Dù họ có diễn giỏi thế nào, thao túng giỏi ra sao, bằng cách nhìn vào 6 đặc điểm này, bạn đều có thể phát hiện ra kẻ giả tạo để tránh xa, tránh những ảnh hưởng tiêu cực.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
1. Những người bạn cáu kỉnh
Tình bạn của họ được xây dựng dựa trên quan điểm phải được nhận về nhiều hơn những gì có thể cho đi. Những người bạn giả tạo này sẽ chẳng ngại từ chối bạn hoặc rút lui khi tình bạn đó không còn mang lại lợi ích gì cho họ nữa. Bạn sẽ thấy họ trở nên tức giận hoặc bày tỏ rõ sự thất vọng khi bạn không thể đáp ứng điều họ cần.
Họ không muốn nghe câu trả lời “Không” từ phía bạn. Nếu họ đang cần thứ gì đó ở bạn, bạn sẽ thấy họ xuất hiện thường xuyên và tỏ ra rất tử tế, tốt đẹp với bạn. Nhưng khi không thể lấy được điều mình muốn, họ sẽ tức giận và đôi khi là làm mọi cách để khiến bạn cảm thấy tội lỗi.
Một người bạn giả tạo sẽ nói xấu sau lưng bạn. Họ xuất hiện như một người bạn trước mặt bạn, nhưng sau lưng lại đi rêu rao những điều nhằm làm xấu đi hình ảnh của bạn chỉ vì ghen tị.
2. Lời nói không phù hợp với hành động
Những người giả tạo có xu hướng dùng lời nói để đánh lạc hướng mọi người khỏi hành động của họ. Họ sẽ luôn miệng khoe khoang về gì họ có, những điều họ sẽ làm và thành công sẽ đạt được nhưng lại có lối sống của một người thất bại.
Bạn có thể phát hiện ra những loại người này thông qua tần suất thất hứa, nói quá hay mà làm quá dở. Họ có thể rao giảng về đạo đức hoặc tâm linh với người khác cả ngày nhưng lối sống thực sự hoàn toàn mâu thuẫn, trái ngược với những gì họ nói.
Có rất nhiều người như vậy trong xã hội này, ngay trong vòng kết nối bạn bè của bạn. Bạn nghĩ mình có thể dễ dàng để phát hiện ra họ nhưng không phải vậy. Theo thời gian, họ ngày càng trở nên thành thạo hơn trong kỹ năng thuyết phục mọi người bằng những lời ngọt ngào của mình. Và nếu bạn là người cả tin, dễ bị lung lay bởi lời nói, rất có thể bạn sẽ trở thành con mồi của họ.
3. Họ tìm kiếm sự chấp thuận
Những kẻ giả tạo thực sự không đánh giá được bản thân và họ sẽ làm bất cứ điều gì để thu hút sự chú ý và xác nhận của người khác. Động lực cảm thấy bản thân có ý nghĩa trong mắt người khác khiến họ sẵn sàng nói dối trên mạng xã hội, “nổ” về vị trí không có thực của họ ở nơi làm việc, chi tiêu quá tay để tỏ ra sành điệu, chơi với những người họ không thực sự thích, làm những thứ họ không thực sự muốn…
Họ thực sự bị ngắt kết nối với con người của họ. Tại một số thời điểm, một số họ còn thậm chí quên mất những gì mình thực sự muốn. Họ có thể bắt đầu tìm đến rượu, ma túy và bất cứ thứ gì khác để đạt được trạng thái thăng hoa và giảm bớt nỗi đau trống rỗng. Họ không biết mình là ai, luôn đấu tranh để duy trì một hình ảnh mà họ nghĩ rằng người khác muốn thấy.
4. Những người có cái tôi mong manh
Họ không thể xử lý bất kỳ bất đồng nào một cách bình tĩnh. Bất kỳ sự bất đồng hay chỉ trích nhỏ nào đối với họ đều được coi như một cuộc tấn công cá nhân. Trong mọi trường hợp, họ mặc định mình luôn đúng và không có điều gì khác quan trọng hơn.
Những kẻ giả tạo thường có cảm giác không an toàn sâu thẳm bên trong mình. Họ không thể tách biệt mình là ai khỏi những khiếm khuyết và sai lầm trong quá khứ. Với họ, việc thừa nhận rằng bản thân sai đồng nghĩa với việc bóp nát cái tôi vốn đã mong manh đó. Bởi vậy, họ phải làm bất cứ điều gì có thể để duy trì cái tôi đó, bất kể điều gì.
Khi bạn có một người như thế ở quanh mình, bạn sẽ không thể tránh khỏi cảm giác bực bội. Không ai có thể đưa ra những lời góp ý, giúp họ sửa sai. Và một điều chắc chắn nữa là những kẻ này sẽ không bao giờ xin lỗi về những điều sai trái họ đã làm.
5. Cuộc sống phóng đại trên mạng xã hội
Những người giả tạo rất thích “làm màu” trên mạng xã hội. Họ không ngại vẽ ra những thứ mình hoàn toàn không có, nhận khống về những thứ mình sở hữu, miễn là điều đó cho họ cảm giác về sự giàu có, quyền quý.
Nếu không biết về cuộc sống thực của họ, rất nhiều người thông qua cuộc sống phóng đại trên mạng xã hội sẽ ngưỡng mộ những con người này. Họ nhận vơ tài sản của người khác, luôn xuất hiện với sự sang chảnh cùng hàng hiệu, thông qua các ứng dụng để sửa sang hình ảnh cho chuẩn mẫu hơn... Tất cả đều phục vụ cho mục đích “làm màu”, lợi dụng ai đó mà họ hướng đến.
6. Có dấu hiệu của sự thao túng
Một người khéo léo không ngại làm những gì họ cần làm để đạt được điều mà họ muốn ở bạn. Họ có thể thay đổi những điều về bản thân để tạo thành một câu chuyện phù hợp hơn với ấn tượng với bạn mà họ muốn bạn thấy.
Nếu họ muốn thứ gì đó từ bạn, họ không ngại dùng mọi cách để có được nó. Họ có thể sử dụng các chiến thuật tinh vi để khiến bạn cảm thấy tội lỗi khi đã không để họ có được điều đó. Sự hiện diện của họ thường sẽ có tác động tiêu cực đến bạn và chính bạn cũng sẽ lờ mờ hoặc nhận ra rõ ràng nguồn năng lượng độc hại khi ở xung quanh họ.