Bạn nên tiết kiệm được bao nhiêu tiền trước tuổi 30?

Nguyễn Hường - Ngày 26/05/2023 19:00 PM (GMT+7)

Những lời khuyên thiết thực dưới đây sẽ giúp bạn làm giàu thêm khoản tiết kiệm ở tuổi 30. Và ngay cả khi số tiền tiết kiệm của bạn rất khiêm tốn, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu ngay bây giờ và xây dựng tương lai tài chính vững chắc.

30 tuổi là cột mốc nhiều người nghĩ rằng còn khá trẻ cho các kế hoạch lớn trong đời nhưng đây cũng là thời điểm tuyệt vời để bạn lập kế hoạch và tiết kiệm cho những ngày tháng hưu trí sau này. Vậy, bạn nên tiết kiệm được bao nhiêu tiền trước tuổi 30?

Theo Fidelity Investments, nguyên tắc chung là bạn nên tiết kiệm được ít nhất số tiền tương đương với thu nhập năm của bạn trước 30 tuổi. Tuy nhiên, giống như mọi thứ trong cuộc sống, quy tắc này không phải là phù hợp với tất cả mọi người. Nhớ rằng tài chính cá nhân là của cá nhân. Mỗi chúng ta có những điều kiện, chi phí và nghĩa vụ, cơ hội và tình trạng tài chính khác nhau. Vì vậy, đối với mỗi người, con số này sẽ có khác biệt.

Điều đó có nghĩa rằng nếu bạn không có khoản tiết kiệm thương đương thu nhập năm hoặc thậm chí chưa bắt đầu tiết kiệm, đừng quá căng thẳng. Bạn có thể bắt đầu ngay bây giờ, bất kể tình trạng tài chính của bạn như thế nào hoặc bạn đã ở độ tuổi 30 hay chưa. Những lời khuyên thiết thực dưới đây sẽ giúp bạn xây dựng quỹ khẩn cấp, trả hết nợ và đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn của mình.

1. Tạo mục tiêu tài chính

Bạn có thể mắc sai lầm về tiền bạc nếu bạn không có mục tiêu để hướng tới. Vì vậy, hãy tiếp tục và đặt ra một số mục tiêu tài chính cho chính mình. Những mục tiêu này có thể là bất cứ thứ gì bạn muốn như tiết kiệm để mua nhà, trả hết nợ, tiết kiệm để nghỉ hưu...

Nhớ rằng, không có gì là quá lớn hoặc không thực tế. Việc đặt ra cho mình những mục tiêu cụ thể để hướng tới sẽ giúp bạn thực hiện các bước tiếp theo dễ dàng hơn và tiết kiệm được nhiều hơn.

2. Đặt mục tiêu ngắn hạn

Bạn nên tiết kiệm được bao nhiêu tiền trước tuổi 30? - 1

Khi bạn đã biết mục tiêu tài chính của mình là gì, bạn có thể tạo các mục tiêu ngắn hạn để nhanh chóng đạt được chúng.

Ví dụ: Nếu bạn muốn tiết kiệm 30 triệu đồng một năm, hãy thiết lập các mục tiêu để gửi tiết kiệm 2,5 triệu đồng mỗi tháng. Các mục tiêu ngắn hạn sẽ làm cho các mục tiêu tài chính dài hạn của bạn trở nên đỡ choáng ngợp hơn và cũng thúc đẩy bạn đưa ra các quyết định tài chính tốt hơn.

3. Xây dựng quỹ khẩn cấp

Quỹ khẩn cấp là điều rất quan trọng với tình hình tài chính của bạn, đặc biệt đúng khi bạn ở độ tuổi 30 vì đó thường là lúc bạn có nhiều trách nhiệm hơn trên vai. Hãy ưu tiên xây dựng quỹ khẩn cấp của bạn bằng cách tối ưu hóa cuộc sống của mình để tiết kiệm, thực hiện các thay đổi đối với ngân sách, tìm hiểu cách tiết kiệm tiền, theo dõi thu nhập và chi phí của bạn.

4. Tiết kiệm các khoản thu nhập tăng thêm

Khi được tăng lương hoặc nhận một khoản tiền lớn nào đó ngoài thu nhập thường xuyên, chúng ta có xu hướng muốn tiêu ngay số tiền đó cùng với sự phấn khích. Tuy nhiên, hãy bình tĩnh lại và suy nghĩ xem đâu là nơi bạn thực sự nên đặt những đồng tiền đó vào. Bạn có thể tặc lưỡi rằng số tiền đó không lớn nhưng bằng cách tạo cho mình thói quen tiết kiệm các khoản thu nhập tăng thêm, thu nhập không thường xuyên, bạn đang đến gần hơn với mục tiêu tài chính của mình. Và chỉ cần nghĩ rằng: Nếu bạn làm điều này ngay bây giờ, bạn sẽ có thể đạt được những điều lớn hơn sau này.

5. Trả nợ lãi suất cao

Bạn nên tiết kiệm được bao nhiêu tiền trước tuổi 30? - 2

Không phải tất cả các khoản nợ đều xấu, nhưng nợ lãi suất cao là thứ bạn không cần trong đời. Với loại nợ này, hầu hết khoản thanh toán hàng tháng của bạn sẽ chuyển thành tiền lãi hơn là tiền gốc. Các khoản nợ lãi suất cao sẽ nhanh chóng “ngốn” sạch ví tiền của bạn, vì vậy hãy đặt việc trả nợ lãi suất cao lên ưu tiên.

6. Tự động hóa khoản tiết kiệm của bạn

Nếu bạn muốn làm cho cuộc sống của mình dễ dàng hơn, tự động hóa khoản tiết kiệm của bạn là cách tốt nhất. Với tiết kiệm tự động, một tỷ lệ phần trăm thu nhập của bạn được gửi vào tài khoản tiết kiệm một cách tự động. Bạn sẽ không phải lãng phí thời gian để suy nghĩ về những gì cần tiết kiệm hoặc lo lắng nếu bạn đang chi tiêu quá nhiều.

7. Thường xuyên kiểm tra tình hình tài chính của bạn

Kiểm tra tài chính của bạn là điều rất quan trọng. Biết được tiền của bạn đến từ đâu và dùng vào mục đích gì là một phần của độc lập về tài chính. Hãy tập cho mình thói quen thường xuyên kiểm tra tình hình tài chính.

Điều này có nghĩa là bạn hãy xem xét các khoản chi tiêu, thanh toán tự động cũng như xem xét các khoản tiết kiệm, đầu tư và nợ của mình. Sau đó, rà soáy xem liệu có khoản nào bạn có thể cắt giảm và tiết kiệm hay không và thực hiện điều chỉnh lại ngân sách nếu cần. Đừng đánh giá thấp thay đổi nhỏ này bởi nó có thể giúp bạn tối ưu hóa số tiền của mình theo cách tốt nhất có thể.

8. Luôn nhất quán

Tính nhất quán là chìa khóa cho mọi thứ trong cuộc sống của chúng ta và tài chính cũng không ngoại lệ. Chúng ta rất dễ hào hứng với việc bắt đầu tiết kiệm, đặt ra các mục tiêu tài chính cùng kế hoạch tiết kiệm đi kèm, nhưng rồi nhanh chóng đưa chúng vào quên lãng.

Cuộc sống trở nên bận rộn, những điều bất ngờ xuất hiện, các kế hoạch thay đổi… dù là bất cứ lý do gì, hãy cam kết kiên định với bản thân và tương lai của chính mình. Đóng góp thường xuyên vào quỹ khẩn cấp và danh mục hưu trí, trả hết nợ lãi suất cao, kiểm tra tình hình tài chính của bạn thường xuyên và điều chỉnh khi cần.

Chi tiêu đơn giản, tiết kiệm thông minh: 5 mẹo người khôn ngoan ai cũng biết
Bằng cách trả lời câu nói "Tôi có cần nó không? Tôi có yêu nó không? Tôi có thích nó không? Tôi có muốn nó không?", bạn sẽ biết đâu là khoản chi tiêu xứng đáng.

Bí quyết chi tiêu

Theo Nguyễn Hường
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bí quyết chi tiêu