Không biết chữ, không giàu có, không quyền lực nhưng người mẹ ấy vẫn khiến bao người kính nể

Bảo Anh. - Ngày 07/05/2022 12:00 PM (GMT+7)

Một người mẹ với thân hình nhỏ bé, gánh trên vai biết bao nhọc nhằn của cuộc đời. Một người mẹ chưa từng được đến trường nhưng đã dạy cho con biết bao bài học quý báu.

Không biết chữ, không giàu có, không quyền lực nhưng người mẹ ấy vẫn khiến bao người kính nể - 1

10 năm sau khi ba qua đời, mẹ cuối cùng cũng đồng ý dọn lên thành phố ở với tôi, con gái út của bà. Mẹ tôi khi đó 70 tuổi, còn tôi thì 40. Thời gian chạy qua khiến mái tóc mẹ bạc màu, lưng thêm còng khiến chiều cao 1,5m giờ bị thu lại vài centimet. Mẹ trông gầy hơn xưa nhưng gương mặt vẫn tươi tắn, thanh thoát.

Vợ chồng tôi mượn xe về đón mẹ tại căn nhà cũ, nơi chứa đựng bao kỷ niệm. Trong số hành lý mang theo có 2 tải bột mì do mẹ tận tay mang đi xay. Cốp xe quá nhỏ mà nhiều đồ phải mang đi nên tôi định để lại, song mẹ nhất quyết là 2 tải đó phải mang đi.

Nhìn sự cương quyết của mẹ, tôi ngẩn người một lúc rồi dường như hiểu ra điều gì. Tôi vờ nhờ chồng quay vào nhà lấy đồ để quên rồi đưa tay sờ vào tải bột mì. Phía dưới tải là một cục nhỏ mà nếu tôi không nhầm thì là số tiền mẹ muốn cho vợ chồng tôi.

Không biết chữ, không giàu có, không quyền lực nhưng người mẹ ấy vẫn khiến bao người kính nể - 2

Bỏ tiền vào đồ ăn là cách mà mẹ tôi vẫn làm trong suốt nhiều năm qua. Nhớ lại những ngày hơn mười năm trước, khi tôi vừa kết hôn và ở thuê trong một căn nhà nhỏ nơi thành phố, đó thực sự là quãng thời gian khó khăn nhất cuộc đời.

Hồi đó, thứ tôi muốn nhất không phải là một ngôi nhà hay một công việc có tương lai thăng tiến mà là một chiếc tủ quần áo tươm tất. Mùa đông năm ấy, mẹ tôi gửi lên cho nửa tải kê. Khi chồng tôi đổ kê vào thùng thì phát có 500 nhân dân tệ được giấu trong đó cùng tờ giấy với dòng chữ viết tay: “Cho con gái mua tủ quần áo”.

Khi lấy chồng, của hồi môn mẹ cho tôi đã có tiền sắm tủ quần áo. Sau đó, mẹ biết tôi đã dùng tiền trang trải cho cuộc sống gia đình nên âm thầm gửi tiền. Đêm đó, tôi đã cầm xấp 10 tệ dày cộp trong tay và khóc.

Sau khi lên thành phố, tôi lấy tiền trong tải bột mì ra đưa cho mẹ. Mẹ nhất quyết không cầm lại và nói rằng đó là tiền cho cháu ngoại mua xe. Thằng bé từng nói muốn mua một chiếc xe nhưng vợ chồng tôi không đồng ý vì nó quá đắt. Vậy mà mẹ sẵn sàng dành hết 2.000 nhân dân tệ tiền hoa màu hàng năm trên mảnh đất quê của mình để cho cháu.

Trong ký ức của tôi, mẹ luôn là người phụ nữ nhân hậu, hết lòng với mọi người xung quanh, sẵn sàng giúp đỡ người khác khi có thể. Đôi khi, tôi không hiểu sao một người phụ nữ nông thôn gầy gò lại có thể mạnh mẽ và nhiều năng lượng đến vậy. Ở với chúng tôi, sáng nào bà cũng dậy sớm nấu ăn, hôm thì cháo, hôm thì bánh bao… đổi bữa liên tục. Buổi chiều tan sở, chúng tôi cũng không còn phải sấp ngửa đi chợ nữa bởi mọi việc nhà đã có mẹ đảm đương. Những chậu rau mẹ trồng ngày nào giờ đã xanh tốt ngoài ban công. Có mẹ ở nhà thực sự là cảm giác thoải mái và tuyệt vời chẳng từ nào kể xiết.

Không biết chữ, không giàu có, không quyền lực nhưng người mẹ ấy vẫn khiến bao người kính nể - 3

Một ngày nọ, tôi nói với chồng hẹn bạn bè cuối tuần ăn uống. Chồng tôi học đại học ở thành phố này nên cũng có nhiều bạn bè, lâu rồi bận rộn nên chưa có dịp gặp nhau. Mẹ biết vậy liền nói hãy mời bạn bè đến nhà ăn. Tôi có nói giờ mọi người hẹn nhau toàn ra hàng cho gọn mà tiện nhưng mẹ bảo ngoài hàng vừa đắt đỏ lại không biết vệ sinh ra sao, về nhà cho gần gũi.

Cuối tuần đó, mẹ tôi tất bật vào bếp chuẩn bị các món ăn. Từng món được bê ra, tôi thấy những người bạn thành đạt của chồng mình đã không thể rời mắt. Một người với lấy chiếc bánh bao rau ăn ngon lành, nói rằng đã rất lâu rồi không được ăn bánh do mẹ làm như thế. Mẹ tôi liền bưng cả đĩa bánh tới gần anh, dặn “Ăn nhiều vào nhé! Lần tới lại đến, bác sẽ làm cho con”. Người đàn ông gật đầu, mắt bỗng đỏ hoe. Mẹ anh ấy qua đời đã nhiều năm, lâu rồi anh cũng chưa về thăm quê cũ.

Tối hôm đó, mọi người không uống nhiều như mọi khi mà chia sẻ với nhau nhiều hơn, không phải về chuyện làm ăn, kinh doanh mà về gia đình, quê hương bản quán. Đã lâu rồi chúng tôi mới cảm nhận được không khí thân mật như vậy. Mẹ nói rằng điều tuyệt vời nhất trên thế giới này là tình cảm giữa con người với nhau.

3 tháng sau khi mẹ lên thành phố ở với chúng tôi, người phụ nữ sống ở đối diện nhà đã gõ cửa mang theo một rổ trái cây chín đỏ. Người phụ nữ có chút ngượng ngùng, tôi cũng bất ngờ vì hai bên từng mâu thuẫn về chuyện điện đóm. Do không biết nhiều về nhau nên tình cảm ngày một lạnh nhạt, là hàng xóm nhưng hơn 3 năm không liên lạc gì. Ngay cả khu vực hành lang trước cửa nhà cũng chia ra riêng rẽ để dọn.

“Chị có chút quà quê gửi bác và các em. Món bánh hôm trước lũ trẻ nhà chị thích lắm”.

Tôi hiểu ra ngay vấn đề. Có lẽ mẹ không biết giữa hai gia đình chúng tôi có chút mâu thuẫn nên đã làm bánh mới, mà ngay cả khi mẹ biết, bà vẫn sẽ làm như vậy. Mẹ luôn dạy chúng tôi “bán anh em xa mua láng giềng gần”, “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”. Bà tới gõ cửa từng nhà, đem tặng chút rau của nhà trồng được, vài món ăn đặc trưng quê nhà. Những món đồ tuy không đắt đỏ, nhiều nhặn gì nhưng khiến ai cũng ấm lòng bởi tình cảm không thể mua được bằng tiền chứa đựng trong đó. Chúng tôi dần trở nên thân thiết hơn với mọi người, qua lại với gia đình đối diện như người một nhà.

Lần nọ, khi biết tin một người con của đồng nghiệp chồng tôi bị ung thư máu, mẹ đã nhờ chúng tôi gửi bé một khoản tiền tiền. Vì là đồng nghiệp không thân thiết mấy nên chúng tôi chỉ định thăm hỏi một chút tiền nhỏ nhưng mẹ kiên quyết không đồng ý, nói rằng ai cũng có thể gặp khó khăn và tiền bạc lúc này rất cần với gia đình đó. Con cái bệnh tật là việc rất đau lòng, nhất định phải giúp đỡ khi có thể.

Không biết chữ, không giàu có, không quyền lực nhưng người mẹ ấy vẫn khiến bao người kính nể - 4

Nửa năm sau khi mẹ lên ở cùng, chồng tôi đã được thăng chức. Trong buổi bỏ phiếu, anh được mọi người ủng hộ với số phiếu vượt xa ứng viên còn lại. Chồng tôi rất vui và không quên nói lời cảm ơn mẹ. Anh nói công lao lần này đều là của mẹ, những lá biếu đó đều nhờ mẹ mà ra. Chúng tôi cũng nhận thấy các mối quan hệ cá nhân của mình gần đây đều được cải thiện, chân thành và ấm áp hơn.

Một người mẹ không biết chữ nhưng đã cho chúng tôi biết bao bài học quý báu mà có lẽ không tiền nào mua được. Bà luôn dạy chúng tôi, nếu con sẵn sàng đối xử tốt với người khác, họ cũng sẽ sẵn lòng đối xử tốt với con. Với bà, đây là lời nói giản dị và chân thật nhất của một người phụ nữ thôn quê; với chúng tôi, đó chắc chắn là chân lý sâu sắc.

Mẹ tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi vào năm thứ ba lên ở cùng chúng tôi. Sau khi có kết quả, một người bạn là bác sĩ đã chân thành nói với tôi, nếu vì bà thì không nên phẫu thuật, hãy cứ thuận theo số mệnh và sống những ngày còn lại thật ý nghĩa. Tôi biết đó là điều bác sĩ không muốn phải nói nhưng là sự thật.

Sau khi bàn bạc với chồng, tôi quyết định đưa mẹ về nhà. Chồng tôi không muốn giấu nên đã nói thật với mẹ. Bà bình tĩnh lắng nghe chúng tôi nói, gật đầu và đồng ý với quyết định. Sau đó, nói muốn được về quê.

Những ngày cuối đời của mẹ, tôi là người luôn ở bên túc trực. Thuốc chỉ có thể giảm đi cơn đau, không thể chống lại sự tàn phá của căn bệnh ung thư quái ác. Mẹ gầy đi một cách nhanh chóng, dần chẳng thể tự đứng vững trên đôi chân mình. Mỗi khi thời tiết đẹp, tôi lại bế mẹ ra ngồi ở chiếc ghế tựa ngoài hè rồi mẹ con cùng trò chuyện. Mẹ dần không ăn được nữa, ăn vào lại nôn ra nhưng không có biểu hiện đau.

Hôm đó, mẹ nói với tôi rằng bố rất nhớ tôi. Tôi sợ hãi nắm lấy bàn tay mẹ, muốn nắm thật chắc nhưng lại không dám, chỉ có thể nhẹ nhàng.

“Con gái! Lần này con phải sẵn sàng”.

Mẹ cười hiền, nhẹ nhàng rút tay lại rồi vỗ về tôi. Tôi chẳng thể nói ra trái tim mình đau như vỡ thành trăm mảnh.

Không biết chữ, không giàu có, không quyền lực nhưng người mẹ ấy vẫn khiến bao người kính nể - 5

Ngày mẹ đi, đám tang rất đông. Mọi người đứng chật con đường làng, ngoài anh em họ hàng còn có hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp của chúng tôi ở trên thành phố về. Người già có, người trẻ có, quả không phải là cảnh thường gặp ở nông thôn. Đoàn người chậm rãi rời khỏi ngôi làng, loáng thoáng những lời hỏi nhau liệu có phải đám tang của quan chức, không thì con cái chắc hẳn phải rất thành đạt rồi…

Trong cuộc đời của mình, mẹ sinh được 1 người con trai và 3 người con gái, tất cả đều chỉ làm công ăn lương bình thường, chẳng phải quan chức cũng không phải doanh nhân. Bản thân người mẹ ấy lại càng bình thường, chưa từng được nhìn thấy thế giới rộng lớn ngoài kia, chưa thể đọc được một cuốn sách và cũng chưa từng được đến lớp. Mẹ chỉ có một trái tim đầy yêu thương, luôn sống với tâm niệm trao đi là còn mãi.

Quà của mẹ - Chuyên đề nằm trong sự kiện Ngày của mẹ 2022 do Eva.vn thực hiện, với sự tài trợ của Nhãn hàng Nguyên Xuân, dầu gội dược liệu được yêu thích nhất và được 89% người trải nghiệm đề cử sau khi sử dụng theo kết quả của Cộng đồng đánh giá lớn nhất Châu Á - Try and Review.

Sự kiện diễn ra từ ngày 04/5 - 10/5.

Mời Quý độc giả đón đọc những bài viết mới của chúng tôi tại đây, hoặc hashtag #QuaCuaMe trên Facebook & Tiktok.

Thái độ đối với cha mẹ chính là tính cách chân thật nhất của mỗi người
Chúng ta thường nghĩ rằng, thời gian còn lại rất dài và sẽ còn nhiều cơ hội để chúng ta về nhà, làm tròn chữ hiếu của mình với cha mẹ. Thế nhưng chúng...

Bài học cuộc sống

Bảo Anh. (dịch)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phụ nữ và gia đình