Toàn bảo, vợ anh giống như cái đồng hồ báo thức, cứ đến ngày đến tháng là ‘chuông reo, nhưng không phải để báo giờ mà là báo đã đến lúc nộp tiền.
Thấy mặt chồng là hỏi tiền Tết
Cánh đàn ông vẫn bôi bác phụ nữ bằng cái câu đố hài hước sau: “Con gì ăn ít, nói nhiều/Mau già, lâu chết, miệng kêu tiền tiền”, và đáp án là “con vợ”. Tết nhất đến nơi cũng là dịp các chàng nhắc lại cái định nghĩa đó như một bằng chứng của nỗi khổ đàn ông. Anh Toàn cũng vậy.
Ngay từ đầu tháng chạp, thấy mọi người bắt đầu xôn xao chuyện chuẩn bị Tết, Thảo, vợ Toàn đã đánh tiếng: “Năm nay vật giá lên cao, chắc cơ quan bố mày cũng tăng tiền thưởng lên một chút đấy nhỉ”. Toàn bảo lạy mợ, kinh tế suy thoái thế này, trả được lương là may rồi, thưởng Tết còn chưa biết có hay không, mợ đã đòi nhiều đòi ít. Vợ anh thở dài đánh sượt, bảo thôi năm nay tôi chả sắm gì hết.
“Nghe vợ bảo chả sắm gì hết, tớ cũng mừng, vì năm nào y thị cũng lôi về cả núi thức ăn đủ cho cả huyện, nhưng đến mùng 2 đã tổ chức ăn lẩu cho nó tươi rồi, còn cả cái tủ lạnh ngồn ngộn thì để lay lắt rồi nịnh bà già neo đơn bên hàng xóm khuân bớt cho. Nhưng miệng bảo không sắm, mà ngay hôm sau y thị đã tay giấy tay bút, tính năm nay mua mấy con ngan, mấy con gà về nấu đông, mấy cân bắp bò để ngâm xì dầu, mấy cân giò bê cho bố mày uống rượu, mấy cân cá trắm đen…, rồi mặt dài như cái bơm bảo riêng tiền thịt cá đã mấy triệu đồng. Thị bảo cơ quan thưởng hay không không cần biết, bố mày phải nộp 40 triệu ra đây thì mới có Tết”.
Anh Lâm, 40 tuổi, cũng đau đầu vì vợ cứ liên tục “tra tấn” chuyện tiền. (ảnh minh họa)
Quả thật, nhìn danh sách các khoản chi mà vợ kê ra: tiền sắm Tết cho nhà mình, cho bố mẹ hai bên, tiền quà biếu, tiền nộp mẹ chồng, tiền trả osin, tiền mừng tuổi các thể loại đối tượng, tiền xăng xe về quê nội Hà Tĩnh, quê ngoại Sơn La…, không hết chừng đó mới lạ. Thế nhưng Toàn vẫn cảm thấy ức chế vì cái mặt như đòi nợ của vợ. Thành thử tối qua, lúc xem tivi thấy nói chuyện Tết nhất, Thảo lại khều khều, giật giật tay áo chồng, nhưng chưa kịp nói thì Toàn đã gắt: “Biết rồi! Lại tiền chứ gì?”. Thảo bảo vâng, nếu tiền ít quá thì em ở Hà Nội ăn Tết chứ không về quê được đâu. “Nghe cứ như mặc cả, tớ bực chả thèm nói. Tối hai vợ chồng quay đít với nhau mà ngủ”, Toàn kể.
Anh Lâm, 40 tuổi, cũng đau đầu vì vợ cứ liên tục “tra tấn” chuyện tiền. Tất cả bắt đầu từ hôm anh về thông báo, cơ quan anh năm nay sẽ cho một giỏ quà trị giá 500.000 đồng, còn tiền Tết thì không có. Vợ bảo, thế thì chết rồi, cơ quan em nghe nói thưởng một tháng lương, nhưng nhân viên kinh doanh như em ăn hoa hồng là chính, 1 tháng lương có 3 triệu đồng thì ăn Tết kiểu gì. Rồi vợ giao luôn nhiệm vụ: ngoài “cày” thêm, anh phải tích cực đòi nợ mấy ông bạn, không thì Tết này có mà há mồm.
Cày thì cày, cả hai vợ chồng tích cực cày thì may lắm kiếm được chục triệu đồng, trong khi cái Tết có cả đống thứ phải tiêu. Tết chả nhẽ không có cành đào, không có vài lọ hoa? Riêng khoản đó năm ngoái đã ngốn gần 2 triệu đồng rồi. Phải đòi nợ thôi, những khoản bạn bè vay, gom hết cũng được mấy chục triệu đồng. Thế nhưng hễ Lâm hỏi đến thì “con nợ” hoặc nhăn mặt kêu kẹt quá, năm sau trả, hoặc giả lả bảo chờ tao ít bữa, nhưng nhìn cái mặt là biết thừa không có chuyện trả trước Tết. Biết bạn cũng khó khăn, anh chẳng muốn làm căng. Nhưng tử tế với bạn thì lại “ăn đủ” với vợ.
“Anh biết thông cảm với bạn, thế có biết thông cảm với vợ không? Em biết lấy gì mà lo Tết đây?”, vợ anh than trời. Rồi cô bảo, tình hình này cô sẽ không thể đóng tiền Tết cho mẹ chồng bằng năm ngoái được, tiền mừng tuổi cho bố mẹ và các cháu cũng sẽ phải giảm một nửa, khiến Lâm rất khó chịu. “Thật không hiểu nổi, tại sao các bà vợ cứ mở mồm ra là tiền như thế?”, Lâm kêu.
“Các anh cứ thử làm đàn bà đi”
Đó là câu trả đũa của Giang, vợ Lâm, khi bị chồng phê bình là “lúc nào cũng tiền tiền”. Tuy nhiên, đang dị ứng với những lời kêu ca của vợ, anh chẳng thèm nghe.
Việc bị chồng chê là coi trọng đồng tiền khiến Mai Loan tủi thân và cảm thấy xa chồng hơn một chút. (ảnh minh họa)
Chia sẻ với chị em cùng công ty, Giang ấm ức xổ ra một tràng: “Các ông ấy mà phải tính toán chi tiêu trong nhà thì đừng hòng dè bỉu vợ thích tiền như thế được. Nếu không lo chu tất cho một cái Tết thì ông ấy sẽ chê là vợ không đảm đang, Tết sao không có cái nọ cái kia, có biết đâu đụng đến cái gì cũng tiền tiền. Cầm mấy triệu bạc vào siêu thị, khi đi ra, tiền thì hết sạch mà đồ mua được vẫn chưa có gì”.
“Mình mới nói giảm tiền đóng Tết cho bố mẹ, giảm tiền mừng tuổi mọi người ở quê, ông ấy đã tức tối, cho là mình so đo, tính toán với nhà chồng, nhưng hỏi vậy tiền đâu để rộng rãi thì ông ấy lại gắt đúng là đàn bà, không nói đến tiền không được à”.
Mai Loan, 29 tuổi, cũng “cay cú” vì cho rằng nỗi lo về tài chính trong dịp Tết không được chồng thông cảm: “Năm ngoái, cũng vì bọn em được thưởng quá ít, lương lại thấp nên quà Tết ai cho gì là gom hết mang về quê chồng, còn tiền thì chỉ đưa cho mẹ chồng được 4 triệu, mừng tuổi mỗi cụ 500.000 đồng lấy khước, các cháu ruột thì 100.000 đồng, còn trẻ con trong họ chỉ 20.000 đồng thôi. Để chi được như thế, bọn em đã phải thắt lưng buộc bụng suốt tháng giêng vì không còn tiền”.
“Ấy vậy mà mẹ chồng em rêu rao khắp họ là cả năm có một cái Tết nhưng bọn em giữ chặt lấy túi tiền, rằng chồng em trước đây rộng rãi lắm, giờ lấy vợ, nghe vợ nên mới ki bo với bố mẹ. Chuyện đó chồng em cũng biết, nhưng chẳng nói đỡ cho em câu nào. Thế nên năm nay, em lo lắm, bảo chồng cố gắng kiếm tiền để biếu mẹ nhiều hơn năm ngoái, anh ấy kêu em chỉ coi chồng là bò sữa để vắt, em coi trọng đồng tiền. Khổ quá, nào em có nghĩ thế đâu, mà chỉ muốn anh chia sẻ nỗi lo với vợ thôi”.
Việc bị chồng chê là coi trọng đồng tiền khiến Mai Loan tủi thân và cảm thấy xa chồng hơn một chút. Cô nghĩ, anh không thực sự hiểu vợ, không biết những lo toan mà cô phải trải qua. Cô chạnh lòng nghĩ, không có tiền để biếu bố mẹ chồng, bị họ chê là keo kiệt thì cái tiếng ấy chỉ mình cô chịu, chứ anh là con trai họ, sợ gì. Vậy thì anh đâu phải lo chuyện có tiền hay không. Tự nhiên Loan cảm thấy rất cô đơn.
Những người vợ như Loan luôn ước, các ông chồng trước khi chê vợ tầm thường thì cũng nên tìm hiểu nhưng công việc, nghĩa vụ, lo toan “tầm thường” của vợ, để khỏi buông những câu làm chạnh lòng nhau.