Chúng ta thường nghĩ rằng, thời gian còn lại rất dài và sẽ còn nhiều cơ hội để chúng ta về nhà, làm tròn chữ hiếu của mình với cha mẹ. Thế nhưng chúng ta lại quên đi sự tàn nhẫn của thời gian, sự ngắn ngủi của cuộc đời và sự mong manh của sự sống.
Cha mẹ chúng ta không phải là thánh thần, ai cũng có những điểm không hoàn hảo. Sẽ có những lúc chẳng tránh khỏi gay gắt, đôi khi tâm trạng tồi tệ, những suy nghĩ có phần cổ hủ...
Tôi từng đọc được một câu nói rất đau lòng: "Cha mẹ là bức tường ngăn cách chúng ta và cái chết". Câu nói này đã khắc sâu trong tâm trí tôi rất lâu sau khi đọc được.
Dù bạn bao nhiêu tuổi, 20, 30 hay thậm chí là 60, sẽ cảm thấy cái chết còn rất xa vời. Nhưng một khi cha mẹ của bạn rời đi, bạn sẽ lập tức hiểu được sự ngắn ngủi của cuộc sống. Sau một khoảnh khắc, bạn trở thành một đứa trẻ không còn cha/mẹ trên đời.
Cha mẹ cho ta xuất phát điểm của cuộc đời nhưng lại không thể cùng ta đi đến cuối.
Ba năm trước, sau khi bà tôi qua đời, cha tôi thường bị tỉnh giấc giữa đêm và nói rằng đã mơ thấy bà về. Cha thấy bà đang đi rất nhanh đến trước mặt mình nhưng làm mọi cách, cha vẫn không thể nào nắm lấy được bàn tay bà, chẳng thể nói được với nhau câu gì. Bà bước đi ngày càng xa cha, ngoảnh lại cha thấy con đường phía sau tối đen như mực, cảm giác như đứa trẻ mất phương hướng.
Khi cha mẹ còn ở bên, dù bạn khỏe mạnh hay ốm đau, thành công hay vấp ngã, bạn vẫn sẽ nghĩ rằng vẫn luôn có người sẵn sàng cùng mình đương đầu với tất cả. Nhưng khi cha mẹ không còn, mọi thứ chỉ có thể tự mình gánh vác.
Đây là nỗi đau mà những người từng trải qua sẽ càng thấu hiểu sâu sắc.
Đã bao giờ bạn tự hỏi mình có thể ở với cha mẹ bao lâu nữa chưa? Nếu một tháng bạn về quê thăm cha mẹ 1 ngày, ở bên cha mẹ 8 tiếng thì 1 năm, 5 năm hay 20 năm nữa bạn thực tế chỉ dành cho cha mẹ thời gian là bao lâu? Quá ít phải không!
Khi còn nhỏ, chúng ta khao khát sự bầu bạn của cha mẹ, luôn muốn có cha mẹ kề bên nhưng khi lớn lên, chúng ta lại quên rằng cha mẹ cũng cần sự đồng hành của con cái.
Một ông lão nọ đi đến cửa hàng sửa chữa điện thoại di động. Sau một hồi lâu kiểm tra, nhân viên nói rằng điện thoại của ông không bị hỏng hóc ở đâu hết. Ông lão nghe thấy vậy liền bật khóc:
"Điện thoại không hỏng, sao tôi lại không nhận được cuộc điện thoại nào của con cái?"
Ông sống một mình và không nhận được sự quan tâm của con cái. Ông không muốn tin rằng các con của mình đã quên mình, tự dối lòng rằng do chiếc điện thoại đã bị hỏng.
Chúng ta thường nghĩ rằng, thời gian còn lại rất dài và sẽ còn nhiều cơ hội để chúng ta về nhà, làm tròn chữ hiếu của mình với cha mẹ. Thế nhưng chúng ta lại quên đi sự tàn nhẫn của thời gian, sự ngắn ngủi của cuộc đời và sự mong manh của sự sống.
Cha mẹ như một cây lộc vừng già đã mấy chục năm. Dưới sự tàn phá của thời gian, từ những tán lá tươi tốt đến những cành trơ trụi của cây cổ thụ, chỉ một cơn gió mạnh thôi là có thể quật ngã bất cứ lúc nào.
Khi còn nhỏ Lý Tiểu Long một mình sang Mỹ học võ, ở Mỹ chịu rất nhiều kỳ thị chủng tộc. Khi anh có cơ hội trở thành siêu sao nổi tiếng thế giới thì cha anh qua đời vì bạo bệnh. Sau khi Lý Tiểu Long trở về Hong Kong, anh đã tự trách bản thân mình rất nhiều vì khi có thể phụng dưỡng, báo hiếu cha mẹ thì người đã không còn.
Có những người dành đến cả nửa cuộc đời để đạt được danh vọng, địa vị như mình vẫn luôn ao ước. Đến một ngày, khi họ vội vã trở về nhà thì đã chẳng thể kịp nhìn thấy cha mẹ lần cuối. Suy cho cùng, tiền tài, địa vị hay những thứ hào nhoáng kia có là gì so với việc được ở bên cha mẹ.
Thời gian chẳng chờ đợi bất kỳ ai. Đó là sự tiếc nuối mà không ai có thể thay đổi được, cả đời cũng không thể bù đắp được khi đã mắc phải.
Có những điều khi còn trẻ chúng ta không thể hiểu được, không biết trân trọng để rồi khi hiểu ra thì đã muộn rồi.
Đối xử tử tế với cha mẹ không chỉ là sự giáo dục lớn nhất của đời người mà còn là bài học cuộc sống mà ai cũng cần phải học.
Đừng phàn nàn khi cha mẹ không thể giúp bạn thực hiện những tham vọng của đời mình.
Đừng luôn miệng than phiền rằng cha mẹ sao lại nói nhiều thế, can thiệp sâu vào cuộc đời của ta như thế.
Đừng khó chịu khi một ngày kia cha mẹ mắt mờ chân chậm, chẳng còn minh mẫn được như xưa.
Cha mẹ của chúng ta không phải là thần thánh, sẽ có những điểm không hoàn hảo, sẽ có những sai lầm lớn nhỏ khác nhau, đôi khi gay gắt, đôi khi rập khuôn...
Nhưng họ cũng là người yêu thương ta vô điều kiện, dành cho chúng ta tình yêu bao la trời biển mà chẳng màng báo đáp.
Bởi vậy, thái độ đối với cha mẹ chính là tính cách chân thật nhất của mỗi người