh cứ hay nhắc về những mối quan hệ cơm không lành, canh không ngọt của rất nhiều cặp mẹ chồng nàng dâu khác.
Mẹ Ngân mất năm Ngân chỉ mới vừa tròn 7 tuổi, còn đang là con bé học sinh lớp 2 ngây ngô và khờ khạo. Đám tang mẹ xong xuôi, hai bố con Ngân dắt díu nhau về ở với ông bà nội, phần vì công việc của bố khá bận rộn, ít có điều kiện để chăm con chu đáo, phần vì ông bà muốn bù đắp tình thương cho đứa cháu gái tội nghiệp của mình.
Ngân ở với ông bà sướng lắm, ông bà cưng chiều, chẳng bao giờ để Ngân động chân động tay vào bất cứ việc gì, hiếm lắm mới phải cầm cái chổi để quét nhà, cầm cái khăn để lau bộ bàn ghế… Cháu gái muốn ăn gì thì bà sẽ lập tức đi chợ mua đồ về nấu, cháu chỉ cần than mệt một tiếng là ông sẽ lo lắng vắt nước cam, nước chanh cho cháu bồi bổ…chính vì được cưng chiều như thế nên khi lớn lên, Ngân chẳng biết chút gì về nữ công gia chánh.
Ai cũng nói Ngân sướng vì chắng bao giờ phải động chân động tay vào việc nhà (ảnh minh họa)
Khi Ngân học đại học, đó cũng là lúc ông bà nội lần lượt về với tổ tiên, gia đình lúc ấy chỉ còn hai bố con. Biết Ngân vụng về, suốt ngày chỉ lo cắm đầu vào sách vở nên bố Ngân cũng chẳng nỡ bắt con làm gì. Một tuần hai bố con sẽ đi siêu thị một lần, sáng sáng bố sẽ là người dậy sớm nấu đồ ăn trong ngày rồi mới đi làm, Ngân đi học đi chơi về đói bụng thì sẽ có cái để ăn ngay.
Năm 23 tuổi, Ngân có người yêu. Phong là con trai lớn trong một gia đình có truyền thống nghề giáo. Ngày được Phong dẫn về ra mắt với bố mẹ, Ngân không khỏi lo lắng vì sợ mẹ người yêu sẽ không hài lòng về mình. Tất nhiên là Phong biết thừa cái sự vụng về của Ngân, nhưng anh chẳng vì thế mà lo lắng, Phong vẫn hay động viên Ngân rằng: “Mẹ anh hiền lắm, em không việc gì phải lo. Bây giờ mình chưa làm được thì mình học dần dần rồi sẽ làm được”.
Cho đến tận bây giờ, Ngân vẫn không thể nào quên được cái ngày hôm ấy, mẹ Phong phải bày cho một đứa con gái 23 tuổi cách lặt rau muống, chỉ cho Ngân biết cọng nào là non, cọng nào là già, hướng dẫn cho Ngân phân biệt đâu là thịt bò đâu là thịt heo…
Ngày hẹn gặp mấy đứa bạn đại học để mời đám cưới, Ngân đã bị tụi nó cho một bài thuyết giảng về chuyện mẹ chồng nàng dâu:
- Mày khổ rồi Ngân ơi, vụng về thế này mà lấy anh Phong con trai trưởng thì về nhà thể nào cũng bị mẹ chồng xét nét cho coi.
Ngân hoang mang:
- Tao thấy bác ấy cũng hiền, anh Phong cũng bảo thế mà. Với lại tao qua chơi nhiều lần, khi nào mẹ anh ấy cũng nhẹ nhàng chỉ dạy cho tao.
- Gớm, ông nào mà chẳng nói mẹ ông ấy hiền. Đó là mày mới chỉ là người yêu của con trai người ta thôi, chứ bây giờ mà về làm dâu thì sẽ khác nhé. Không lo học nấu ăn từ bây giờ thì chết thôi mày ạ.
Từ ngày hôm ấy, Ngân hay lui tới mấy kênh dạy nấu ăn trên youtube để học nấu những món ăn đơn giản hằng ngày, ấy thế mà vẫn thấy đồ ăn mình nấu sao nó nhạt nhẽo quá, hôm thì mặn, hôm thì ngọt, nói chung là có cố gắng lắm cũng chỉ ăn được một chút rồi đành bỏ đi. Hành trang về nhà chồng của Ngân có lẽ là một con số 0 tròn trĩnh.
Nhưng đó chỉ là chuyện của hai năm về trước mà thôi, Ngân bây giờ đã có thể tự tin nấu một bữa cơm hoàn chỉnh cho gia đình, dù chưa phải là quá xuất sắc. Ngân vẫn còn nhớ in lời mẹ chồng nói ngay từ ngày đầu tiên Ngân về làm dâu: “Con không biết làm thì mẹ sẽ dạy. Phụ nữ là phải biết nấu ăn, trước là để phục vụ mình, sau là để chăm lo cho chồng con, chưa kể đến lúc còn có khách khứa, bạn bè tới chơi nhà nữa”.
Từ hôm ấy, sáng nào Ngân cũng dậy sớm cùng mẹ chồng đi chợ. Khu chợ gần nhà bỗng biến thành lớp học, mẹ Phong lại được trở về làm một nhà giáo tận tụy và nhiệt tình. Mẹ chồng chỉ cho Ngân phân biệt các loại rau củ, thịt cá, hướng dẫn Ngân cách chọn đồ tươi ngon. Về đến nhà thì bà lại chỉ cho con dâu cách sơ chế, cách tẩm ướp gia vị, món nào phải đi chung với món nào thì mới dậy vị thơm ngon…
Mẹ chồng luôn tận tình chỉ dạy Ngân mà không bao giờ trách móc (ảnh minh họa)
Sau giờ đi làm ở công ty, Ngân lại nhanh chóng về nhà để phụ bếp cho mẹ. Bắt đầu là từ những món đơn giản như trứng chiên, canh rau, lâu dần là thịt kho, cá kho, canh chua, canh hầm… Mẹ chồng Ngân chưa bao giờ lên tiếng phàn nàn rằng con dâu vụng về, mỗi lần vào bếp bà đều hướng dẫn con một cách vui vẻ, con làm sai bà cũng không trách mắng mà chỉ nhẹ nhàng chỉ dạy lại để con không quên, bà cũng hết lời động viên mỗi khi con dâu làm thành công một món mới… gian bếp vì thế mà luôn rộn ràng tiếng cười.
Mỗi một ngày Ngân lại biết làm thêm một vài món mới, người chấm điểm không chỉ có mẹ chồng mà còn có bố chồng, Phong và cả cô em chồng đáng yêu. Ngân cảm thấy mình như đã làm nên kỳ tích khi mà mỗi ngày trôi qua, cả nhà đều phải gật gù khen rằng Ngân có tiến bộ rõ rệt. Phong vẫn hay “nịnh” mẹ rằng: “May mà có mẹ chứ nếu không vợ con còn lâu mới nấu cho chồng được bữa cơm như thế này”.
Ngân đỏ mặt bật cười nhưng trong lòng vẫn thầm biết ơn mẹ chồng. Từ ngày mẹ ruột mất đi, chưa bao giờ Ngân có lại được cảm giác gần gũi khi gọi một tiếng “mẹ” như thế, chưa bao giờ Ngân dám mơ tới một ngày có một người phụ nữ sẽ bảo bọc, dạy dỗ và che chở cho mình như mẹ chồng đã làm.
Cuối tuần này mẹ chồng sẽ về quê nửa tháng để lo chuyện đất đai. Trong bữa cơm tối nay với món thịt kho tôm và canh khổ qua Ngân nấu, mẹ đã thông báo với cả nhà về chuyến đi của mình. Phong nghe thấy vậy vội quay sang vợ nháy mắt:
- Kìa em, em có tận nửa tháng để trổ tài một mình luôn kìa!
Ngân liếc xéo Phong, “hứ” lên một tiếng khiến cả nhà bật cười. Mẹ chồng thấy thế cười lớn:
- Bây giờ mẹ tin tưởng cái Ngân có thể thay mẹ chăm lo cho mọi người được rồi. Chả lẽ công sức của mẹ hai năm qua lại trở thành công cốc thì coi sao được!