Hãy bắt đầu áp dụng những lời khuyên tiền bạc này để cải thiện sức khỏe tài chính cũng như tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần. Kiểm soát tiền bạc tốt sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng, sẵn sàng cho tương lai và xây dựng sự giàu có.
Theo nghiên cứu từ Viện nghiên cứu Căng thẳng Hoa Kỳ, 62% người Mỹ cảm thấy căng thẳng về tiền bạc một cách thường xuyên. Tin tốt là bạn có thể chống lại căng thẳng bằng cách cải thiện tình hình tài chính của mình. Dù bạn có đang gặp khó khăn về tài chính hay không, giữ cho tài chính của bạn khỏe mạnh là điều cần thiết.
Sức khỏe tài chính là gì?
Sức khỏe tài chính được định nghĩa đơn giản là mối quan hệ của bạn với tiền bạc. Khái niệm này cũng bao gồm các kế hoạch của bạn để đối phó với các biến cố có thể ảnh hưởng đến tài chính bản thân. Cải thiện sức khỏe tài chính có nghĩa là cải thiện mối quan hệ của bạn với tiền bạc.
Để đánh giá tình trạng tài chính hiện tại của bạn, hãy tự hỏi những câu sau:
Bạn có chuẩn bị về tài chính cho những trường hợp khẩn cấp không?
Bạn đã có kế hoạch để đạt được các mục tiêu tài chính ngắn hạn và dài hạn của mình chưa?
Bạn có ngân sách không và có bám sát không?
Thái độ của bạn với tiền thế nào?
Nghĩ về tiền khiến bạn đau đầu hay thấy vui vẻ?
Hãy nhớ rằng những câu hỏi này không nhằm mục đích khiến bạn cảm thấy tệ hơn mà câu trả lời có thể giúp bạn tìm ra điểm khởi đầu để cải thiện tình hình tài chính của mình. Dưới đây là những lời khuyên tiền bạc hữu ích nhất định đừng bỏ lỡ.
1. Sống đơn giản hơn để cải thiện tình hình tài chính
Sống đơn giản hơn là một trong những lời khuyên tốt nhất bạn có thể làm để cải thiện sức khỏe tài chính. Điều này có nghĩa là bạn sẽ tập trung vào những thứ cần thiết như thực phẩm, nhà ở, các tiện ích chính, phương tiện đi lại, thuốc men và cắt giảm các chi tiêu không thiết yếu.
Sống dưới mức khả năng của mình sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều tiền hơn để dành cho những việc quan trọng hơn. Bạn có thể giảm bớt quy mô nhà ở (chuyển đến nơi có diện tích nhỏ hơn, xa trung tâm hơn, cho thuê bớt phòng…), phương tiện đi lại và rất nhiều thứ khác bạn sở hữu…
2. Đảm bảo rằng bạn có khoản quỹ khẩn cấp trước khi đầu tư
Một trong những thứ quan trọng nhất bạn cần có là quỹ khẩn cấp. Số tiền này có thể giúp bạn vượt qua những thời điểm khó khăn, trang trải chi phí sinh hoạt cho đến khi mọi thứ trở nên ổn hơn.
Càng bắt đầu sớm, bạn sẽ càng tiết kiệm được nhiều và hiệu quả. Hãy đảm bảo rằng bạn có quỹ khẩn cấp trước khi tiến hành đầu tư. Tùy thuộc vào các yếu tố như độ ổn định của công việc, số người phụ thuộc, tình trạng sức khỏe… mà bạn nên có bao nhiêu tiền trong quỹ khẩn cấp của mình. Thông thường, con số này được khuyên nằm trong khoảng 6-9 tháng chi phí sinh hoạt của bạn.
3. Mở ra nhiều nguồn thu nhập
Một trong những lời khuyên giúp bạn sung túc hơn chính là tạo ra nhiều nguồn thu nhập. Có nhiều hơn một nguồn thu nhập là điều cần thiết để bạn đảm bảo sức khỏe tài chính của mình. Đừng chỉ dựa vào một nguồn thu nhập.
Dù bạn là ai, bạn luôn có thể sáng tạo, năng động để kiếm được nhiều tiền hơn. Đó có thể là tận dụng thời gian rảnh của mình để nhận trông trẻ, chạy xe ôm công nghệ hay tận dụng các kỹ năng của mình để làm đồ thủ công, đồ ăn, bánh trái… Tất cả đều là thử thách bản thân để tìm ra cách kiếm được nhiều tiền hơn.
4. Yêu cầu giúp đỡ khi cần
Nhiều người cảm thấy rất khó khăn, ái ngại khi nhờ đến sự giúp đỡ của người khác nhưng hãy nhớ rằng bạn không cô đơn và luôn có người sẵn sàng đưa tay giúp đỡ bạn.
Nếu gặp khó khăn về tài chính, hãy yêu cầu sự giúp đỡ để có thể nhanh chóng vượt qua. Đó có thể là chính chủ nợ của bạn để được gia hạn thời gian trả, giảm lãi suất… hoặc người thân, bạn bè của bạn để được họ hỗ trợ tiền bạc hoặc cho những lời khuyên quý báu.
5. Kiểm tra sức khỏe tài chính định kỳ
Làm thế nào để bạn đảm bảo rằng mình đang cải thiện tình hình tài chính? Hãy thực hiện kiểm tra sức khỏe tài chính thường xuyên như cách bạn khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo cơ thể khỏe mạnh vậy. Việc kiểm tra định kỳ sẽ giúp bạn đảm bảo mình đang đi đúng hướng với mục tiêu, phù hợp với ngân sách và tiết kiệm đủ tiền.
6. Theo dõi chi tiêu
Theo dõi chi tiêu của bạn là một trong những mẹo đơn giản nhưng hiệu quả để đảm bảo sức khỏe tài chính. Nhiều người thường lấy các lý do như phức tạp, bản thân không có nhiều đến mức cần theo dõi chi tiêu song sự thật là bạn sẽ không thể cải thiện tình hình tài chính của mình khi luôn mơ hồ về thu nhập và chi tiêu của bản thân.
Bạn có thể sử dụng các ứng dụng tài chính cài trên điện thoại thông minh hoặc đơn giản là một cuốn sổ và cây bút luôn đem theo mình. Điều quan trọng là chọn cách phù hợp với mình và đảm bảo thực hiện.
7. Sử dụng ngân sách phù hợp
Không phải ngân sách nào cũng phù hợp với tất cả mọi người. Đó là lý do vì sao bạn cần tìm đúng phương pháp lập ngân sách phù hợp nhất với mình.
Có rất nhiều phương pháp để bạn lựa chọn như ngân sách 80/20 (tiết kiệm 20% thu nhập và sử dụng 80% cho các nhu cầu và mong muốn), ngân sách 50/30/20 (50% thu nhập cho nhu cầu thiết yếu, 30% cho chi tiêu linh hoạt và 20% cho tiết kiệm)… Dù lựa chọn của bạn là gì, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ kỷ luật và bám sát ngân sách đó.
8. Lên kế hoạch cho nghỉ hưu
Càng bắt đầu tiết kiệm sớm cho nghỉ hưu sẽ càng tốt. Một phần quan trọng của tài chính lành mạnh là thiết lập cho bản thân một tương lai thành công về tiền bạc. Hãy tìm hiểu số tiền bạn cần để nghỉ hưu và xây dựng kế hoạch hướng tới mục tiêu đó.
9. Không mắc nợ
Nợ nần là một gánh nặng rất lớn. Không mắc nợ sẽ giúp cuộc sống của bạn bớt căng thẳng hơn nhiều. Bạn cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền lãi và kiểm soát tài chính của mình một cách chặt chẽ hơn. Cũng giống như việc chọn ra kiểu ngân sách phù hợp, nếu bạn đang mắc nợ, hãy chọn ra phương pháp trả nợ phù hợp nhất với mình.
Có 2 phương pháp được biết đến nhiều hơn cả chính là phương pháp quả cầu tuyết (bạn thanh toán khoản nợ có số dư nhỏ nhất trước, sau đó chuyển đến các khoản nợ có số dư cao hơn) và phương pháp tuyết lở (bạn ưu tiên trả khoản nợ với lãi suất cao nhất trước sau đó chuyển đến các khoản nợ có lãi suất cao tiếp theo). Tìm ra phương pháp phù hợp với mình sẽ giúp bạn sớm thoát khỏi nợ nần và không vướng vào nợ nữa.
10. Tìm hiểu thêm về tài chính cá nhân
Đừng bao giờ ngừng học hỏi và điều này càng đặc biệt đúng khi liên quan đến tài chính cá nhân. Ngày nay, việc học mọi thứ bạn cần để cải thiện tài chính trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Bạn có thể tìm kiếm sự trợ giúp về bất cứ điều gì từ lập ngân sách đến đầu tư thông qua việc đọc sách, nghe podcast, xem video hay tham gia các khóa học tài chính trực tuyến…
Hãy bắt đầu áp dụng những lời khuyên tiền bạc này để cải thiện sức khỏe tài chính cũng như tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần. Kiểm soát tiền bạc tốt sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng, sẵn sàng cho tương lai và xây dựng sự giàu có.