Những người thông minh nhất là những người bình thường nhất và những người bình thường, “ngu ngốc” nhất là những người giỏi nhất. Sự khôn ngoan hàng đầu là biết ẩn thân, biết giả ngốc, hồ đồ đúng lúc.
Năm 2012, tác giả người Trung Quốc Mạc Ngôn được Viện Hàn lâm Thụy Điển trao giải thưởng danh giá nhất cho giới nhà văn, Nobel Văn học. Ông từng tự nhận xét về mình: “Tôi chưa đủ trưởng thành, chưa đủ nhuần nhuyễn hay từng trải”.
Ông không bao giờ tranh luận khi bị hiểu lầm, không bao giờ quan tâm đến điều đó sau khi chịu tổn thất và sẽ làm việc chăm chỉ hướng đến mục tiêu của mình. Người kiên định và tưởng chừng ngốc đó mới thực sự là người thông minh nhất.
Người xưa có câu: “Đại trí nhược ngu, đại dũng nhược khiếp”, ý là bậc tài trí giả nhìn như ngu dốt, kẻ dũng mãnh nhìn như khiếp nhược.Ở cái thời ai cũng tự cho mình là thông minh, “ngu ngốc” chính là một loại tài năng. Những người đi chậm rãi, làm mọi việc tưởng chừng vụng về mà thầm lặng tiến lên từng bước thường sẽ tiến xa hơn nhiều những người khác.
1. Có thể ngồi trên băng ghế cứng
Những người chiến thắng đến cùng có thể không phải người thông minh nhất nhưng họ phải có khả năng chịu đựng sự cô đơn và ngồi ở nơi người khác không ngồi được.
Mạc Ngôn thậm chí còn chưa học hết tiểu học. Ông phải bỏ học tiểu học vì cách mạng văn hóa, tham gia lao động với điều kiện sống nghèo nàn. Bất chấp điều đó, ngay từ nhỏ ông đã thể hiện tình yêu văn học của mình và mong muốn trở thành một nhà văn.
Khi các bạn cùng lứa ra đồng chơi, ông mượn sách rồi trốn vào chuồng lợn để học hành chăm chỉ. Khi dân làng xem biểu diện náo nhiệt và bàn tán rôm rả, ông lại cúi xuống dưới ngọn đèn bắt chước các nghệ nhân nổi tiếng để sáng tạo.
Suốt một thời gian dài, ngoài việc đồng áng, ông chỉ biết đọc sách và viết lách. Mãi đến năm 26 tuổi, ông mới có truyện ngắn đầu tiên được xuất bản trên báo và hiện thực hóa được ước mơ sống với cây bút của mình.
Sau khi trở thành một nhà văn, ông vẫn tiếp tục viết và con người trở nên trầm hơn. Đạt được những thành tựu nhất định nhưng thay vì bốc đồng, ông tránh xa sự sôi động và hào nhoáng để đóng cửa để cải thiện kỹ năng viết của mình ở nhà. Khi ngoài 60 tuổi, cuối cùng ông đã giành được giải Nobel Văn học.
Trong cuộc sống này, không ai là có thể đạt được thành công chỉ sau một đêm. Chỉ bằng cách tôi luyện một trái tim cứng cỏi và kiên trì, chúng ta mới có thể vượt qua mọi khó khăn, khổ sở.
Một cuộc sống tốt đẹp được tạo nên từ sự chăm chỉ. Muốn lớn thành cây cao, trước tiên cây phải cắm rễ thật sâu vào lòng đất. Trước khi đến được bình minh rực rỡ, nhất định phải trải qua đêm dài. Chỉ khi có thể sống sót với sự cô đơn, chúng ta mới có thể mở ra sự phong phú và thịnh vượng trong cuộc sống.
2. Học cách im lặng
Có người nói rằng hầu hết các nhà văn vĩ đại đều leo lên đỉnh bằng cách dẫm lên những lá thư từ chối. Mạc Ngôn cũng không ngoại lệ.
Ban đầu, ông không dám gửi sản phẩm của mình tới các tờ báo lớn mà chọn các ấn phẩm cấp tỉnh. Gửi đi bản thảo với sự mong đợi rất lớn, nhưng tất cả những gì ông nhận được chỉ là lời từ chối.
Sau vô số lần bị từ chối, cuối cùng ông cũng nhận được cuộc gọi từ ban biên tập của một ấn phẩm. Họ khen ngợi phong cách viết của ông nhưng chủ đề lại không phù hợp với tạp chí và hỏi liệu ông có thể viết theo chủ đề khác không. Mạc Ngôn nhanh chóng trau chuốt một tác phẩm mới trong đêm và gửi đi thật nhanh nhưng câu trả lời lại là “không tốt bằng bản trước."
Đối mặt với câu nói đó, nhiều người chắc hẳn sẽ lựa chọn bỏ cuộc. Thế nhưng Mạc Ngôn đã tiếp nhận những lời chỉ trích một cách bình tĩnh, thậm chí còn "táo bạo" xin đối phương cho mình một cơ hội khác. Anh đã sửa lại bản thảo nhiều lần và gửi cho ban biên tập, cuối cùng cũng vượt qua và được xuất bản thành công.
Người có thể đạt được điều gì đó thường có nghị lực để chịu đựng thất bại và không quan tâm đến cái gọi là thể diện. Thế giới đầy thăng trầm, một người dù giỏi đến đâu cũng không thể tránh khỏi những lời từ chối. Chỉ khi có thể đối mặt và vượt qua, bạn mới có thể đến gần hơn với thành công.
3. Mỉm cười và buông bỏ
Sau khi Mạc Ngôn đoạt giải Nobel Văn học, không ít người chưa từng đọc các tác phẩm của ông đã đơm đặt, vu khống về ông cũng như tác phẩm của ông. Có người thấy ông đã lâu không ra sách mới liền châm chọc ông hư danh, tài năng đã kiệt.
Đối với những lời vu khống vô căn cứ này, lẽ ra ông đã có thể đấu tranh quyết liệt để đòi lại công bằng cho mình nhưng Mạc Ngôn lại chọn cách không phản ứng, mặc cho những lời chế nhạo kia và không bao giờ bào chữa.
Không cần quá để ý đến những đồn đại từ thế giới bên ngoài và những lời gièm pha của người khác. Đó chính là sự khôn ngoan tuyệt vời, giữ bình tĩnh và buông bỏ với một nụ cười.
Sống trong thế giới đông đúc này, mỗi người đều có những trải nghiệm, nhận thức và khuôn mẫu khác nhau. Ai cũng sẽ khó tránh khỏi những hiểu lầm và thắc mắc nhưng không phải mọi thứ đều đáng để chúng ta gặp rắc rối và đấu tranh để tìm ra điều gì đúng và điều gì sai. Tránh xa sự hỗn loạn của thế giới và giải phóng trái tim của chính mình, chỉ khi đó bạn mới có thể bước đi một cách bình tĩnh và sống cuộc sống của chính mình.
4. Có được kỹ năng thực sự
Có một câu hỏi từng nhận được sự quan tâm rằng: “Làm thế nào để những người bình thường xung quanh bạn đột nhiên trở nên mạnh mẽ?”
Có một câu trả lời ngắn gọn mà gợi nhiều suy ngẫm: “Kiên trì làm một việc, làm đi làm lại nhiều lần, cho đến khi bạn đạt được đỉnh cao”.
Thành công không khó, miễn là bạn kiên trì và tập trung. Cái gọi là bậc thầy thực ra là làm những việc đơn giản hàng nghìn, hàng vạn lần bằng cả trái tim mình. Vậy mới có câu: “Thành công không nằm ở sức mạnh bao nhiêu mà ở chỗ nó tồn tại được bao lâu”.
Nhiều người thông minh trên thế giới luôn tự cho mình là đúng, mong muốn thành công thật nhanh chóng và luôn thích tìm đường tắt khi gặp khó khăn. Nhưng lối tắt tốt nhất là lặp đi lặp lại một kỹ năng tưởng chừng vụng về.
Bạn không cần phải tài giỏi hay hoàn hảo, bạn chỉ cần chịu khó làm tập trung trước vào một việc. Trước khi bạn nhận ra điều đó, bạn đã xây dựng được kỹ năng thực sự cho mình và nhận được những tràng pháo tay tán thưởng.