Cướp lộc ở đền Trần: Nếu mà thần thánh có thiêng

Ngày 22/02/2016 15:35 PM (GMT+7)

Không nằm ngoài dự đoán, năm nay đền Trần vẫn tái diễn cảnh người dân ùa vào khu vực ban thờ để tranh giành cướp lộc. Kẻ cướp lộc, người sờ kiếm như một cách để cầu may.

Mới đây, trao đổi với tác giả bài viết GS Trần Lâm Biền, một nhà nghiên cứu về văn hóa đã thẳng thắn chỉ ra người Việt cứ đến đâu có bát hương, có thần linh họ đều khấn lạy. Hiện nay họ đi khấn lạy chỉ nhằm mục đích cho sự việc cụ thể nào đó chứ không đặt một trọng tâm về vấn đề tư tưởng. Việc vào chùa lễ, đền lễ, đình lễ đối với họ không mấy khác nhau, họ không có sự phân định. Họ đi lễ thần lễ thánh như một sự đặt cược để cầu xin và đem lễ vật lên như một khoán ước.

Một chuyên gia khác từng gọi thẳng tên hiện tượng đi lễ, đi chùa của người Việt là “mua chuộc thần thánh”.

Cũng chẳng hiểu từ bao giờ, người ta hình thành một tâm lý và coi đó là chân lý rằng, đến với lễ thì phải cướp được lộc mới thiêng, lộc ấy đem được về nhà thì vận may sẽ đến.

Trước thời điểm đền Trần chưa có sự thay đổi về thời gian phát ấn, người dân cũng cho rằng ấn phải là ấn được phát ra ngay trong đêm thì mới là ấn thiêng. Vậy là sau giờ phát ấn dù người dân quanh năm cấy cày đến công nhân cần mẫn tăng ca cũng cố bon chen giẫm đạp lên nhau để tìm cách lấy được ấn thiêng mà tin đồn là để thăng quan tiến chức ấy.

Trong đêm khai ấn, khi kiệu được rước qua một lượt xung quanh hồ trong đền người dân ở ngoài hành lang bảo vệ còn vo tiền lại rồi ném vào kiệu, có người cẩn trọng hơn còn nhờ những người rước kiệu đặt tiền vào kiệu lễ. Họ cũng có một quan niệm chưa được xác tín là tiền ấy thể hiện lòng thành của mình với thần thánh.

Cướp lộc ở đền Trần: Nếu mà thần thánh có thiêng - 1

Hành động ở lễ hội cũng như một biểu hiện sinh động ngoài đời. Người ta bất chấp tất cả, giẫm đạp lên người kẻ khác để vun vén lợi ích cho mình. Thật là một thời tao loạn cầu may. (Ảnh minh họa)

Mấy năm gần đây, ấn đền Trần không phát trong đêm nữa mà chuyển sang sáng hôm sau. Không từ bỏ tham vọng kiếm được vận may của mình, người dân lại chuyển sang cướp lộc trên ban thờ. Từ hoa cho đến quả, từ lá cho đến cành, dù là một tí cũng coi là may. Có người còn vơ vét vận may bằng cách sờ lên kiếm hay bàn thờ.

GS Trần Lâm Biền cũng cho hay, người dân đi lễ đi chùa nhưng không phân biệt được ở đó thờ ai, thần thánh họ đang “nhờ vả” đó là ai. Họ không phân định được chùa thờ Phật mà Phật là trí tuệ, đến chùa là để hướng đến thiện tâm trên nền tảng trí tuệ. Giáo lý nhà Phật vốn dĩ là một hệ triết học vô thần từ bi và thoát tục. Tức là không tính toán đến vật chất tiền tài vinh danh, phú quý. Ấy thế nhưng, hành động ném tiền, nhét tiền vào tượng Phật hay kiệu rước chẳng khác nào hành động mua chuộc thần linh, dùng vật chất để cầu vật chất.

Tệ hại hơn nữa là hiện tượng tranh cướp. Nếu thần thánh thật sự có thiêng chắc rằng ngài cũng chẳng ban phước cho những người đã giẫm đạp lên người khác, nhảy cả lên chốn thiêng liêng thanh tịnh mà thực hành những việc xô bồ, tục tĩu ấy.

Hành động ở lễ hội cũng như một biểu hiện sinh động ngoài đời. Người ta bất chấp tất cả, giẫm đạp lên người kẻ khác để vun vén lợi ích cho mình. Thật là một thời tao loạn cầu may.

Thịnh Hồ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Buôn chuyện