Kiếm hơn tỷ đồng/tháng, tôi vẫn bị nhà vợ coi là 'thằng giẻ rách'

Ngày 06/11/2016 14:38 PM (GMT+7)

"Nó đang sống trong cái nhà này, công sức của ông già này. Nó làm ăn phát đạt cũng là phúc lộc của nhà này. Đúng là cái đồ không cha không mẹ, nên không ai dạy dỗ cả".

Khi kể ra câu chuyện này, tôi thật sự cảm thấy bế tắc vô cùng. Đôi khi tôi chỉ muốn ly hôn cho xong. Bởi lẽ làm rể đã hơn 10 năm nay, cống hiến không mệt mỏi cho gia đình vợ, nhưng tôi vẫn bị bố mẹ vợ coi khinh là đứa con hoang, không cha không mẹ. Không chỉ thế, đi đâu, bố mẹ tôi cũng nói “Nó có được ngày hôm nay, cũng nhờ hồng phúc của nhà này thôi”.

Tôi tên là Hùng, sinh năm 1976 quê ở Thái Bình. Từ nhỏ, tôi mồ côi cha, khi tôi vào cấp 2, mẹ tôi đi bước nữa và theo chồng vào Nam từ năm đó không về. Tôi sống cùng ông bà nội. Nhưng rồi khi tôi vào cấp 3, ông bà tôi cũng qua đời vì ốm đau, tuổi già. Từ đó, tôi sống cùng gia đình bác.

Tuy là bác ruột, nhưng tình thương yêu dành cho tôi chẳng có mấy. Sau khi ông bà mất, hai bác bắt tôi nghỉ học ở nhà làm ruộng. Với một đứa trẻ vừa bước qua tuổi 15 đó là một điều vô cùng bất hạnh, không học hành, suốt ngày làm quần quật như một cái máy. Bởi không cha, không mẹ, không tình thương, tôi không có sự phát triển cả về thể chất, tinh thần. Tôi gầy gò như đứa trẻ lên 10, nhưng lao động như một đứa 20 tuổi.

Cơ cực quá, nên khi tròn 20 tuổi, tôi lên Hà Nội làm thuê. Ngày đó, tôi tự nhủ, dù có gian khổ đến mấy tôi cũng sẽ cố miễn là tôi không phải quay về cuộc sống “ăn nhờ ở đậu nữa”. Cũng bởi tôi thật thà, nên tôi khá may mắn trong công việc.

Sau khi bươn chải ở Hà Nội được khoảng 5 năm, tôi bén duyên kinh doanh và làm ăn phát từ đó. Tôi chăm chỉ, tôi cũng học được những mánh khóe trong kinh doanh. Và rồi khi có chút vốn, tôi mở cửa hàng kinh doanh riêng.

Khi cuộc sống đã bắt đầu êm ả, tôi gặp Trinh, một cô gái Hà Nội. Trinh vừa tốt nghiệp cao đẳng và đi làm tại một công ty đối diện cửa hàng tôi. Nhà Trinh trên phố cố, không giàu nhưng bố mẹ em đều là công chức về hưu. Mới gặp có vẻ Trinh cũng ấn tượng với tôi nên em không ngần ngại cười nói và cho tôi địa chỉ facebook. Tối hôm đó, chúng tôi nói chuyện rất lâu.

Kiếm hơn tỷ đồng/tháng, tôi vẫn bị nhà vợ coi là #039;thằng giẻ rách#039; - 1

Tôi bịa nhà vợ khinh rẻ (Ảnh minh họa).

Được 2 tháng trò chuyện tôi ngỏ lời yêu Trinh. Em nhận lời, và hơn 3 tháng sau đó, chúng tôi kết hôn, dù bố mẹ Trinh có vẻ không hài lòng.

Nhà Trinh khá rộng, nên sau kết hôn tôi mở thêm một cửa hàng tại nhà em kinh doanh. Nhờ mặt tiền tốt nên công việc của tôi khá thuận lợi. Sau khi về sống cùng nhà vợ, tôi mở công ty riêng, kiếm tiền tỉ mỗi năm. Tôi xây lại nhà khang trang, mua xe hơi, rồi đưa bố mẹ vợ, vợ con đi du lịch nước ngoài. Nói chung, tôi từ một thằng làm thuê dần trở thành một ông chủ thực thụ.

Hai bác tôi ở quê, biết tin cũng lên thăm. Vì nghĩ tới quãng thời gian hai bác cho tôi nương nhờ nên tôi cũng có chút quà biếu hai bác về làm nhà, mua chiếc xe máy. Tuy nhiên, tự thân tâm, tôi vẫn buồn và hận lắm.

Dù tôi đã có đóng góp không nhỏ cho gia đình vợ, tuy nhiên bố mẹ vợ tôi vẫn luôn so sánh tôi với anh rể làm nhà nước. Dù anh rể tôi chỉ là trưởng phòng, nhưng đi đâu bố mẹ vợ tôi cũng khoe cơ quan này nọ. Còn nói về tôi, họ nói như một thằng buôn bán, suốt ngày tất bật đơn hàng này, đơn hàng nọ.

Họ chê tôi tất bật, ăn mặc lôi thôi, suốt ngày bê vác hàng hóa (dù tôi là một giám đốc). Tôi chỉ chưng diện khi đi gặp khách hàng, gặp đối tác mà thôi. Còn họ khen anh rể tôi ngồi bàn giấy, áo sơ mi hàng hiệu, giày bóng lộn, đi xe hơi (cũng là tiền vay của tôi).

Không ít lần tôi nghe được những câu nói khó chịu và bỏ lên phòng kiểu như “con là giám đốc chịu khó ăn mặc bảnh tí. Người ta đến cứ tưởng con là nhân viên, thằng bán hàng đấy”, “Con nên tìm học tại chức có bằng cấp vẫn hơn”, “Kinh doanh có thời, sau này thất nghiệp không có bằng cấp thì làm gì”,…

Chuyện sẽ chẳng có gì nếu vợ chịu nghe tôi ra ở riêng. Dù tôi đã mua một căn chung cư hơn 4 tỉ ở Mỹ Đình, nhưng cuối tuần mới về đó nghỉ ngơi. Vợ tôi- cô ấy cứ khăng khăng “Nhà mình rộng, anh kinh doanh đang tốt, ráng vài năm nữa đi anh”.

Chiều hôm qua, sau khi ông bà bảo tôi chở ông bà đi thăm người quen tận Chương Mỹ, vì tôi đang bận đơn hàng quan trọng không đi được. Khi ông bà bắt taxi, chẳng biết bị chặt chém thế nào mà về mặt hằm hằm. Khi tôi chào cũng không thèm hỏi. Chỉ khi tôi đi qua phòng bếp nghe mẹ vợ tôi càu nhàu:

“Đúng là cái thằng giám đốc giẻ rách. Nó lúc nào chẳng bận này nọ. Có cái chuyện chở bố mẹ vợ đi thăm bà con mà cũng không sắp xếp được thời gian. Nó không biết hiếu lễ hay sao ấy ông ạ” - mẹ vợ tôi càu nhàu.

Bố vợ tôi thì gắt gỏng: “Cái thằng bố láo, nó nghĩ nó là ai chứ. Bằng cấp không, học vấn cũng không, chỉ giỏi lẻo mép. Nó đang sống trong cái nhà này, công sức của ông già này. Nó làm ăn phát đạt cũng là phúc lộc của nhà này. Đúng là cái đồ không cha không mẹ, nên không ai dạy dỗ cả”.

Tôi nghe thế mà lạnh cả sống lưng. Chẳng ngờ bố mẹ tôi lại nói thế. Đúng là nhà của ông bà, nhưng họ đâu biết để có căn nhà khang trang này, để có nội thất tiện nghi như hôm nay tôi đã tốn bao nhiêu giọt mồ hôi. Còn nữa, con cháu ông bà ở quê cũng nhờ tôi mà có công ăn việc làm ổn định. Chẳng nhẽ, chừng đó không đủ để ông bà ghi nhận hay sao?

Tôi buồn, tôi thấy tủi nhục vô cùng, tôi hận đời, hận bố mẹ đã để tôi có cuộc sống như hôm nay. Sau những gì hôm nay, tôi quyết sẽ không ở lại đây thêm một ngày nào nữa, tôi sẽ chuyển về nhà tôi mua, thuê cửa hàng mới kinh doanh. Và tôi cũng sẽ ghi nhớ những lời bố mẹ vợ tôi nói, để tôi hiểu rằng, câu nói khác máu tanh lòng nó luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Nhất là với thằng đàn ông như tôi.

Nguyễn Hùng (Thái Bình)

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình