Chuyện phụ nữ bây giờ ngại sinh con hoặc chỉ sinh độc nhất một con cũng dễ hiểu và là chuyện tất yếu của một xã hội hiện đại.
Theo một số liệu thống kê được đưa ra gần đây, tỉ lệ mức sinh con của phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh đã giảm xuống mức báo động đỏ là 1.3; tỉ lệ này ở một số tỉnh thành khác như Đồng Tháp, Cần Thơ, Cà Mau,… cũng không khá hơn là bao. Thật không ngờ lại có thời điểm, Việt Nam ta lại phải lo về chuyện … thiếu hụt dân số.
Nguyên nhân khiến phụ nữ không muốn sinh (nhiều) con thì có nhiều nhưng có lẽ áp lực nuôi dạy con cái quá lớn khiến họ muốn tập trung tất cả nguồn lực vào một đứa bé, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho con cái sau này. Chưa kể một số lượng không nhỏ phụ nữ hiện đại cũng muốn dành nhiều thời gian để tận hưởng và chăm sóc chính bản thân nhiều hơn nên họ chọn cuộc sống độc thân vui vẻ.
Bởi vậy, chuyện phụ nữ bây giờ ngại sinh con hoặc chỉ sinh độc nhất một con cũng dễ hiểu và là chuyện tất yếu của một xã hội hiện đại. Nhưng bạn cứ thử nghĩ đến chuyện vài chục năm nữa, khi mỗi một đứa trẻ lớn lên, xung quanh chúng sẽ có ít nhất là sáu người già gồm bố, mẹ, ông bà hai bên nội ngoại; thì sẽ thấy được sự lệch lạc về mặt dân số là như thế nào. Tất nhiên với tư cách là những nhà quản lý, nhà nghiên cứu, sự quan ngại này là lời cảnh báo cần thiết trước tình trạng tỉ lệ sinh con ngày càng giảm ở nước ta. Song đặt tư cách là một người phụ nữ, nếu chọn giữa việc sinh một con rồi nuôi dạy theo chuẩn chất lượng cao với việc sinh từ hai đứa trở lên thì theo bạn, tỉ lệ đi theo lựa chọn nào sẽ nhiều hơn.
Tất nhiên với tư cách là những nhà quản lý, nhà nghiên cứu, sự quan ngại này là lời cảnh báo cần thiết trước tình trạng tỉ lệ sinh con ngày càng giảm ở nước ta. (Ảnh minh họa)
Tất nhiên việc sinh nhiều con cũng có những mặt lợi như con mình lúc nào cũng có anh em quây quần, đời sống tinh thần chắc cũng hướng ngoại hơn đứa con một;…Cơ mà, nuôi hai đứa con trở lên thì mọi thứ cũng phải tăng gấp hai ba lần từ tài chính cho tới công sức. Nhưng kể cả điều kiện kinh tế cho phép, chuyện giáo dục hai đứa trẻ trở lên cũng gặp không ít khó khăn trong khi mỗi đứa một tính. Thế giới hiện đại này không thể áp dụng phương pháp giáo dục kiểu “tự nhiên chủ nghĩa” của các cụ ngày xưa được nếu muốn con mình có đủ năng lực cạnh tranh và sống tốt sau này. Nếu tôi mà là phụ nữ, nghĩ đến chỗ này tôi cũng muốn không sinh con hoặc chỉ sinh một đứa để nhường phần “hi sinh” vì giống nòi dân tộc cho người khác.
Một khi vấn đề được nêu ra, quan trọng nhất vẫn là tìm cách giải quyết và khắc phục. Ở cấp độ vĩ mô, các nhà quản lý cũng đề xuất ra một loạt các chương trình tuyên truyền, khuyến khích phụ nữ sinh thêm con thì sẽ hỗ trợ về mặt y tế, giáo dục con cái..vv..vv. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ở cấp vi mô, các nhà quản lý làm sao có thể đi sâu vào từng gia đình để mà tạo được động lực cho phụ nữ sinh con đây?! Tôi thì lại cho rằng, một phần kinh phí của chiến dịch khuyến khích phụ nữ sinh con nên chuyển sang đầu tư vào việc tuyên truyền cho các ông chồng.
Tuyên truyền làm sao để các ông chồng hiểu rằng nuôi dạy con cái không phải do một mình phụ nữ đảm nhận được. Chuyện đi làm hàng tháng đưa tiền về cho vợ con là nghĩa vụ, nhưng bên cạnh đó vai trò của một người bố, một người chồng phải hơn một cái cột ATM rất nhiều lần. Họ cần tham gia tích cực vào quá trình mang thai, sinh con và giáo dục con cùng người phụ nữ. Sự an ủi, động viên của một ông chồng có tác dụng “tuyên truyền” hơn hẳn một đêm nhạc hội khuyến khích sinh đẻ, thậm chí hơn cả một chiến dịch hô hào rầm rộ.
Một khi người phụ nữ được chia sẻ công việc và cảm nhận được sự đồng cảm thì tự nhiên họ sẽ thấy việc sinh và nuôi dạy con cái không phải là gánh nặng một mình phải gánh vác nữa. Đến lúc đó, không một dân tộc nào còn phải lo chuyện dân số già hay suy giảm giống nòi nữa. Vậy mới nói, một người phụ nữ hạnh phúc có thể thay đổi cả thế giới là vì thế.