Bây giờ, ai còn dám cho đi nhờ xe? Bởi ở cái thời buổi này, những thành phần cướp giật, trộm cắp quá nhiều nên lòng tin của con người dành cho nhau cũng là điều đáng bàn.
Người ta sống dè chừng, luôn lo sợ bị lừa và cảnh giác lẫn nhau. Đó là chuyện không phải chỉ một, hai người hiểu mà ai cũng hiểu. Chuyện gây dựng được lòng tin quả thật không dễ dàng gì…
Nếu một ngày bạn ra đường, có một người vẫy muốn đi nhờ xe bạn, bạn sẽ làm gì? Dừng lại cho họ đi nhờ, chở họ tới tận nơi họ cần đến hay là cứ làm lơ như không nghe thấy gì và lẳng lặng phóng đi? Có khi là tôi, tôi cũng xin nói thật là cứ đi thôi chứ sợ dừng lại rồi lại “làm phước phải tội”.
Thì đúng là, không ai phủ nhận, làm người phải quan tâm nhau, giúp đỡ nhau. Cho người khác nhờ xe là một hành động giúp đỡ lẫn nhau nhưng không hẳn đó đã là việc làm tốt. Vì nhiều người ‘đội lốt’ những người cần giúp đỡ để lừa người hoặc hại người.
Nói đâu xa, cô bạn tôi kể, có lần có người bảo muốn đi nhờ xe, thế là cô bạn tôi cho đi nhờ, còn chở hẳn tới nơi. Thế mà chẳng hiểu sao lúc về, cô ấy không để ý, sau đó mới phát hiện ra mình bị mất cái ví đút trong túi áo. Nói thì nói vậy chứ, người gian bây giờ nhiều, đôi khi mình muốn tin ai đó, muốn giúp đỡ họ nhưng có được đâu.
Đấy là còn may, nhiều người con bị đe dọa cả tính mạng. Cái chuyện cho đi nhờ xe rồi bị cướp xe, cái chuyện cho đi nhờ xe rồi bị kề dao hay kim tiêm vào cổ thì thiếu gì. Nên nếu muốn an toàn cho bản thân, chẳng ai dám cho đi nhờ xe cả. Thật sự, người tốt cũng không nghĩ tới chuyện nhờ được xe vì khéo lại bị nghi ngờ là kẻ xấu. Nói chung, bây giờ không có phương tiện thì người ta đi xe ôm, đi taxi. Mà taxi, xe ôm cũng bị cướp đầy ra đó nên cái chuyện cho đi nhờ xe đúng là cái chuyện mà ở thành phố gần như đã thành hiếm.
Nhiều khi muốn giúp đỡ mà không dám (ảnh minh họa)
Ở quê thì chuyện này còn may ra có. Vì người ở quê, giống như các cụ già, thường là phải đi bộ hoặc không có phương tiện thì nhờ vả. Dù là người không quen nhưng cũng có trường hợp họ thương tình mà chở các cụ về tận nhà. Nhưng thành phố thì có ai quen ai mà dám làm vậy.
Đôi khi, những tệ nạn xã hội ngày càng nhiều càng khiến con người ta sợ hãi, không dám tin là mình vào nhau nữa. Đồng loại cũng phải dè chừng. Có nhiều trường hợp, dù là người quen biết, thân cận cũng lừa dối nhau chứ đừng nói là người lạ, hở ra cái là cướp bóc, lừa lọc…
Không biết có bao nhiêu vụ cướp bóc trấn lột về chuyện cho đi nhờ xe. Câu chuyện tội phạm nhận lời cho nhờ xe rồi chở nạn nhân vào nhà nghỉ rồi hãm hiếp của thanh niên đã từng gây nhiều chấn động. Dù là rồi kẻ phạm tội cũng bị trừng trị, nhưng nạn nhân thì vẫn bị một nỗi đau cả đời không quên được. Còn có biết bao nhiêu vụ khác mà khi chính những người có lòng tốt muốn giúp người khác lại trở thành nạn nhân. Giống như chuyện cô gái gốc người Mỹ Việt đã bị kẻ giết người sát hại khi cho hắn đi nhờ xe trong khi hắn bị phê ma túy gần đây. Nói chung, những bi kịch nối tiếp bi kịch khiến con người ta không dám làm việc trượng nghĩa nữa.
Nói về cái chuyện nhờ xe, lại nghĩ tới câu chuyện về những người đi đường, thấy tai nạn mà không dám giúp. Vì đôi khi, chuyện giúp đỡ không phải là làm phước được báo ơn mà có khi còn gây họa cho bản thân mình. Một vài trường hợp đã khiến con người ta sợ hãi và không dám giúp người khác nữa. Gia đình nạn nhân hiểu lầm, nhiều người còn tưởng chính người giúp đỡ kia là kẻ gây ra tai nạn. Không phải con người ta không muốn giúp nhau mà chính sự nghi ngờ và những trường hợp xấu đã đẩy người ta vào sự bán tín, bán nghi.
Càng ngày càng nhiều tật xấu và những chiêu lừa người ngoạn mục làm biến dạng lòng tin của con người. Những nét văn hóa đẹp giúp đỡ người khó khăn hay cho người khác nhờ vả mình cũng dần mất đi. Kẻ lừa lọc thì trá hình đủ thứ, đủ kiểu nên con người dần trở nên cảnh giác nhau, sống dè chừng và sợ hãi. Không biết đến bao giờ, người ta mới có thể quay lại cái thời mà thấy người khác gặp nạn xả thân giúp đỡ, thấy người khác khó khăn chẳng ngại đưa tay ra đỡ họ dậy… Liệu còn không hay chỉ sợ mang họa vào mình?