Người đàn bà hư hỏng ấy chính là người mẹ nhẫn tâm của tôi. Bà đã bỏ cha con tôi để chạy theo một người đàn ông khác. Vậy mà cha tôi vẫn yêu một cách mê muội…
Hồi đó dù còn rất nhỏ nhưng tôi cũng cảm nhận được nỗi đau chia ly, mất mát khi mẹ tôi bỏ nhà đi theo người đàn ông khác. Mẹ tôi leo lên xe ôm sau khi nói với cha: “Đừng có tìm tôi. Đến chết tôi cũng không về cái ổ chuột của cha con anh”.
Năm đó tôi 5 tuổi. Chẳng hiểu sao có những điều khắc sâu vào tâm khảm như một vết chém không bao giờ lành miệng. Sự phản bội của mẹ tôi cũng vậy.
Sau này lớn lên, tôi nghĩ, người đàn ông phản bội còn có thể tha thứ chứ người đàn bà dám vứt bỏ chồng, con để chạy theo nhân tình thì vết nhơ ấy không bao giờ gột rửa được. Thâm tình mà người ta còn vứt bỏ thì có việc gì mà người ta không dám làm?
Tôi lớn lên trong mặc cảm mình là con của một người đàn bà hư hỏng, một người mẹ nhẫn tâm, nên suốt những năm tháng ở quê nhà, tôi cứ cúi gằm mặt. Biệt danh “Tâm lủi” bạn bè đặt cho tôi từ những ngày tháng đó.
Hai cha con tôi sống hẩm hút với nhau cho đến năm tôi lên lớp 6 thì một tối nọ, cha bảo tôi thu dọn quần áo: “Đi thôi con”. Cha chỉ nói vậy rồi lầm lũi dọn đồ đạc. Lớp thì cha đóng thùng, lớp bỏ vô bao ni lông. Tôi tần ngần nhìn mọi thứ rồi ngập ngừng hỏi cha: “Mình đi đâu vậy cha?”. Cha vẫn cắm cúi làm việc, không ngẩng lên: “Xa lắm, nói ra con cũng không biết đâu”.
Sáng hôm sau, có một chiếc xe lam chạy vào gần nhà. Tôi phụ cha khiêng đồ đạc ra xe. Sau đó chiếc xe nổ máy, chở cha con đi về một nơi thật xa, xa đến nỗi tôi ngủ, thức mấy lần mới tới. Đó là Sài Gòn, nơi tôi sống đến bây giờ.
Cha mướn một phòng trọ nhỏ xíu. Đồ đạc cái nào thật cần thiết thì mới lấy ra, không thì vẫn để nguyên trong thùng. Tối đầu tiên, hai cha con ăn bánh mì thay cơm nhưng tôi thấy ổ bánh mì thật ngon. Vừa ăn, cha vừa nói: “Con nhớ chú Tư Kha, cháu nội ông hội đồng không? Cái nhà xưa thật bự ở ngoài vàm đó? Chú hứa sẽ kiếm việc làm cho cha trong nhà máy của chú. Ngày mai cha bắt đầu đi làm. Con ở nhà phải lấy sách vở ra tự học...”.
Năm 19 tuổi, tôi thi đậu vào Trường Cao Thắng. Tôi học trường đó là vì chú Kha, ân nhân của cha con tôi khuyên như vậy. (Ảnh minh họa)
Đêm đó cha con tôi nói chuyện rất nhiều, y như thể hai người lớn nói chuyện với nhau. Vậy là chuyện cơm áo không phải lo, mà bây giờ cha lo nhất là chuyện học hành của tôi. Cha nói sẽ nhờ chú Kha xin cho tôi đi học bổ túc văn hóa. “Mình không có hộ khẩu nên con chịu khó... Phải cố gắng thì mới mong đổi đời”.
Cha tôi vốn ít nói, lại càng kiệm lời hơn kể từ khi mẹ bỏ đi. Đôi khi tôi nhìn trộm vẻ khắc khổ của cha mà thấy lòng đau nhói. Tôi ước cha có người phụ nữ khác để thay mẹ chăm sóc cho cha, thế nhưng bao nhiêu năm qua, cha vẫn lầm lũi đi về một mình; cha làm việc y như thể để trả thù cái nghèo, cái khó đã làm cho cha mất vợ, mất hạnh phúc gia đình.
Năm 19 tuổi, tôi thi đậu vào Trường Cao Thắng. Tôi học trường đó là vì chú Kha, ân nhân của cha con tôi khuyên như vậy. Tôi nhớ có lần chú bảo: “Cháu phải học lấy một nghề để sau này nuôi thân; đừng ham đại học này, đại học nọ; sức mình tới đâu thì theo tới đó... Cứ có một nghề trong tay rồi sau này muốn học tới đâu cũng được”.
Sau bao nhiêu năm làm việc cật lực, cha tôi đã dành dụm đủ tiền để mua một miếng đất ở huyện Bình Chánh để cất một căn nhà cho hai cha con. Miếng đất thì lớn nhưng căn nhà thì nhỏ, lúc rảnh rỗi, cha lại trồng tỉa đủ thứ như hồi ở dưới quê. Dường như cha thấy vui hơn khi làm việc đó.
Có lần tôi nói với cha: “Khi nào con đi làm có tiền, con sẽ cất cho cha một ngôi nhà thiệt đẹp”. Cha cười: “Đợi tới chừng đó hẳng hay”. Tôi thương cha thì nói vậy thôi chớ trong bụng lại nghĩ, không biết tới chừng nào mới làm được điều đó? Chắc là phải chờ trúng số độc đắc...
Mà cha con tôi trúng số độc đắc thiệt. Tự dưng rồi có người hỏi mua miếng đất còn dư mà cha trồng rau cải cạnh nhà. Cha chỉ cắt bán một phần nhưng đã có đủ tiền để cất một ngôi nhà thật lớn và còn dư để gởi ngân hàng. Cha nói: “Cất nhà lớn để cha làm sui cho nở mày, nở mặt. Con có thương đứa nào thì cứ dắt về cho cha coi mắt”.
Tôi lắc đầu: “Vợ con gì cha ơi, con không lấy vợ đâu”. Trong thâm tâm, tôi sợ gặp phải người như mẹ. Chính người mẹ nhẫn tâm của tôi đã trở thành tấm gương xấu trong suy nghĩ của tôi về phụ nữ.
Tôi đâu biết rằng, người phụ nữ ấy đã ở ngay cạnh cha con tôi từ rất lâu rồi. Bà đã gặp lại cha tôi, đã kể lể nỗi niềm, đã khiến cha tôi xúc động và tha thứ. (ảnh minh họa)
Khi tôi đi học rồi đi làm, có nhiều người nói thương tôi nhưng tôi không nhận lời ai. Nhìn họ, tôi lại nghĩ đến mẹ. Đôi khi tôi nghĩ, người đàn bà hư hỏng ấy không hề có trái tim. Bao nhiêu năm nay bà chẳng hề liên hệ, thăm hỏi; chẳng hề biết là bà từng có một đứa con trên đời. Sao lại có những người mẹ nhẫn tâm, độc ác như vậy chứ!
Tôi nói với cha về suy nghĩ của mình. Ông lặng yên rất lâu, sau đó mới chậm rãi nói: “Có thể bà ấy có lý do... Biết đâu bây giờ bà ấy gặp khó khăn, bất hạnh nên xấu hổ không dám tìm gặp chồng con...”. Cha tôi nói y như thể ông hiểu rõ nguồn cơn mọi chuyện. Nghe cha nói, nhìn ánh mắt cha, tôi thấy có vẻ như ông vẫn còn vấn vương hình bóng người đàn bà hư hỏng ấy.
“Cha còn thương mẹ lắm phải không? Sao cha không đi bước nữa?”- có lần tôi hỏi. Cha trầm ngâm: “Một lần là quá đủ rồi, bước nữa làm gì?”. “Nhưng con thấy cha hay gọi điện thoại hoặc có ai đó gọi điện cho cha... Có phải... có người thương cha không? Cha cứ đưa về cho con coi mắt”- tôi nói y như cha đã từng nói với tôi trước đó.
Nhưng cha tôi đã đánh trống lãng. Ông luôn tìm cách né tránh mỗi khi tôi nhắc đến hạnh phúc riêng tư. Điều đó khiến tôi nghĩ, có lẽ cha tôi còn thương mẹ tôi nhiều lắm. Nếu không, ông đã chẳng chặt dạ như vậy.
Cách nay khoảng 3 tháng, cha tôi bệnh nặng. Khi tôi đưa cha vào bệnh viện, ông dặn dò: “Sau này con có gặp lại mẹ thì cũng nên tha thứ cho bà ấy. Phàm là con người, ai cũng có thể mắc phải sai lầm. Con là phận con cái, không được giận hờn, trách móc cha mẹ”. Tôi hứa với cha nhưng không chắc là mình có làm được không? Tôi cũng không hi vọng gì gặp lại người mẹ nhẫn tâm, người đàn bà hư hỏng ấy bởi đã hơn 20 năm rồi, không biết bà trôi dạt đến tận nơi nào...
Tôi đâu biết rằng, người phụ nữ ấy đã ở ngay cạnh cha con tôi từ rất lâu rồi. Bà đã gặp lại cha tôi, đã kể lể nỗi niềm, đã khiến cha tôi xúc động và tha thứ. Nhiều năm qua, bà thuê nhà ở gần cha con tôi, hàng tháng, cha tôi vẫn lén lút gặp gỡ, cho tiền bà. Cha đã giấu tôi tất cả những việc đó vì ông biết tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho người mẹ nhẫn tâm, độc ác của mình.
Khi cha tôi nằm viện, ông đã gọi điện cho bà. Tất nhiên là bà đã lén lút đến thăm khi không có tôi ở đó. Nhưng trời bất dung gian, rồi cũng có lúc bà phải đối diện với tôi. Hôm đó tôi vào công ty một lát thì cúp điện. Tôi về nhà nấu cháo rồi mang vào bệnh viện sớm hơn mọi ngày một chút. Vừa mở cửa phòng, tôi thấy cha đang nắm tay một người phụ nữ. Bà ta đang khóc, hai mắt đỏ hoe.
Tôi nhìn người phụ nữ, linh cảm cho tôi biết người ấy có liên quan tới mình. Đúng lúc ấy, cha tôi cất tiếng: “Đây là mẹ con...”. Hóa ra là vậy. Nhưng bà là mẹ của ai chứ? Có người mẹ nào lại bỏ con theo trai không? Bỏ chồng có thể tha thứ chứ bỏ con là tội trời không dung, đất không tha... Tôi bỗng thấy cơn giận bùng lên. Tôi bước đến gần: “Bà tránh xa cha con tôi ra”.
Những chuyện xảy ra sau đó, tôi không muốn kể lại. Nhưng tôi đã kiên quyết đuổi người đàn bà hư hỏng ấy đi. Tôi đổi phòng cho cha từ phòng đơn sang phòng đôi ở khu dịch vụ của bệnh viện và căn dặn mấy cô y tá không được để cho người đàn bà ấy vào thăm cha. Tôi còn dặn người bệnh nằm chung phòng để ý dùm cha tôi. Nói chung là an ninh xung quanh cha tôi được xiết chặt.
Kết quả là tình hình của cha tôi chuyển biến xấu đi nhanh chóng. Ông suy sụp hẳn, ăn ít, ngủ ít. Ông không nói gì với tôi nhưng trong ánh mắt u buồn ấy, tôi nhận ra một tình yêu không gì lay chuyển dành cho mẹ tôi.
Trời ơi, tôi thật không hiểu nổi. Tại sao trên đời này lại có loại đàn bà như mẹ tôi? Tại sao lại có những người đàn ông yêu một cách u mê, mù quáng như cha tôi? Chắc kiếp trước họ mắc nợ nhau nên kiếp này muốn dứt mà không dứt được…
Không lẽ bây giờ tôi phải đem người đàn bà ấy về cho cha và xem như chưa từng có việc gì xảy ra?