Nhà văn Y Ban: Chê phụ nữ xấu là làm điều ác

Ngày 23/06/2014 18:00 PM (GMT+7)

Nói về hành động "ném đá" phụ nữ xấu chụp ảnh bên sen, nữ tác giả cuốn sách “Đàn bà xấu thì không được quà” cho rằng, trước khi bình luận nên chú ý tới tình cảm người khác, đừng quá hồn nhiên để thành người ác, vô cảm.

Không nên học đòi Tây Thi

Nổi tiếng với cuốn sách “Đàn bà xấu thì không được quà”, chị cho rằng mình là đàn bà xấu hay đàn bà đẹp?

Mình cũng là đàn bà xấu nhưng mình chọn cho bản thân một cách đỡ xấu hơn. Mình không thuộc đám đông, thế thôi.

Theo chị, đàn bà xấu có quyền chụp ảnh với sen không?

Mọi người đều có quyền chụp với sen. Nhu cầu thưởng thức cái đẹp, nhu cầu khoe thân là nhu cầu của mọi người. Điều đáng sợ nhất ở đàn bà xấu là sự mất tự tin. Vì thế, khi người ta đủ tự tin chụp với sen, chúng ta phải tôn vinh họ. Nhưng chụp ảnh cũng cần tôn trọng người khác và đám đông. Nếu không thì thành thảm họa sen.

Chị nhận xét gì về phong trào chụp ảnh bên sen ở hồ Tây, Hà Nội những ngày qua?

Nhiều cô để có kiểu ảnh độc đã mặc yếm, khoe lưng, nude hoặc là lấy cánh sen che ngực. Đã là phụ nữ, ai cũng có nhu cầu làm đẹp, nhu cầu khoe thân. Nhưng làm đẹp cần sự cầu kỳ, không dành cho sự a dua, càng không dành cho kiểu chụp giật, bầy đàn. Mình thấy phản cảm về sự a dua của đám đông, làm mất hết vẻ đẹp của sen. Nhiều người nườm nượp đi chụp ảnh cùng sen, coi đó là một lối chơi. Nhưng lối chơi đẹp, lối chơi độc thì chúng ta hãy chơi. A dua với đám đông là làm mất chính mình.

Tức là, đàn bà dù đẹp, xấu vẫn nên có phong cách riêng?

Có câu chuyện về Tây Thi và Chung Vô Diệm, một người rất đẹp và một người rất xấu. Tây Thi chỉ cần nhăn mặt lại đã đẹp, đã làm mê mẩn đàn ông. Bà Chung Vô Diệm thấy thế học đòi theo, nhăn mặt lại thì thành… quỷ luôn (cười lớn).

Người Việt Nam chúng ta đang đi tắt đón đầu. Sự đi tắt đòn đầu của chúng ta không được trang bị phông văn hóa, không có nền tảng vững chắc. Chúng ta từ mông muội tiến thẳng đến… văn minh thời mông muội. Như việc ăn mặc, nếu chúng ta không có gu ăn mặc thì hãy học theo các cụ: ăn cho mình và mặc cho người. Các bà các cô giờ toàn ăn cho mình mặc cho mình, tức là mặc mà không để ý đến người khác. Mọi người có nói gì cũng bỏ ngoài tai.

Chúng ta không biết chọn cho mình một cái riêng. Đàn bà xấu nhưng nếu chúng ta chọn cho mình một cái riêng thì chúng ta cũng duyên dáng hơn, đẹp đẽ hơn.

Đám đông bị “lỗi ổ cứng”

Trong cuốn “Đàn bà xấu thì không có quà”, nhân vật Nấm là một cô gái thiệt phận đáng thương. Chị có chia sẻ gì khi trong đời thực cũng như trong cuộc sống ảo, nhiều người có những bình luận “xát muối” vào tim đàn bà xấu?

Thực ra, nỗi ám ảnh của chính người đàn bà xấu đôi khi còn kinh khủng hơn mọi lời người khác nói. Ám ảnh tới mức tự kỷ. Có nhiều người tự kỷ tới mức tự đóng cửa, không chui ra khỏi nhà. Và có người tự kỷ tới mức ác, trả thù lại đời, thành một sự tàn nhẫn. Không ai muốn như thế. Sinh ra một người xấu là sự đau buồn ám ảnh của rất nhiều người. Cha mẹ của họ nhìn thấy con mình xấu cũng buồn. Xấu không phải là tội ác. Nếu chúng ta đứng cạnh họ sẽ nâng được họ lên. Nếu không, họ tự kỷ chúng ta phải chịu vì họ không chịu làm gì. Hoặc họ trở thành ác thì đời lại có thêm một cái ác nữa.

Nhà văn Y Ban: Chê phụ nữ xấu là làm điều ác - 1

“Đàn dù xấu nhưng nếu chọn cho mình một phong cách riêng thì duyên dáng, đẹp đẽ hơn”.

Mà chắc gì chúng ta đã đẹp hơn họ đâu. Chính chúng ta cũng đang tàn tật, què cụt về tâm hồn. Bao nhiêu vụ án giết người chính là họ bị què cụt về tâm hồn, “lỗi ổ cứng” mà không biết. Người ta bị lỗi, toàn nhìn ra cái ác, cái đố kỵ.

Đám đông ném đá đàn bà xấu có phải bị “lỗi ổ cứng”?

Cư dân mạng cũng là một đám đông. A dua là thói cực kỳ xấu của nhiều người. Kèm theo là thói kéo bè kéo cánh, ném đá tập thể. Mình đảm bảo nếu khi xem bức ảnh cô gái hơi mập một chút chụp ảnh cùng sen, bỗng có một người nói: “béo đẹp ấy nhỉ” thì đám sẽ xông vào cổ vũ. Nhưng vẫn bức ảnh đó, nếu một người nói: “cái con lợn kia” thì đám đông đó lại hưởng ứng theo chiều ngược lại.

Rất mất nhân cách trong đám đông như thế. Chúng ta không bao giờ lớn hơn được vì không có lối dìu nhau lên mà toàn đám đông “ga tô” và “dìm hàng”.

Có câu chuyện là trong 1 vạc dầu, thượng đế nói ai nổi lên sẽ cho sống. Một người Nhật Bản đứng dưới để hai đồng hương đứng trên vai mình. Và 2 người được sống. Người Mỹ thì 2 người đứng dưới cho 1 người đứng lên. Còn người Việt Nam thì thấy 3 người nhô lên rồi cùng nhau chìm hết.

Vì thế, có thể nói một trong những tật xấu lớn nhất của người Việt là đám đông a dua và đố kị.

Chị nhận xét gì về những status, bình luận "ném đá" trên mạng xã hội?

Nhiều người quá hồn nhiên trong việc đăng ảnh lên Facebook. Người ốm cũng chụp rồi đăng lên. Người ta ốm cũng đã đau đớn, 1 bên mắt sưng thành cục rồi còn cứ nhăm nhăm chụp ảnh đưa lên rồi viết là đau lòng. Xong rồi ai like? Bạn nói bạn đau lòng nhưng Facebook không có biểu tượng đau lòng, chỉ có biểu tượng like thôi. Thế chúng tôi like nghĩa là chúng tôi thích à?

Chúng ta nên có rào cản ngăn chúng ta, đừng hồn nhiên để thành ác, vô cảm. Trước khi đăng nên để ý tới tình cảm người khác.

Hình ảnh rất quan trọng. Câu chuyện về nhà báo Kevin Carter chụp ảnh con kền kền đợi ăn thịt đứa bé sắp chết ở Châu phi là một ví dụ. Nhà báo đó đoạt giải Pulitzer nhờ bức ảnh nhưng sau đó thắt cổ chết vì không chịu nổi áp lực bị người khác chửi tại sao không đến cứu cháu bé mà chỉ cố chụp ảnh.

Chúng ta đừng bao giờ rơi vào trường hợp như thế. Lắm lúc quá hồn nhiên mà làm tổn thương cho người khác.

Cảm ơn chị về cuộc nói chuyện!

Nhà văn Y Ban, tên thật là Phạm Thị Xuân Ban (SN 1961), trước khi viết văn là giảng viên trường Cao đẳng Y tế Nam Định và Đại học Y Khoa Thái Bình. Sau khi thôi nghề dạy học, năm 1989, Y Ban được cử đi học Trường Viết văn Nguyễn Du. Chị được xem là một trong những nhà văn nữ có sức sáng tác lớn với hơn 20 đầu sách được xuất bản. Cuốn sách mới nhất của nữ nhà văn là “Sống ở đời biết khi nào ta khôn?”.

Theo Mai Tân – Tất Định (Khampha.vn)
Nguồn:

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện