Không ít người quan niệm đã là vợ chồng thì toàn bộ là của chung. Từ con cái đến tài sản, công việc đến bạn bè, thậm chí đến cả thư từ, điện thoại... Nhưng theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà, khi bạn đời trở nên “trần trụi” cũng là lúc sức hấp dẫn nhạt dần.
Khi yêu nhau người ta thường muốn cái gì cũng chung hết, có người thích dùng chung cả khăn mặt, bàn chải đánh răng của người yêu. Nhưng rồi đến một ngày người ta lại cảm thấy con người mình lúc nào cũng bị bóc trần ra như con tôm lột vỏ và khao khát một khoảng riêng cho mình. Hoá ra mỗi người là một thế giới riêng, có những riêng tư không muốn ai xâm phạm.
Bởi vì dù là vợ chồng cũng không bao giờ có hai con người có cùng một lối tư duy như nhau, có ý nghĩ, sở thích, tình cảm giống hệt nhau. Bởi thế mỗi người cần có một “góc riêng” mà ở đấy cất giữ những sở thích riêng, vui chơi hoạt động theo cách riêng, hội tụ với đám bạn bè riêng cùng sở thích với mình. Thí dụ chồng có hội đi câu cá hay đánh tennis, vợ có hội khiêu vũ hay tập yoga. Nếu người kia không thích, không nên gò ép họ phải đi cùng.
Thực tế, muốn nuôi dưỡng được tình yêu, vợ chồng phải hấp dẫn nhau bởi những cái riêng để có niềm khao khát khám phá lẫn nhau. Tình yêu sẽ là bất tận nếu sự khám phá không cùng. Còn nếu biết nhau quá rõ, “thuộc lòng” nhau đến nỗi người này vừa mấp máy môi, người kia đã biết sắp nói gì thì tránh sao được nhàm chán. Và ai biết đâu có ngày họ chẳng đi khám phá ở bên ngoài?
Muốn nuôi dưỡng được tình yêu, vợ chồng phải hấp dẫn nhau bởi những cái riêng để có niềm khao khát khám phá lẫn nhau ( Ảnh minh hoạ IT)
Nhưng “riêng” quá cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Có lẽ từ trước đến nay, chưa bao giờ cuộc sống vợ chồng lại có nhiều "cái riêng" như hiện nay và cũng từ đó có thể nảy sinh bao nhiêu mâu thuẫn, xung đột, thậm chí dẫn tới ly hôn. Nhớ lại thời bao cấp, vợ chồng đều biết rõ thu nhập của nhau qua đồng lương “ba cọc ba đồng” rõ đến từng hào, không ai có thể chi tiêu cái gì riêng tư cả. Ngoài “tám giờ vàng ngọc” ở cơ quan và thời gian đi lại trên đường, ai cũng ở nhà hầu như tất cả thời gian còn lại, vì thế lúc nào người này cũng biết người kia đang ở đâu, làm gì.
Nhưng bây giờ đã khác, khó có thể kiểm soát được tài chính của nhau, khi có người có đến mấy nguồn thu nhập ngoài lương. Ngay cả lịch sinh hoạt của họ cũng rất khó biết họ đi đâu, làm gì vì con người hiện đại có nhiều mối quan hệ xã giao. Có ông giám đốc tháng nào cũng đưa tiền về nhà cho vợ đầy đủ, buổi tối hay ngày nghỉ nào cũng ở nhà với vợ con, thế mà khi bà vợ phát hiện chồng có “bồ” thì ông ta đã mua hẳn cho người tình một căn chung cư sống với đứa con riêng của ông ta và họ gặp nhau toàn vào ... những buổi trưa.
Quá riêng tư, hai vợ chồng dễ "đồng sàng dị mộng" (Ảnh minh hoạ IT)
Có thể nói, ngày nay sự công khai hay bí mật trong đời tư của mỗi người chỉ có thể dựa vào sự tự nguyện của họ. Nếu vợ chồng yêu thương gắn bó với nhau, trở thành người bạn đời thân thiết của nhau, không có gì phải giấu nhau cả thì đó là mối quan hệ tuyệt vời, con cái cũng học theo lối sống trung thực của cha mẹ và dễ trở nên trò giỏi, con ngoan. Còn nếu mỗi người có một “khoảng trời riêng” tha hồ vùng vẫy, với những “quỹ đen” có khi lên đến hàng tỷ đồng thì tất yếu sẽ dẫn đến mỗi người có một cuộc sống riêng.
Dù là vợ chồng, có con chung, tài sản chung nhưng mỗi người lại có niềm vui, nỗi buồn riêng, thậm chí cả hạnh phúc riêng. Khi đó, gia đình dẫu chưa tan vỡ nhưng trong ngôi nhà của họ chỉ là một tập hợp người sống với nhau gỉa tạo chứ phải đâu là một gia đình?
Chìa khoá “trung thực” trong hôn nhân Thứ nhất là trung thực về cảm xúc, tức là vui buồn, yêu ghét, thích cái gì, không thích cái gì cứ nói hết với nhau, không kín như bưng khiến người ta khó hiểu được mình. Thứ hai là trung thực về đời tư, không giấu vợ hoặc chồng bất kỳ một đoạn đời nào trong quá khứ. Bởi vì quá khứ bao giờ cũng liên quan đến hiện tại, tác động vào hiện tại. Nếu không biết rõ quá khứ của một người thì cũng khó hiểu được hiện tại của người đó. Thứ ba là trung thực về cuộc sống, tất cả những công việc làm ăn, thu nhập và những mối quan hệ hiện nay. Như thế vợ/chồng mới biết người bạn đời của mình đi đâu, làm gì và mới thông cảm, hỗ trợ nhau được. Thứ tư là trung thực về những dự định tương lai, cả những ước mơ, hoài bão để người bạn đời có thể kết hợp. Nếu trung thực được như vậy thì sống bên người bạn đời lúc nào cũng thấy thoải mái, trò chuyện với nhau cởi mở, không bao giờ phải sợ lỡ lời. |