Đó chính là những mỹ nhân nổi tiếng nhưng lại là nguyên nhân dẫn đến thất bại của các bậc quân vương trong lịch sử Trung Quốc
Muội Hỉ phản lại vì bị thất sủng
Muội Hỉ là mĩ nhân của nước Hữu Thi, một chư hầu của nhà Hạ vốn là một quốc gia cổ đại ở Trung Quốc
Theo sử sách, Hạ Kiệt là ông vua tàn bạo, thích gây chiến tranh đàn áp các chư hầu. Hạ Kiệt mang quân đi đánh nước Hữu Thi, nước Hữu Thi không chống nổi bèn dâng mĩ nữ Muội Hỉ và xin Hạ Kiệt lui quân. Hạ Kiệt được nàng Muội Hỉ bèn tha cho nước Hữu Thi.
Muội Hỷ tuy rất đẹp nhưng từ sáng đến tối không hề có môt nụ cười. (Ảnh minh họa)
Muội Hỷ có 1 sắc đẹp tuyệt trần hiếm có nhưng tính khí thất thường. Bình thường, nàng thích đội mũ, đeo kiếm như võ tướng. Thậm chí khi giao hoan, nàng cũng thích cương vị của phái mạnh. Nàng có 1 nụ cười tuyệt đẹp nhưng rất ít khi cười.
Hạ Kiệt vốn là ông vua hoang dâm, hậu cung lúc nào cũng đầy mỹ nữ nhưng chỉ sủng ái mỗi người đẹp có khuôn mặt lạnh như tiền. Muội Hỷ tuy rất đẹp nhưng từ sáng đến tối không hề có môt nụ cười, chỉ khi nghe tiếng xé lụa mới lộ vẻ tươi cười nên vua Kiệt đã hạ lệnh mỗi ngày chuyển một số lớn lụa đến để xé cho nàng nghe.
Dù sống trong cung điện nguy nga nhưng Muội Hỷ vẫn chưa bằng lòng. Nàng bắt vua Kiệt xây cho 1 cung điện mới nguy nga tráng lệ hơn. Ở trước cung điện xây một cái đài cao bằng ngọc gọi là Dao đài để ngắm phong cảnh "tửu trì" (ao rượu).
Tuy nhiên, sau này, Hạ Kiệt quay sang sủng ái hai người con gái đất Manh Sơn và lạnh nhạt với Muội Hỷ. Điều đó khiến bà càng thêm oán hận Hạ Kiệt.
Trong khi đó, nước Thương ngày càng lớn mạnh. Thương Thang sai hữu tướng Y Doãn đến kinh đô nhà Hạ trá hàng. Y Doãn đã lợi dụng sự oán hận của Muội Hỉ đối với Kiệt, lén liên hệ qua lại với bà. Muội Hỷ đã tiết lộ nhiều tin tức về nội tình triều đình nhà Hạ cho Y Doãn. Nhờ đó, Thương Thang theo kế sách của Y Doãn đã đánh bại nước Hạ, Hạ Kiệt bị đày ra Nam Sào.
Bao Tự - Hồng nhan họa thủy
Bao Tự hay Tụ Tự là vương hậu thứ hai của Chu U vương và là mẹ Thế tử Bá Phục. Nàng là mỹ nhân xinh đẹp vô cùng quyến rũ. Chu vương mê say nàng nhưng chưa bao giờ thấy nàng cười nên ra lệnh ai làm cho nàng cười sẽ thưởng nghìn lạng vàng.
Để Bao Tự có được tiếng cười, Chu U vương đã cho đốt các cột lửa báo hiệu cho chư hầu đến cứu. (Ảnh minh họa)
Sau nhiều lần cố gắng nhưng không thành, Quắc công Thạch Phủ tâu với vua là mình có cách làm cho nàng cười. Quanh đất nhà Chu cai trị vốn xây nhiều tháp dầu để khi có giặc kéo đến thì đốt các cột lửa báo hiệu cho chư hầu đến cứu. Quắc Công khuyên Chu U vương đốt lửa cho chư hầu đến để cho Bao Tự cười.
Quân chư hầu mấy nước lân cận trông thấy các cột lửa cháy, ngỡ là có giặc bèn hớt hải mang quân đến cứu. Đến kinh thành, thấy mọi người vẫn đi lại bình thường, không có giặc giã gì cả. Các chư hầu ngơ ngác nhìn nhau. Bao Tự ở trên đài trông thấy bật tiếng cười lớn. U vương vô cùng hoan hỉ vì làm được cho nàng cười.
Xong U vương lệnh cho các trấn chư hầu rút quân về vì không có giặc. Đến một thời gian sau, vua Chu lại sai đốt lửa lần nữa và các chư hầu lại bị lừa để Bao Tự có được tiếng cười.
Chu U vương say mê Bao Tự, không lâu sau nàng sinh được một công tử đặt tên Bá Phục. Chu U vương rất yêu quý, quyết định phế truất Thân hậu cùng với con của Thân hậu là Thế tử Nghi Cữu. Bao Tự được lập làm Vương hậu thay thế, còn Bá Phục được lập làm Thế tử.
Thân hậu và Thế tử Nghi Cữu bị phế, đành nương nhờ mẫu quốc là nước Thân (nay là Hà Nam, Nam Dương). Cha Thân hậu là chư hầu nước Thân bèn liên hệ với quân Khuyển Nhung bên ngoài kéo vào đánh úp Cảo Kinh.
Chu U vương vội cho đốt lửa hiệu triệu chư hầu tới cứu, nhưng các chư hầu bị lừa vài lần nên tưởng vua đùa, không tới nữa. Chu U vương mang Bao Tự và con nhỏ bỏ chạy, bị quân Khuyển Nhung đuổi theo giết chết. Riêng Bao Tự bị vua Khuyển Nhung bắt về cung để mua vui.
Đát Kỷ, hồ ly tinh gây họa cho quốc gia
Đát Kỷ được nhắc đến trong lịch sử Trung Quốc với sự phẫn nộ của nhiều người. (Ảnh minh họa)
Đát Kỷ là một nhân vật trong huyền sử Trung Quốc. Tương truyền, bà là một mỹ nhân nổi tiếng và là một trong những nguyên nhân chính gây nên sự sụp đổ của nhà Thương.
Nhiều truyền thuyết dân gian đều cho rằng Đát Kỷ là hồ ly tinh hóa thành, vì được biết bà rậm lông chân. Bà được mô tả là người có nhan sắc yêu kiều làm mê đắm lòng người, thuộc hàng đại mỹ nhân của Trung Hoa. Tuy nhiên, do là một yêu tinh và có nhiều hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp làm chết quá nhiều người, nên dân gian thường gọi bà là yêu cơ.
Chánh cung vương hậu Khương thị thấy Trụ Vương bị Đát Kỷ mê hoặc bèn gọi bà đến mắng. Đát Kỷ muốn lật đổ Khương hậu nên vu cáo Khương hậu có ý ám sát vua. Vốn ít tình cảm với vương hậu, Trụ Vương tức giận truyền chỉ tống giam và dụng hình ép cung. Khương hậu bất lực, khoét mắt tự minh oan rồi chết, Trụ Vương lập Đát Kỷ lên thay.
Đát Kỷ truy giết 2 người con trai của Trụ Vương với Khương hậu là Ân Hồng và Ân Giao, nhưng 2 công tử đã sớm trốn khỏi cung. Bà thanh trừng hậu cung, dọa nạt khiến Dương thị, một vương phi khác ở Ninh Khánh Cung sợ hãi tự vẫn. Sau đó bà xin Trụ Vương đưa Hồ Hỷ Mỵ và Ngọc Mỹ nhân đều có yêu thuật và nhan sắc nhập cung, ra sức lấy lòng khiến vua không đoái hoài gì đến những phi tần khác nữa.
Sự tàn bạo, dã man của cặp đôi này chính là nguyên nhân khiến dân chúng đứng lên khởi nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Chu Võ Vương Cơ Phát. Được sự ủng hộ của dân chúng và các chư hầu khác, Cơ Phát đã lật đổ Trụ Vương, lập nên nhà Chu.
Trụ Vương mất nước bèn mặc áo dát ngọc leo lên "Lộc Đài" tự châm lửa thiêu. Đát Kỷ cũng tự thắt cổ chết.