Thuở ban đầu, tôi không hề ghét bỏ đứa con riêng của chồng. Nhưng chỉ vì tôi là mẹ kế, mọi người mặc nhiên coi tôi như dì ghẻ, "bánh đúc có xương". Chính họ đã đẩy tôi vào vòng tròn luẩn quẩn áp lực - miệng đời.
Những ngày qua, câu chuyện đứa trẻ sống cùng mẹ kế và bố đẻ bị đánh đập đáng thương cứ bủa vây lấy tôi. Đã lâu rồi, tôi sống khép mình để lãng quên đi cái quá khứ đen tối đó.
Nhưng hôm nay, những lời mắng chửi của thiên hạ như một con dao gợi lại những xúc cảm của nhiều năm trước. Phải rồi, tôi – cũng chính là một bà mẹ ghẻ như thế…
Tôi quen anh khi bản thân vừa bước vào cổng trường đại học, cái tuổi 18 ngây thơ khờ dại khiến tôi bị choáng ngợp bởi vẻ điềm tĩnh và đầy chất đàn ông của anh – người đàn ông đã qua 1 đời vợ và có một đứa con riêng.
Vậy là tôi như con thiêu thân, bất chấp mọi lời khuyên ngăn của gia đình, bạn bè, yêu anh đến cuồng dại, thề thốt với anh sẽ coi con anh như con đẻ của mình, yêu thương nó hết lòng. Mà lúc đó, tôi nghĩ như vậy thật.
Một đứa trẻ 2 tuổi với đôi mắt to tròn ngây thơ, còn chưa biết thế nào là mẹ ghẻ - con chồng, là yêu hay ghét, làm sao tôi có thể nghĩ đến cái việc như đánh đập, hành hạ nó chứ.
Rồi cái gì đến cũng phải đến, chúng tôi cưới nhau, tôi nghỉ học ở nhà để chăm sóc con trai anh cùng công việc gia đình. Có lẽ, mọi việc bắt nguồn từ cái quyết định ngu ngốc đó của tôi.
Khi sống chung với nhau, tôi mới thấu hiểu cái cảm giác của một người phụ nữ gia đình nó cô độc, mệt mỏi và căng thẳng đến mức nào. Thằng bé – từ một đứa trẻ ngây thơ đáng yêu bỗng hóa thành cái gánh nặng ám ảnh tôi đến kinh hoàng.
Mỗi ngày khi mở mắt ra, nhìn đống hỗn độn mà nó gây ra, mùi thối, mùi khai bốc lên nồng nặc, một đứa con gái 19 tuổi như tôi, chưa hề hiểu thế nào là “làm mẹ”, giờ phải thực hiện thứ nghĩa vụ đó một cách bắt buộc.
Tôi bắt đầu ngán ngẩm thằng bé, chỉ muốn tống nó sang nhà mẹ chồng để bà trông giúp, nhưng mỗi lần tôi dẫn nó sang, mẹ chồng tôi lại nói móc máy là “Mấy đời bánh đúc có xương, khổ thân cháu bà chưa, làm gì có ai thương mà trông, mà chăm cho.” Vậy là, tôi lại phải đem nó về nhà, nhốt nhau trong bốn bức tường im lìm tiếng động.
Ảnh minh họa
Khi đó, tôi thèm và nhớ điên cuồng những ngày tháng trên giảng đường, những lúc đi café chém gió cùng bạn bè… Đứa trẻ - vô hình trở thành sợi dây trói tôi lại, nhen nhóm trong tôi sự ghét bỏ đối với nó từ bao giờ.
Vài tháng sau khi cưới, tôi mang bầu. Khác với cảm xúc hạnh phúc mãnh liệt của tôi, chồng tôi chỉ ừ à gật đầu rồi lại đi làm biền biệt. Có lẽ, việc có con với anh không có gì là lạ lẫm, bao nhiêu sự ngạc nhiên hay hân hoan, anh đã dành cả cho đứa con đầu tiên của mình rồi, lấy đâu ra mà dành cho con tôi nữa.
Nhìn thái độ của anh, tôi buồn một thì lại giận đứa con riêng hơn gấp 10. Tôi bắt đầu đụng tay, đụng chân với nó từ khi đó.
Tôi biết tôi sai, ngay cả khi giơ tay, cầm roi đánh nó, tôi vẫn luôn biết mình sai. Đánh xong tôi lại giật nảy người khi nghĩ đến hậu quả, nếu chồng tôi biết, nếu mẹ chồng, nhà chồng tôi hay. Chỉ nghĩ thôi, tôi đã bủn rủn chân tay.
Nhưng rồi, tôi lại không thể kiềm chế được cơn nóng giận của mình, và đòn roi, khi đã vung ra rồi, người ta không còn cảm nhận thấy thế nào là nặng, là nhẹ nữa.
Tôi bầu càng lớn, thằng bé càng bước vào cái tuổi dở dở, ương ương. Nó bướng hơn, hay khóc và cũng nghịch ngợm hơn. Vậy là, lẽ tất nhiên, nó ăn đòn của tôi nhiều hơn cả bữa cơm trong nhà, trận đòn sau lại đau hơn, nặng hơn trận trước.
Mỗi lần nhìn nó, tôi lại nghĩ đến những lời cay nghiệt chồng tôi đã nói, nhớ lại sự lạnh lùng của anh ta đối với mẹ con tôi.
Có lẽ tinh thần quá mệt mỏi khiến tôi bị sinh non, con tôi chào đời nặng có 2 cân 4, nhỏ xíu và phải nằm lồng kính. Tôi thương con, hận chồng và căm ghét đứa con riêng kia của anh. Đến lúc đón được con mình về, nỗi sợ hãi đứa con riêng sẽ “nhân một lúc nào đó, hãm hại con tôi” khiến tôi như bị bịt mắt.
Tôi không cho nó được đến gần con tôi, không hề quan tâm đến sự tồn tại của nó mà chỉ chăm chăm bảo vệ con gái của mình. Có lần, tôi còn nghe mẹ chồng tôi thủ thỉ với đứa con riêng: “Cháu đừng lo, bố và bà vẫn yêu đích tôn của bà nhất trên đời, mọi tài sản rồi đều là của cháu hết, không phải tủi thân khi có em đâu.”
Những lời nói đó của mẹ chồng càng khiến tôi như con thú bị thương, gầm gào phản kháng.
Ngày đó rồi cũng đến, cái ngày hạ màn cho tất cả sự giận dữ, tất cả nỗi bi thương trong một gia đình. Đó là cái hôm chồng tôi nói anh đi công tác, mẹ chồng thì bận không sang chơi với cháu được. Tôi ở nhà cùng với con riêng của chồng và con gái nhỏ.
Ảnh minh họa
Cơn giận dữ bao lâu nay bị kìm nén được ngày bùng phát chỉ vì đứa trẻ làm đổ bát cơm ra đất. Tôi không thể nhớ được khi đó mình đã làm gì, chỉ biết có một thứ đèn ngòm phủ lên đầu tôi khiến tôi như mất trí, hành động điên cuồng như thú dữ.
Mọi thứ chỉ bừng tỉnh khi tôi nghe thấy tiếng thét của mẹ chồng tôi, tiếng gầm của chồng tôi và cái đẩy tay của anh ta khiến tôi ngã nhào ra đất.
Thì ra, gia đình anh ta đã phát hiện vài vết thương trên người đứa trẻ từ lâu nhưng không có bằng chứng và vì tôi sắp đến kì sinh đẻ rồi lại ở cữ nên họ nhẫn nhịn. Họ cho rằng tôi cố tình dựng lên mọi chuyện ngay từ đầu để hành hạ đứa con chồng đáng thương.
Dù tôi có khóc, có giải thích đến đâu đi nữa, đáp lại lời tôi nói chỉ là tiếng chửi rủa không ngừng của mẹ chồng, bà còn đòi kiện tôi ra toà.
Bố mẹ tôi nghe tin phải tức tốc từ quê lên, quỳ lại van xin gia đình nhà chồng đừng kiện tôi đi tù rồi đưa hai mẹ con tôi về quê ngay hôm đó. Cả con gái tôi, vô tình cũng phải chịu chung bản án từ hình của mẹ nó, bị chính bố và bà nội xua đuổi…
Tôi đã từng ân hận, cũng từng bị ám ảnh bởi tiếng khóc đau xóc của đứa trẻ kia, cũng có lúc nhìn vào mình trong gương rồi tự hỏi, tôi là người hay là quỷ.
Nhưng, giá như chồng tôi khi đó đừng bỏ mặc một đứa con gái 19 tuổi như tôi với đứa trẻ nhỏ lại căn nhà trống, giá như anh dạy tôi cách làm mẹ rồi hẵng để tôi thực hiện nó trước thì mọi chuyện đâu đến ngày hôm nay.
Tôi không giải thích hay biện minh cho chính mình, nhưng một câu chuyện, chỉ xin người đời hãy nhìn nó nhiều dung thứ hơn, hãy hiểu hết những gì bên trong rồi hẵng buông lời phán xử.