Những kí ức của cái trung thu nghèo ngày ấy vẫn cứ râm ran, vẫn cứ ngọt ngào tới lạ. Đám trẻ nhỏ chân đất, nhem nhuốc, quần áo cái rách, cái vá, mà vẫn cứ hồn nhiên, vẫn ngây thơ và vẫn cứ vui trọn vẹn niềm vui trong cái tết của riêng mình.
Nhớ những mùa tháng tám heo may, lúa chín vàng ươm còn mẹ giục thôi cố gắng gặt xong ăn trung thu cho nó vui vẻ. Thế là khi nào cũng mong gặt xong trước rằm để được đi chơi trung thu cho thanh thản. Trẻ con mà học đòi lo việc người nhớn. Nhưng tôi vẫn nhớ, cứ mùa gặt, mùa cấy, khi nào cũng chỉ mong xong trước hoặc cùng nhà hàng xóm. Chứ nhà hàng xóm xong rồi, bọn trẻ nhỏ bên ấy không cần phải ra đồng nữa mà mình vẫn phải ra đồng là thấy ấm ức làm sao ấy.
Thế nên nghe mẹ bảo thế mà tinh thần làm việc tăng lên bao nhiêu. Trẻ con thời tôi ấy, vẫn vừa học, vừa phải phụ cha mẹ việc đồng áng như những bác nông dân nhỏ thực sự là chuyện bình thường. Chứ đâu được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa như trẻ con bây giờ. Mà thôi, cũng chả trách vì mình nuôi con mình cũng thế kia mà.
Nhưng mỗi khi thấy đám trẻ nhỏ ngày nay đón trung thu thì lòng lại cứ nôn nao nhớ tới cái trung thu ngày xưa của mình. Nghèo mà sao vui. Vui kinh khủng. Vui tới mức, chỉ cần nhắc tới là cười híp mí. Vui tới mức, cái đêm trung thu ấy, chỉ mong nó cứ dài mãi, dài mãi và mẹ đừng có gọi về đi ngủ thôi. Và ngay cả trong mơ, cái miệng nhỏ kia vẫn cười. Vui tới mức, đến khi trưởng thành rồi, mà những gì diễn ra trong cái ngày ấy, cách đây bao nhiêu năm vẫn cứ vẹn nguyên như mới ngày hôm qua thôi.
Tôi nhớ, ngày ấy xã tôi còn tổ chức bắt vịt ngoài cái hồ rộng trước sân trường trước khi chia quà. Bọn trẻ thường đi sớm để xem các anh thanh niên trong làng ra đó trổ tài bơi bắt vịt. Có anh lặn gần tới chỗ con vịt thì nó lại bay ra chỗ khác. Đám trẻ con người lớn trên bờ thì hò hét chỉ trỏ kêu bơi chỗ nọ, chỗ kia hết sức náo nhiệt. Mọi người quần cho tới khi đám vịt mệt lử rúc vào bụi hoặc bờ, mà khi ấy mấy anh bơi bắt vịt cũng mệt lắm rồi. Khổ nỗi, có khi đám vịt rúc vào bờ mấy cậu nhóc choai choai từ trên bờ nhảy xuống bắt được.
(Ảnh internet)
Thế là mấy anh bơi dưới áo mệt phờ râu mà công cốc, mặt ngệt ra tẽn tò. Còn đám trẻ nhỏ chúng tôi thì được trận cười và hò hét tới nở phổi. Cái trò đó cũng vui lắm, nhưng dần không tổ chức nữa. Nên đám trẻ chỉ mau mải đi học về, rồi chầu trực đợi đến chiều, tắm giặt sạch sẽ, nhấp nhổm rửa tai ngóng cái loa của làng thông báo đi nhận quà trung thu là sướng rơn lên rồi.
Cả xóm lại í ới gọi nhau ra sân ủy ban xã, xếp hàng thành từng thôn một để đợi chia quà. Cái trò đi xếp hàng chia quà ngày ấy có lẽ mãi mãi những đứa trẻ chúng tôi chẳng thể nào quên được. Mà chia quà năm nào cũng có một cái bánh đa to, một túi kẹo thập cầm gồm kẹo trứng chim, kẹo gôm, kẹo nhồi, hoặc kẹo vừng, rồi thêm một vài cái bánh, sau này thì có thêm, bánh trung thu. Nhưng là mãi sau cơ. Bọn trẻ con chúng tôi xếp hàng ngoan ngoãn và đợi tới lượt mình được chia quà.
Tôi nhớ có lần mấy bác chia quà đọc thế nào mà lại bỏ quên tên tôi và em. Đợi mãi, đợi mãi, tới người cuối cùng rồi mà vẫn không thấy gọi tên mình. Hai chị em dắt nhau đi chia quà mà không được quà, thế là đứng giữa sân khóc um. Mấy cô bác chia quà hỏi sao khóc. Mếu máo bảo: Sao bác không chia quà cho chị em cháu. Mọi người được quà về hết rồi. Lúc ấy, mấy bác mới hớt hải mang quà cho hai chị em và dỗ dành hai đứa nín khóc.Trên đường về nhà, thèm lắm mà không dám cấu véo tí nào cả. Nhất định là phải đợi tới lúc có trăng tròn lên phá cỗ thì mới ăn.
Và thêm nữa, mỗi dịp trung thu là lại đợi cây mía mẹ trồng bên vườn được mẹ chặt cho ăn. Trung thu là đợi nhà bác hàng xóm bứt dừa, trái dừa già ấy, rồi mang chia cho mỗi nhà một quả để ăn với bánh đa. Cái thứ hương vị ngọt bùi của hai thứ đó mãi chẳng thể nào quên được. Và nhất là, cứ mỗi khi tới rằm tháng tám, là mẹ mới cho ăn trái bưởi đầu mùa. Ăn trái ổi mới ra. Mấy trái ối, mấy trái bưởi rình rập mẹ ăn trộm mãi mà không được vì mẹ đánh số từng quả mất rồi. Nên cắn mồm cắn miệng đợi trung thu mới được ăn thôi.
Trẻ con chúng tôi ngày ấy thiếu thốn lắm. Hoa quả cũng đâu có nhiều như bây giờ. Nhà nào có trái gì là cũng đợi tới những ngày đặc biệt như thế mới được ăn. Cho nên, trung thu với chúng tôi là một ngày vô cùng đặc biệt. Vô cùng sung sướng.
Và có lẽ, không như trẻ con bây giờ, cứ trung thu là cha mẹ sắm cho đủ loại lồng đèn lung linh đẹp mắt và lại rất hiện đại nữa. Nhưng đám trẻ chúng tôi ngày ấy cũng có những cách riêng. Chúng tôi không múa sư tử, nhưng có rước đèn. Mà cái trò rước đèn ấy đã được chúng tôi hì hục chuẩn bị trước đó cả tuần hoặc vài ngày. Đám trẻ nhỏ sẽ tụ tập và mang hộp xà phòng giặt, loại bột giặt dạng bột ướt đã dùng hết ấy. Chúng có sẵn quai rồi, nên chúng tôi sẽ đục vài cái lỗ ở trên lắp và trên thân hộp. Trên thân thì chỉ vài lỗ nhỏ thôi. Ở dưới đáy hộp thì đặt một miếng gỗ nhỏ trong đó. Sau đó xin tiền mẹ mua một vài cây nến nhỏ. Kiếm thêm một cái que nhỏ, sợi dây và buộc chiếc hộp vào đầu cái que ấy.
Đêm trung thu, đứa nào cũng háo hức với cái lồng đèn của mình. Và với những cái lồng đèn đơn giản ấy, chúng tôi hò hét đi từ đầu xóm tới cuối xóm, ăn quà trung thu và hát hò với nhau cho tới khi tụ tập đủ cả đám trẻ trong xóm thành một hàng dài mới thôi. Có đứa nến trong hộp cháy bị đổ, cháy luôn cả đèn, thế là khóc hết cả nước mắt. Nhưng mà cũng nhanh chóng vui lấy niềm vui của những đứa khác. Thôi thì xem chúng nó rước đèn cũng được.
Nhưng những kí ức của cái trung thu nghèo ngày ấy vẫn cứ râm ran, vẫn cứ ngọt ngào tới lạ. Đám trẻ nhỏ chân đất, nhem nhuốc, quần áo cái rách, cái vá, mà vẫn cứ hồn nhiên, vẫn ngây thơ và vẫn cứ vui trọn vẹn niềm vui trong cái tết của riêng mình. Thậm chí cả người lớn cũng chung vui theo. Những nhà hàng xóm sẽ cùng nhau trải cái chiếu cói ra cổng, mang mấy thứ hoa quả bánh kẹo ra đó ngồi chơi và nhìn đám trẻ con nô đùa cùng nhau phá cỗ.
Trung thu trong tôi là thế đấy. Và trong trí nhớ của tôi, quả thật, chỉ có đêm trung thu mới thấy trăng tròn và đẹp đến thế. Và suốt tuổi thơ tôi, chỉ có những ngày trung thu mới ngọt ngào đến thế, sung sướng đến thế và được ăn nhiều thứ ngon đến thế.
Giờ đây đón trung thu nơi phố thị, mà lòng chẳng háo hức như xưa. Có lẽ, vì mình đã là người lớn rồi, có lẽ vì cuộc sống đủ đầy hơn chăng? Nhưng con mình, có khi nào, và bao giờ, chúng mới lại có được cái cảm giác mong ngóng một ngày nào đó đặc biệt và tự tay làm một cái gì đó đặc biệt cho chính mình bằng chính khả năng của bản thân?
Trẻ con ngày xưa, được ăn, được chơi, được sống với chính tuổi thơ của mình, trong sáng, hồn nhiên. Cho nên, trung thu là một cái gì đó sống mãi trong kí ức của riêng mình, nó đặc biệt theo cách riêng trong trí óc của trẻ nhỏ, nó mang thứ hương vị đặc biệt của tuổi thơ… Nghĩ giờ thấy ghen tỵ với đám trẻ nhỏ mà cũng thấy thương chúng nhiều hơn. Rồi mai này khi lớn lên, những kí ức trung thu trong chúng là gì nhỉ?
Còn với tôi, và nhiều người khác nữa, trung thu ngày xưa trong chúng tôi là thế đấy!