Phụ nữ chỉ ở nhà trông con, làm nội trợ cũng được trả lương. Và lương đó là lương của các ông chồng được trích ra theo quy định, dành cho người vợ.
Chắc hẳn nhiều người chưa biết tới chuyện của chị em bên Nhật. Tôi cũng vậy, nếu như không nhờ một người bạn sống ở bên ấy kể lại, thì có lẽ, chuyện đàn bà, vợ được trả lương khi ở nhà làm nội trợ chắc hẳn còn quá lạ lẫm với tôi.
Có mấy ngày được nghỉ, thảnh thơi, chị ấy về nước chơi với chúng tôi và tha hồ buôn chuyện, hàn huyên thời còn trẻ. Thấy ai cũng con cái đề huề nhưng việc nhà việc cửa chồng chất, lại còn lo đi làm kiếm tiền, lại còn lo thuê ô-sin, chị ấy ngạc nhiên lắm. Vì mấy lần gọi đi cà phê vào buổi tối mà chẳng chị em nào đi được, ai cũng bảo phải ở nhà trông con cho chồng đi chơi.
Rồi lại câu chuyện của mấy người bị chồng đánh cho sưng cả mặt mặc dù đã nai lưng ra kiếm tiền, còn trông con vất vả vô cùng. Đánh cho đến thế mà không được một lời xin lỗi, cũng không được câu an ủi, động viên. Chuyện tiền nong hàng tháng còn chẳng có một xu mà tiêu, tiền mua sữa cho con cũng phải chạy vạy, vay mượn bạn bè khắp nơi, nói gì tới chuyện chồng đưa tiền cho mà chăm con. Nghe mấy người than thở như thế, chị ấy ngạc nhiên vô cùng. Vì thật ra, có thể những điều này chị cũng đã biết, nhưng không nghĩ nó lại quá như vậy.
Rồi lại câu chuyện của mấy người bị chồng đánh cho sưng cả mặt mặc dù đã nai lưng ra kiếm tiền, còn trông con vất vả vô cùng. (Ảnh minh họa)
Chị bạn tôi sang Nhật sống từ lâu, văn hóa, phong tục bên ấy chị đã thuộc lòng cả. Rất ít khi chị có dịp về nước, có khi cả chục năm mới về một lần. Có việc thì mới về. Nhưng lần này, do lâu ngày không về nhà, lại vừa mới sinh con xong nên chị muốn đưa cháu về nhà thăm ông bà, họ hàng bên này. Thế nên, chị đã hẹn hò gặp chúng tôi và có những câu chuyện lý thú như thế. Chị bảo, ở bên ấy, phụ nữ chỉ ở nhà trông con, làm nội trợ cũng được trả lương. Và lương đó là lương của các ông chồng được trích ra theo quy định, dành cho người vợ.
Dù là vợ chồng, nhưng họ công bằng lắm. Chẳng ai làm không công, ở nhà mà phải ngửa tay xin tiền chồng. Đi làm công chức, làm công nhân hay nội trợ thì cũng là công việc, cũng giống nhau ở chỗ là phải được trả lương. Chăm con và bếp núc cũng là một nghề. Vì nếu như vợ anh không làm, anh cũng phải bỏ tiền ra thuê một người tương tự, làm tất tần tật những việc đó rồi trả lương cho họ. Nhưng độ tin cậy và chu đáo thì không thể bằng vợ được. Chẳng có ai chăm con tốt bằng chính người mẹ ruột của chúng cả.
Nghe câu chuyện của chị tôi thấy lạ, tôi cũng mò lên mạng đọc mấy bài viết và thấy đúng thật. Ở nước Nhật, họ trả lương cho vợ mình bằng tiền lương trích ra từ lương của người chồng. Để những người phụ nữ ở nhà được tạo điều kiện, cũng là để họ không cảm thấy mình vô dụng, ăn bám chồng và sẽ khiến các ông chồng có trách nhiệm hơn với bản thân, với gia đình và những người thân yêu của mình. Phải luôn nghĩ rằng mình làm việc là vì gia đình, vì bản thân và số tiền mình kiếm được cũng chính là kiếm cho gia đình.
Tuy việc chăm con là việc mà bất kì người mẹ nào cũng nên làm, nhưng nếu cứ vì lo lắng cho con cái, không yên tâm đi làm và rồi lại ở nhà chăm con, thì chẳng phải người phụ nữ không có thu nhập sao? (Ảnh minh họa)
Tôi thấy quy định ấy thật hay, người vợ sẽ tự tin hơn khi đi ra ngoài, gặp gỡ bạn bè. Chẳng giống những chị em ở mình, nếu chỉ ở nhà ăn bám chồng là y như rằng bị người ta nói cho. Cùng lắm là thời gian sinh đẻ, ở cữ, chấp nhận chồng nuôi, chồng chăm, còn khi đã khỏe mạnh, người vợ phải đi làm. Ở nhà làm nội trợ tức là vô dụng, là ăn bám.
Bản thân tôi có công việc ổn định nhưng mỗi lần gọi bạn bè tụ tập thật khó. Phần vì họ ngại, phần vì họ xấu hổ khi không bằng mình, chẳng có công việc và thu nhập như mình. Ước gì, ở mình cũng có quy định như vậy thì chị em phụ nữ bớt khổ, bớt tủi thân.
Tuy việc chăm con là việc mà bất kì người mẹ nào cũng nên làm, nhưng nếu cứ vì lo lắng cho con cái, không yên tâm đi làm và rồi lại ở nhà chăm con, thì chẳng phải người phụ nữ không có thu nhập sao? Tính thế, lẽ ra, phụ nữ ở Việt Nam cũng nên được trả lương giống như nước bạn thì chắc chúng tôi sẽ hạnh phúc lắm. Không phải là mình ăn theo họ, mà mình chỉ ước cái gì chính đáng và hợp với lợi ích của mình mà thôi!