Phải chăng, bọn trẻ với đủ loại sữa và vitamin tăng trưởng trí tuệ của chúng ta càng ngày càng trở nên thông minh và chúng hiểu: Đôi khi nói dối lại có lợi hơn là nói thật?
Tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp TH là 22%, cấp THCS là 50%, cấp THPT là 64%, sinh viên là 80% - GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hoá học lý luận và ứng dụng (Đại học Quốc gia TPHCM) - cho biết như vậy tại hội thảo “Thực trạng văn hoá học đường và nhu cầu giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trung học” diễn ra tại Đà Lạt ngày 24.9 vừa qua.
Đọc số liệu thống kê này tôi chẳng lấy gì làm ngạc nhiên mà chắc các chị em ở đây chắc cũng chỉ chẹp miệng: “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Ừ thì cũng đúng là chuyện cũ rích, chuyện ai ai cũng tỏ và người người nghiễm nhiên coi đó là chuyện tất yếu phải có trong xã hội. Nhưng điều đáng nói là sao càng ngày bọn trẻ càng nói dối nhiều hơn, tinh vi hơn theo từng cấp học vậy? Nếu xét theo đúng tiến trình này thì hóa ra 80% sinh viên nói dối kia, sau khi ra trường và đi làm sẽ biến thành 100% người trưởng thành nói dối ư?
Đáng nhẽ, nếu là bình thường thì mọi chuyện phải đi theo tiến trình ngược lại: khi mà bọn trẻ còn nhỏ, chưa hiểu biết, còn sợ sệt nhiều thứ thì chúng sẽ phải nói dối để có thể tránh được trận đòn của bố mẹ hay một lần chịu phạt của thầy cô. Còn khi lớn dần lên, bắt đầu có ý thức về mọi việc xung quanh cũng như giá trị của bản thân thì sao phải nói dối? Phải chăng, bọn trẻ với đủ loại sữa và vitamin tăng trưởng trí tuệ của chúng ta càng ngày càng trở nên thông minh và chúng hiểu: Đôi khi nói dối lại có lợi hơn là nói thật. Và chúng nhìn ai để rút ra bài học đấy nếu không phải là chính người lớn chúng ta.
Còn khi lớn dần lên, bắt đầu có ý thức về mọi việc xung quanh cũng như giá trị của bản thân thì sao phải nói dối? (ảnh minh họa)
Chuyện này làm tôi nhớ tới hồi trước khi mình còn là học sinh. Chắc ai ở đây cũng từng học qua một bộ môn vô cùng quan trọng có cái tên là Giáo dục công dân đúng không? Chắc chắn là ai cũng từng học qua bài “Tính trung thực” với những định nghĩa rất ngắn gọn rằng: “Trung thực là luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lí, lẽ phải, sống ngay thẳng, thật thà và dũng cảm nhận lỗi khi mắc khuyết điểm. Người trung thực là người thật thà, ngay thẳng chân thành trong cách đối xử với mọi người, luôn nhìn nhận khách quan về các sự việc trong cuộc sống, luôn tôn trọng và bảo vệ chân lí, bảo vệ lẽ phải”.
Tôi cũng từng ê a học thuộc lòng định nghĩa này để được điểm 10 trong bài kiểm tra. Nhưng đồng thời tôi cũng nhớ rõ lắm cái chuyện trước hôm thi tốt nghiệp, thầy hiệu trưởng đứng trước toàn trường dặn dò: “Trong kì thi ngày mai, các em phải hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau”. Chẳng ai nói ra nhưng ai cũng hiểu “sự giúp đỡ lẫn nhau” ở đây có nghĩa là gì. Nhắc bài, quay cóp thì được điểm cao, lại được tuyên dương thì sao phải thực thà để được điểm thấp?! Sự suy luận này đến trẻ con cũng hiểu được.
Người lớn nên trung thực trước (ảnh minh họa)
Thậm chí đến lúc về nhà bọn người lớn chúng ta cũng vô tình “dạy” cho con trẻ vài ba điều rõ hay về việc “Nói dối có lợi như thế nào”. Có bài gì không hiểu – mở sách giải ra mà xem. Đề văn bắt tả vật nuôi mà em yêu quý, trong nhà đến cái lông con mèo cũng không có thì cứ việc tả mèo nhà hàng xóm hoặc mèo trong sách văn mẫu cũng được. Rõ ràng đêm hôm trước bố nó thức khuya xem đá bóng ngủ quên mà sáng hôm sau lại gọi điện đến cơ quan xin nghỉ phép vì bị ốm… Đủ các ví dụ nhỏ nhặt bình thường để bọn trẻ thấy nói dối hóa ra là việc người lớn rất hay làm và chẳng làm sao cả.
Càng lớn càng hiểu biết càng được đọc nhiều thông tin, chúng sẽ thấy những chuyện nói dối không đơn giản chỉ để được điểm cao hay không bị bố mẹ mắng nữa. Có những chuyện người lớn nói dối công khai trên diện rộng, nghe thấy vô lý nhưng vẫn được chấp nhận. Kiểu như “Đồ Sơn không có gái mại dâm” hay “Chỉ 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ” hoặc “GDP ở các tỉnh đều tăng”. Trong khi sự thật xung quanh đâu có phải là như vậy. Tiếp viên hàng không đi buôn lậu thì vài năm là sắm nhà sắm xe. Lãnh đạo các cơ quan công chính nhà nước thì lương khủng trong khi đường xá thì mưa là ngập; điện nước thì tắt bụp theo mùa. Người tố cáo hàng vi gian dối thì bị cô lập, tố cáo ngược.
Rồi viết sách có nhiều chi tiết “bốc phét” thì được ca ngợi là hình tượng truyền cảm hứng mới của giới trẻ. Vậy thì đừng trách trẻ sao nói dối nhiều như thế khi chính người lớn lại là những tấm gương “nói dối được lợi như thế nào”.