Hôm nay, như thường lệ khi tôi đang quần quật đấu tranh với đống đồ dơ bát bẩn thì y, tức là bố của hai thị mẹt nhà tôi vẫn nằm oằn oải trên ghế sopha, chân y lại rung rung lên những điệu gì không hiểu nổi.
Trong bối cảnh đó, bỗng dưng tiếng từ ti vi vọng vào lời thoại của một bộ phim gì mà tôi chưa có cơ hội chạy ra để xác minh, đại thể đứa con hỏi mẹ: Lần đầu tiên bố mẹ quen nhau ở đâu ?
Cô bé trên ti vi hỏi mà khiến cho tôi cũng phải giật mình tự hỏi bản thân: Nếu sau này con gái nhớn nhà tôi cũng hỏi mẹ câu hỏi y chang thì sao nhỉ. Trả lời thật với cháu thì không được mỹ miều lãng mạn lắm, mà nói dối thì lương tâm không cho phép…….với trẻ con.
Người ta quen nhau thường bất thường thời tiết thì cũng phải giữa trời mưa trú tạm, lãng mạn kiểu ci nê thì vô tình đụng nhau rơi tài liệu, ném với nhau vài đường tình tứ, cao trào hơn nữa thì cũng vườn thú Thủ Lệ hay chạy bộ bờ hồ Hoàn Kiếm. Còn vợ chồng tôi, oái oăm thay quen nhau ở khu vực nhà vệ sinh.
Cái ngày đó không biết trời có đẹp không, tôi và hắn (hắn vẫn là chỉ chồng tôi) lúc đó đều là sinh viên của một trường rặt đàn ông con trai. Khi tôi đang trên đường “thực hiện nhiệm vụ” thì hắn đã “hoàn thành nhiệm vụ” đi ra từ hướng nhà vệ sinh nam, oái oăm thay khóa quần hắn chưa trở về vị trí che chắn. Ban đầu tôi cũng định lầm lừ cho qua, nhưng chẳng hiểu định mệnh an bài hay quỷ thần sai khiến gì mà lương tâm tôi lại trào lên cắt rứt, bất giác tôi quay lại, gọi to: Này anh kia. Hắn quay lại nhanh như bị cô giáo bắt trả bài, mặt mày thẫn thờ ngơ ngác nhưng cũng kịp buông ra những tiếng ỡm ờ: Gì thế cô em xinh đẹp. Đôi mắt tôi nhìn chăm chăm xuống đũng quần hắn rồi nhẹ nhàng đáp lại: Trước khi tán gái, xin mời kéo rèm lại. Nói rồi ngúng nguẩy đi ngay.
Đến lượt tôi, tôi lại bập vào cái anh chàng quên kéo rèm cửa ngày hôm ấy. Mà thật ra là không phải tôi bập mà tôi bị bập. (ảnh minh họa)
Đời kể cũng lạ, hôn nhân lại càng lạ hơn. Ngày xưa tôi vẫn tru tréo với mấy đứa bạn ham vui lấy chồng sớm, mà chồng lại là cái thằng nhiều đêm trùm chăn nói chuyện về trai nó hay kể về gã như thế là một tồn tại đau đớn của tạo hóa vậy. Thế mà quẩn quanh thế nào chúng lại bộp vào nhau, yêu nhau quằn quại, đều đặn “xuất bản” mấy lứa với nhau. Đến lượt tôi, tôi lại bập vào cái anh chàng quên kéo rèm cửa ngày hôm ấy. Mà thật ra là không phải tôi bập mà tôi bị bập.
Chuyện chúng tôi bập vào nhau thế nào hẳn cũng dài kỳ nhiều tập, còn bây giờ chàng sinh viên quên kéo rèm cửa ngày hôm ấy vẫn đang rung lên những nhịp đùi rất khó hiểu.
Xã hội ngày càng tiến bộ, bình quyền nam nữ ngày càng trở về thế đối xứng cân bằng, thế nhưng ở nước ta vẫn có một thực tế tồn tại là chị em vẫn phải đối mặt hàng ngày với một ông chồng ngồi rung đùi và một cái bếp bao nhiêu năm vẫn chẳng thể rộng ra.
Tôi và chồng bằng tuổi nhau. Cay đắng là vậy, không may là vậy. Khi có mặt bô lão nhà nội nhà ngoại chúng tôi vẫn chịu đựng gọi nhau là anh, là em. Chỉ cần phụ huynh vắng mặt họ hàng bặt tăm là chúng tôi lại trở về trạng thái xưng hô điển hình nhất. Chồng tôi thì: Ê vợ. Tôi thì Ê Lão chồng. Thỉnh thoảng giận lên tôi vẫn lôi quá khứ đau thương của chồng tôi ra mà gọi. Tức là Ê chưa kéo rèm cửa, tháng này hình như chưa thấy bổ sung ngân sách hoặc Ê chưa kém rèm cửa, mai vợ bận chồng đi đón con sớm rồi về pha mì tôm ăn cho giảm mỡ bụng nhé.
Tôi và chồng bằng tuổi nhau. Cay đắng là vậy, không may là vậy. Khi có mặt bô lão nhà nội nhà ngoại chúng tôi vẫn chịu đựng gọi nhau là anh, là em. (ảnh minh họa)
Hắn chịu đựng tôi hay tôi chịu đựng hắn. Chả biết, nếu có cái máy nào đó đo được mức độ chịu đựng của hôn nhân chắc tôi cũng trèo lên thử vài lần. Nhưng trên nhiều lần thì tôi đã bảo hắn, vẫn tức là chồng tôi về việc nghiêm túc là bỏ nhau để lấy kinh nghiệm hôn nhân, tiêu biểu cho các mẩu đối thoại như:
Vợ: Ê chồng, hôm nào đẹp trời bỏ nhau phát lấy kinh nghiệm hôn nhân .
Chồng: (Mắt vẫn chăm chăm nhìn màn hình, chân vẫn rung những điệu gì không hiểu nổi) nói: Uh, nếu thu xếp được. Nhưng trước khi bỏ nhau nhớ giặt xong đống đồ trong chậu đi nhé, để hơi lâu rồi đấy. Tiền tiêu tuần nay hơi bị ít, bổ sung nhanh còn kịp.
Vợ: Đã bỏ nhau thì thân ai nấy lo, quyền gì mà đòi hỏi ?
Chồng: Thân ai nấy lo nhưng thẻ ATM trả lương của tôi cô đổi mật khẩu chiếm quyền sử dụng thì cô vẫn lo đấy thôi?
Vợ: Thì tôi còn phải nuôi con.
Chồng: Tôi lại còn phải nuôi con lẫn một cô vợ lắm mồm.
Ấy thế, chuyện cứ làng nhàng lặp đi lặp lại nên lúc này đây khi nghe xong lời thoại trong phim, ký ức đau thương dội về, tôi chỉ ước ngày đó giá như gã không quên ‘kéo rèm cửa’, ắt hẳn chúng tôi đã chẳng gặp nhau và tôi cũng chẳng phải luyện cơ miệng bằng câu quen thuộc: Này chồng, sao anh không bỏ quách tôi đi.
Bài viết cùng tác giả: |