Bạn có nhớ mình từng cảm thấy khó chịu thế nào khi gặp phải những cảnh tượng như vô tư bóc sản phẩm ăn uống trong siêu thị khi chưa thanh toán, để xe hàng "chình ình" ngay giữa lối đi lại không?
Siêu thị hay các cửa hàng tiện lợi ngày càng trở nên quen thuộc với đời sống của người dân hiện đại. Bạn có nhớ mình từng cảm thấy khó chịu thế nào khi gặp phải những cảnh tượng như vô tư bóc sản phẩm ăn uống trong siêu thị khi chưa thanh toán, để xe hàng "chình ình" ngay giữa lối đi lại không? Hãy ghi nhớ những quy tắc tối thiểu dưới đây và dạy cho cả các bé nhà mình để trở nên lịch sự nơi đông người nhé!
1. Đặt đúng vị trí các món hàng
Khi vừa bước chân vào siêu thị, tâm lý của nhiều người là chọn và lấy thật nhiều hàng hóa để cho vào xe đẩy hay giỏ của mình. Thế nhưng sau khi đi một vòng, xe đẩy dần đầy và họ thấy những thứ mình vừa nhặt là không cần thiết. Họ "tiện tay" vứt lại các sản phẩm ở ngay quầy gần nhất cho tiện mà không hề nghĩ rằng hành động của mình sẽ khiến các nhân viên cửa hàng phải tốn rất nhiều thời gian để dọn dẹp, đi tìm sản phẩm để bày đúng kệ.
Một chiếc áo phông lại nằm ở quầy bánh kẹo, vài khay hoa quả chẳng hiểu sao lại xuất hiện khu vực bánh mì... Ngay tại quầy tính tiền, cũng rất nhiều hàng hóa bị bỏ lại. Bạn có thể không nghĩ gì khi làm việc này song các nhân viên siêu thị sẽ tốn rất nhiều công để đi gom lại hàng hóa về quầy. Chưa kể đến việc mang các sản phẩm cần trữ đông ra khu vực khác trong thời gian lâu còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.
2. Không để xe đẩy, giỏ hàng ngay lối đi
Bước vào siêu thị, bạn sẽ bắt gặp khá thường xuyên những chiếc xe đẩy hay giỏ hàng nằm bơ vơ giữa khu vực đi lại. Những chiếc xe này không phải vô chủ mà là chủ của nó đã "tiện tay" đặt xe giữa đường rồi chạy qua nơi này, nơi kia để thử sản phẩm khác. Sự xuất hiện ngang ngạnh của những chiếc xe đẩy này có thể ảnh hưởng nhiều đến những người xung quanh, nhất là ở những khu vực có lối đi lại hẹp.
Không những vậy, nhiều người còn vô tư đẩy xe hàng ra tận bãi xe dù ngay bên cạnh là chiếc biển nội quy của siêu thị không đẩy xe ra khỏi cửa siêu thị. Hãy nhớ để giỏ hàng của bạn gần sát kệ hàng mà bạn muốn lấy, không đẩy xe ra ngoài khu vực cho phép và không để trẻ nhỏ đẩy xe hàng khi chưa đủ khả năng để đảm bảo an toàn.
3. Không bóp hoặc chạm hàng hóa khi không thật cần thiết
Thói quen này khá phổ biến ở các cô, các chị khi thích cầm sản phẩm như trái cây, đồ tươi sống và nắn bóp để kiểm tra. Việc này có thể ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm.
Thử tưởng tượng xem một quả cam một ngày bị 20 người cầm lên bóp thử thì chất lượng còn thế nào? Bạn có sẵn sàng mua những quả ổi, hồng xiêm đã bị bấm móng tay chi chít không? Chắc hẳn là không rồi!
Tốt nhất bạn nên tránh việc nắn bóp sản phẩm, tập cách quan sát sản phẩm. Qua màu sắc của quả, của cuống hay độ bóng/nhám, ta có thể biết được chất lượng, độ tươi mới của sản phẩm đó. Bạn cũng có thể hỏi nhân viên khi có vấn đề thắc mắc. Đặc biệt với các sản phẩm trái cây mềm như bơ, chuối, ... tránh nắm bóp mạnh, bấm móng tay.
4. Báo cho nhân viên khi sản phẩm có sự cố
Đôi khi bạn vô tình làm rơi sản phẩm hay đơn giản là việc nhìn thấy ai đó làm rơi hỏng sản phẩm, hãy báo cho nhân viên siêu thị biết thay vì để sản phẩm trở về kệ. Nhiều người cảm thấy khá ngại ngùng khi trót làm rơi sản phẩm gì đó và nhanh chóng đặt sản phẩm về kệ rồi đẩy xe đi thẳng. Có người thậm chí nhìn thấy sản phẩm bị hỏng hay rơi móp cũng vô tư coi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Việc để sản phẩm về kệ như chưa có chuyện gì xảy ra có thể khiến một khách hàng nào đó mua phải sản phẩm hỏng hóc bên trong và cho rằng lỗi là của siêu thị. Vì thế khi gặp bất kì sự cố nào mà bản thân không tự khắc phục được, hãy báo ngay cho nhân viên.
5. Không ăn thức ăn hay bóc sản phẩm trước khi thanh toán
Nhiều người thường lấy lý do rằng họ ăn thì họ trả tiền hay trẻ con đòi ăn nên họ mới làm vậy song chỉ sử dụng sản phẩm sau khi thanh toán là phép lịch sự tối thiểu khi bạn đi siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Ở nhiều quầy như trái cây, không ít bố mẹ vô tư lấy một trái nho hay dâu ở khay đã bị bóc ra để cho con thử. Nhiều bé vừa ngồi trên xe đẩy hàng của mẹ, vừa ăn chiếc bánh mì còn chưa thanh toán. Tất cả những điều này đều là do lỗi của người lớn. Trẻ con có thể thích vì tò mò song giải quyết ra sao, nói với con thế nào chính là việc của người lớn.
Chỉ nên sử dụng sản phẩm sau khi đã thanh toán. Nếu bé nhà bạn muốn ăn luôn một món gì đó, hãy quan sát xem siêu thị có khu vực quầy ăn không. Bạn có thể thanh toán ngay ở đó và cho bé ăn trong khu vực cho phép.