"Đấu tửu" với bố vợ xong, ra...ôm nhầm em vợ

Ngày 31/01/2014 00:02 AM (GMT+7)

Tết đến, không chỉ các nàng dâu đau đầu mà các chàng rể cũng khốn đốn, lo lắng chẳng kém.

Ngoài việc lo mua quà biếu bố mẹ vợ thế nào cho hợp lý thì việc phải làm sao để trụ vững, tiếp rượu bố vợ và các anh em, chú bác nhà vợ cũng khiến nhiều người thấy nản.

Đau đầu từ việc chọn quà Tết

Đã hai năm làm rể, ngoài việc mừng tuổi cho bố mẹ vợ, Tết nào Hùng cũng mua áo len cho mẹ vợ, áo gilê mặc trong áo vest cho bố chồng khiến chính anh còn thấy nhàm huống hồ người được nhận quà. Năm nay, quyết định đổi mới đồ biếu bố mẹ vợ nhưng Hùng căng óc nghĩ mãi không ra.

Từ trước Tết, Hùng gọi điện về quê thăm hỏi, được mẹ vợ tiện thể dặn dò: “Năm nay đừng mua quần áo cho bố mẹ nữa, nhiều lắm rồi, có đến trăm tuổi mặc cũng chưa rách. Để tiền mà mua quần áo, đồ chơi mới cho cu Tý”. Hùng cười trừ, chỉ sợ mẹ vợ nhắc khéo: “Quà Tết gì năm nào cũng như năm nào không biết”. Mấy năm trước, Phương vợ anh bầu bí, rồi lại quay cuồng với con nhỏ nên phó thác hoàn toàn cho Hùng, vì thế, để không phải mệt đầu với chuyện quà cáp, Hùng “bổn cũ soạn lại”, cứ mua quần áo cho đỡ mệt óc. Các cụ diện đồ mới lại có dịp khoe với người xung quanh: “Con rể tôi biếu đấy”, anh cũng mát lòng.

Bây giờ, muốn thay đổi quà biếu nhưng Hùng chưa tìm được ý nào hay. Bố vợ Hùng là bác sĩ nghỉ hưu, giờ có vợ chồng ông anh trai làm bác sĩ nên thuốc bổ, yến sào, nhung hươu, hồng sâm... lúc nào cũng sẵn có. Thành thử, Hùng chẳng biết biếu gì cho khác kiểu.

quot;Đấu tửuquot; với bố vợ xong, ra...ôm nhầm em vợ - 1

Anh bạn anh gợi ý, nên mua nhung huơu, cao hổ tặng bố vợ nhưng ngặt nỗi, những thứ đó nếu không biết mua lại mua phải hàng rởm, các cụ uống vào rồi lại sinh bệnh tật. (ảnh minh họa)

Cũng trong tình trạng không biết chọn quà gì biếu Tết bố mẹ vợ là anh N. Thành (Gia Lâm - Hà Nội): "Đem chuyện không biết mua quà gì biếu bố mẹ vợ dịp Tết, mấy ông bạn cùng cơ quan bảo mình sao phải nghĩ nhiều cho đau đầu, cứ mua đại túi quà trong siêu thị là xong. Nhưng là con rể, lại được mang tiếng rể Hà Nội, có “đồng ra đồng vào” mà chỉ biếu bố mẹ vợ giỏ quà thôi thì thường quá. Vì vây, tôi quyết định phải nghĩ cách mua quà thật “độc” biếu bố mẹ vợ”, anh Thành bộc bạch.

Nhưng quả thật, chuyện này không đơn giản như anh nghĩ. Anh định mua cây quất, cành đào cho bố mẹ vợ trưng Tết nhưng lại sợ bố vợ mê tín, lỡ đào không nở nhiều hoa cả năm mất lộc lại đổ tội tại thằng con rể. Không mua đào, mua quất, anh lại tính mua hòm rượu vang xịn, nhưng lại thôi vì Tết năm ngoái, anh đã ngỏ ý mua bị cụ gạt phăng và bảo chỉ thích rượu nếp quê.

Anh bạn anh gợi ý, nên mua nhung huơu, cao hổ tặng bố vợ nhưng ngặt nỗi, những thứ đó nếu không biết mua lại mua phải hàng rởm, các cụ uống vào rồi lại sinh bệnh tật. Cuối cùng, anh Thành quyết định mua cho bố mẹ vợ cái bình nóng lạnh, cho ông bà tắm rửa đỡ vất vả vào những ngày rét. Dù vậy, anh vẫn không khỏi băn khoăn vì sợ lại bị nói lãng phí.

"Nói thật, mình làm phó phòng ở cơ quan, đã hàng trăm lần biếu quà cáp các sếp, đối tác, bạn bè.... nhưng chưa bao giờ thấy khó như biếu quà Tết bố vợ", anh Thành tâm sự.

Đến chuyện “chiến rượu” với bố vợ ngày Tết

“Nếu như ngày xưa, ông bà ta hay nói câu “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì đến bây giờ có thể nói rằng ly rượu, ly bia là đầu câu chuyện, một người đàn ông nếu không biết nhậu thì sẽ không có bạn để chơi. Ngày Tết, là thằng con rể mà lại gục trên mâm trước bố vợ thì quả là bách nhục”, anh Nam (Ninh Bình) chia sẻ.

Tuy nhiên, theo anh Nam, để có thể “chiến đấu” với bố vợ và anh em nhà vợ đến cùng là cả một quá trình bồi bổ sức khỏe và luyện tập đầy gian nan.

quot;Đấu tửuquot; với bố vợ xong, ra...ôm nhầm em vợ - 2

Bố vợ đang ngồi trong bàn tiệc, nhảy bổ ra cho Trường hai cái tát vì cái tội “mất nết”, khiến Trường tỉnh người, đỏ chín mặt vì ngượng. (ảnh minh họa)

Anh Nam cho biết, từ khi còn yêu nhau, lần đầu tiên đến ra mắt nhà người yêu (là vợ bây giờ) vào ngày Tết, anh đã bị bố vợ cho uống say túy lúy, không biết trời đất là gì. Biết bố vợ tương lai tửu lượng cao, anh dù không biết uống cũng phải cố gắng tập tành, “ngậm đắng nuốt cay” rèn luyện qua nhiều cuộc nhậu cùng bạn bè với mục đích nâng cao tửu lượng, để không mất mặt với nhà vợ.

Khi đã là con rể, mặc dù đã cố gắng nhưng Tết nào cũng vậy, anh Nam đều đổ gục trước sự “bao vây” của anh em nhà ngoại.

Không nhẹ nhàng như anh Nam, anh Trường (kỹ sư xây dựng) lại cảm thấy xấu hổ mỗi khi nhắc đến lần uống rượu tại nhà vợ.

Sau khi say sưa trên bàn tiệc, nhìn thấy bóng hồng nhớn nhác đứng trước cửa, anh vội lao ra vòng tay ôm em, hôn lên gáy rồi khẽ khàng: “Vợ đi đâu nãy giờ, con nó khóc trong nhà kìa”.

Không ngờ, bóng hồng quay lại, giãy nảy lên đẩy anh Trường ra miệng lắp bắp: “Nhầm rồi anh. Em đây mà…” rồi quay mặt lại. Thì ra, người anh Trường ôm nhầm là cô em vợ chứ không phải vợ anh. Do say rượu, mơ mơ tỉnh tỉnh, cô em vợ lại giống chị gái nên anh Trường nhầm.

Bố vợ đang ngồi trong bàn tiệc, nhảy bổ ra cho Trường hai cái tát vì cái tội “mất nết”, khiến Trường tỉnh người, đỏ chín mặt vì ngượng.

Theo Vân Nga (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình