Khi bạn đặt ra được mục tiêu tiết kiệm cụ thể, bạn sẽ bắt đầu tiết kiệm tiền dễ dàng hơn.
1. Chọn một mục tiêu tiết kiệm cụ thể
Bạn cần xác định mình đang tiết kiệm tiền để làm gì. Mục tiêu tiết kiệm của bạn có thể là để mua nhà, cho kỳ nghỉ của cả gia đình hoặc một chiếc xe mới. Bạn cũng có thể tiết kiệm cho những năm tháng hưu trí sau này hoặc đơn giản là cho quỹ khẩn cấp. Hoặc bạn có thể đang tiết kiệm vì tất cả những lý do này.
Khi bạn đã rõ mình đang tiết kiệm cho mục đích gì, hãy xác định số tiền bạn cần có để đạt được từng mục tiêu đó.
2. Tạo ra dòng thời gian tiết kiệm
Khi bạn đã có mục tiêu tiết kiệm và số tiền bạn cần tiết kiệm, việc đặt ra thời hạn sẽ giúp ích cho bạn trong việc hoàn thành mục tiêu của mình. Bạn cũng sẽ có thêm động lực để tích cực làm việc hướng tới các mục tiêu tiết kiệm.
Ví dụ: Bạn có thể muốn thực hiện chuyến du lịch gia đình sau 1 năm nữa hoặc mua nhà sau 2 năm. Đối với các mục tiêu khác như tiết kiệm để nghỉ hưu hoặc quỹ khẩn cấp, bạn có thể đặt ra các cột mốc và ngày mà bạn muốn đạt được các mốc này. Ví dụ: Bạn có thể xác định rằng bạn muốn có 100 triệu đồng trong tài khoản tiết kiệm hưu trí khi bạn 30 tuổi.
3. Đặt mục tiêu hàng tháng
Để đạt được dòng thời gian bạn đã đặt cho mục tiêu tiết kiệm của mình, bạn cần xác định số tiền bản thân phải tiết kiệm mỗi tháng. Với một phép tính này, bạn sẽ không còn mơ hồ trong việc tiết kiệm cũng như biết rõ được mục tiêu tiết kiệm của mình trong mỗi tháng là bao nhiêu.
4. Tự động hóa
Bạn thường làm gì sau khi lấy lương hay nhận được một khoản thưởng? Nghĩ xem bản thân sẽ mua gì, tự thưởng cho bản thân ra sao? Lối tư duy này sẽ nhanh chóng khiến bạn chỉ có thể tiết kiệm vài đồng còn lại mỗi cuối tháng và sớm thất bại trong kế hoạch tiết kiệm.
Thay vào đó, chỉ bằng một bước đơn giản là thiết lập tự động hóa việc tiết kiệm, bạn đang đến gần hơn với mục tiêu của mình. Bạn có thể dễ dàng thao tác để thiết lập số tiền mình cần tiết kiệm chuyển tự động vào tài khoản tiết kiệm vào các ngày nhận lương. Điều này sẽ giúp số tiền bạn cần tiết kiệm “tránh xa” tầm mắt của bạn, khiến bạn không còn bận tâm đến việc sẽ tiêu những đồng tiền đó thế nào.
5. Sử dụng công cụ tiết kiệm phù hợp
Ngay cả việc gửi tiết kiệm ngân hàng cũng sẽ mang lại các kết quả khác nhau với các lựa chọn khác nhau. Nếu bạn lựa chọn đặt khoản tiết kiệm của mình vào ngân hàng, hãy dành một chút thời gian để nghiên cứu xem ngân hàng nào đang có lãi suất tốt nhất.
Sau khi đã lựa chọn được ngân hàng, hãy xem nhu cầu sử dụng tiền của bản thân ra sao, có thể có việc gì cần đến một khoản lớn trong 3, 6 hay 12 tháng tới không. Khi đã có được những thông tin này, bạn sẽ dễ dàng chia số tiền tiết kiệm của mình thành nhiều tài khoản với thời hạn tiết kiệm khác nhau sao cho phù hợp nhất với nhu cầu, tránh việc để bản thân rơi vào thế bị động, phải tất toán một tài khoản tiết kiệm lớn khi có nhu cầu dùng một phần trong đó.
Và nhớ rằng, dù bạn chọn phương tiện tiết kiệm nào, hãy thiết lập chuyển khoản tự động hàng tháng để giúp việc chuyển tiền trở nên dễ dàng.
6. Theo dõi mục tiêu của bạn
Nếu bạn đang hướng tới nhiều mục tiêu tiết kiệm, bạn có nhiều sự lựa chọn. Bạn có thể chọn đưa tất cả số tiền vào một tài khoản và chỉ cần giữ một cuốn sổ ở nhà để biết số tiền nào sẽ được dùng cho mục tiêu nào hoặc bạn có thể chọn có các tài khoản riêng cho từng mục tiêu tiết kiệm.
Ví dụ: Bạn có thể chọn có một tài khoản tiết kiệm chỉ dành cho quỹ khẩn cấp của mình, một tài khoản khác để tiết kiệm cho căn nhà đầu tiên hoặc chuyến du lịch. Điều này sẽ giúp bạn bảo vệ số tiền mình tiết kiệm cho những mục tiêu cá nhân, tránh bị cám dỗ sử dụng vào các mục đích khác.
Mỗi khi bạn đạt được một số mốc cơ bản trên hành trình, hãy tự thưởng cho mình. Điều này có thể giúp bạn duy trì động lực để tiếp tục đi đúng hướng tới các mục tiêu tiết kiệm lớn hơn của mình.